Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang có xu hướng gia tăng. Thậm chí có trường hợp trẻ mới 10 tuổi phải cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hoá.

Nguyên nhân chính là do trẻ em hiện đang phải chịu áp lực ăn và học quá nhiều. Không hiếm thấy cảnh cha mẹ ép con ăn, ép con học làm cho trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng. Vì vậy, phụ huynh cần nghĩ đến bệnh dạ dày khi thấy con mình có các biểu hiện sau:

1. Đau bụng

Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ. Tuy nhiên cần lưu ý, đau bụng ở trẻ lại không giống ở người lớn. Với trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị (trên rốn). Một số ít có cả cơn đau về đêm. Mỗi cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.

2. Nôn

Nôn và buồn nôn hoặc chán ăn là những triệu chứng rất ít gặp ở trẻ lớn nhưng ở trẻ nhỏ có thể gặp nôn tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.

3. Thiếu máu

Nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ nhập viện.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo phụ huynh không nên tạo áp lực cho trẻ trong việc ăn và học. Cụ thể là không được ép trẻ em và không cho trẻ học thêm quá nhiều. Nên dành nhiều thời gian hơn để trẻ được vui chơi ở ngoài trời hơn là chỉ học tập và vui chơi trong nhà.

ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng , Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, ép con ăn nhiều là một trong những sai lầm của cha mẹ rất hay gặp phải khiến trẻ ngày càng biếng ăn . Chính vì cha mẹ ép quá nên trẻ sợ ăn, càng ép trẻ càng không ăn, thậm chí nôn trớ, khóc thét… Điều này cũng làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, cũng có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ.

Để khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ, BS. Hải cho rằng, cha mẹ không ép khi trẻ không muốn ăn. Nếu trẻ ăn ít, cha mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 3-4 bữa. Mỗi lần chỉ cần cho con ăn 1 chén nhỏ cơm, hoặc cháo, bột là được, không nên ăn quá nhiều. Có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua, váng sữa. Bên cạnh đó, thay đổi món ăn, cách chế biến. Cha mẹ có thể thay đổi cách chế biến, không nên cho trẻ ăn mãi một món dễ nhàm chán. Mẹ có thể cho trẻ ăn dặm dần, ăn cơm nát, mì cắt nhỏ... xem trẻ có ăn ngon miệng hơn không. Cũng có thể cho trẻ ăn cháo, bột, chuối xay, củ xay… tốt nhất nên để trẻ tự xúc ăn, hoặc hướng dẫn trẻ tự xúc ăn.

Nếu mẹ không có nhiều thời gian, có thể chuẩn bị thức ăn cho cả tuần nhưng không nên hấp chín, chỉ nên sơ chế (như bóc vỏ tôm, xay nhỏ thức ăn, chia nhỏ khẩu phần ăn từng bữa), sau đó để đông đá. Gần đến bữa thì rã đông bằng cách để xuống ngăn mát rã đông dần, như vậy sẽ không bị mất chất.

Bữa ăn của trẻ tuyệt đối không nên kéo dài quá 30 phút, để trẻ tập trung vào bữa ăn.