Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian hình thành từ thuở đầu của nền văn minh lúa nước. Qua thời gian, nghệ thuật này đã "thay da đổi thịt" ngày càng trở nên phong phú và đa dạng, trở thành biểu tượng điển hình cho nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt.

Theo sự bồi đắp của năm tháng, múa rối nước không chỉ đơn thuần xuất hiện trong các màn trình diễn dân gian mà còn được sử dụng trong các sự kiện ngoại giao, giúp lan tỏa những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Múa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền Việt Nam có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật ngày càng được giới trẻ yêu thích và tiếp cận.

Gần đây nhất, trong chiều ngày 10/6, đoàn của Bộ Tư Pháp, Cộng hòa Cu-Ba do Bộ trưởng Oscar Manuel Silvera Martínez làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và thưởng thức chương trình nghệ thuật tại Nhà hát múa rối Thăng Long. Ngoài được nghe giới thiệu về nhà hát, về áo dài, thưởng thức trà, nghe quan họ, hát văn, Bộ trưởng Oscar Manuel Silvera Martínez đã bày tỏ niềm yêu thích và sự ngưỡng mộ với nghệ thuật múa rối nước.

Bộ trưởng Oscar Manuel Silvera Martínez đã có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long - Thang Long Water Puppet Theater

Tối ngày 20/7, trong khuôn khổ hoạt động chuyến thăm Việt Nam, bà Lê Thị Bích Trân - Phu nhân Thủ tướng Chính phủ cùng bà Wan Azizah binti Wan Ismail – Phu nhân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có dịp cùng nhau dự xem chương trình nghệ thuật múa rối nước tại Nhà hát múa rối nước Bông Sen, Hà Nội.

Phu nhân Thủ tướng Malaysia, bà Wan Azizah binti Wan Ismail thưởng thức chương trình "Múa rối nước Bông Sen" và để lại lưu bút tại nhà hát. Ảnh: Lotus Water Puppet

Trong chương trình, các tiết mục được biểu diễn linh hoạt và khéo léo bởi các nghệ sĩ múa rối nước như múa rồng, vinh quy bái tổ, Lê Lợi trả gươm, đánh cáo bắt vịt, hầu đồng,... Từ những con rối "vô tri", dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, rất nhiều câu chuyện dân gian được tái hiện một cách sinh động.

Hình ảnh múa rối nước đầy nghệ thuật trong trailer phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ.

Không chỉ vậy, trong thời gian vừa qua, đạo diễn Victor Vũ đã công bố poster đầu tiên của bộ phim Người vợ cuối cùng. Đây là thể loại phim cổ trang lấy bối cảnh diễn ra vào thế kỷ 19 của Việt Nam. Trong trailer công bố, không chỉ trang phục đặc trưng như nón ba tầm xuất hiện, những thước phim còn mở ra được cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam, tái hiện những phiên chợ đậm đà chất quê Bắc Bộ. Đặc biệt, trong đoạn trailer ngắn ấy xuất hiện phân cảnh múa rối nước được chuẩn bị kỹ càng, công phu về cả bối cảnh sân khấu, hệ thống nước, nghệ nhân và tạo hình con rối.

Từ những thông tin trên cho thấy, nghệ thuật múa rối nước mặc dù đã tồn tại lâu trong các loại hình nghệ thuật dân gian, bằng cách này hay cách khác, chúng vẫn đang được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị mạnh mẽ.

3 điều có thể bạn chưa biết về múa rối nước

1. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian ra đời từ nền văn minh lúa nước

Bạn có thể bắt gặp nhiều loại hình múa rối trên khắp thế giới, tuy nhiên bạn chỉ tìm thấy nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam. Ra đời khoảng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng, múa rối nước lấy chất liệu từ nghề nông, được "nhào nặn" để tạo nên những vở kịch phản ánh đời sống của nông dân. Thời gian ra đời của múa rối nước vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn tuy nhiên dấu ấn của nghệ thuật múa rối nước còn lại đến ngày nay được tìm thấy qua bia tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 ở chùa Đọi Long, Hà Nam.

Từ cứ liệu này, các nhà nghiên cứu cho rằng múa rối nước phát triển dưới thời Lý (1010 - 1225) và biểu diễn thịnh hành trong cung đình cho vua chúa, sứ giả. Sau này, giai đoạn thế kỷ XV - XIX, nhiều kỹ thuật mới được sáng tạo, đồng thời múa rối nước được tiếp thu tinh hoa từ nghệ thuật chèo và tuồng thêm nhiều lời thoại.

2. Sân khấu biểu diễn của múa rối nước

Khác với múa rối bóng đặc trưng của Trung Quốc, chúng được trổ trên da và gắn với nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong văn hóa dân gian nước này, tương truyền rằng vợ Hán Vũ Đế chết, nhà vua vì quá thương nhớ vợ mà đã cho đạo sĩ chiếu lên màn vải trắng thấy bóng dáng của người phụ nữ có dáng dấp của hoàng hậu và tin rằng đó là hồn hoàng hậu trở về.

Sân khấu rối được chia thành ba loại là rối cạn, rối nước và rối trên không. Tuy nhiên, rối nước mới làm nên đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, khẳng định đặc trưng riêng của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Ngay từ tên gọi, múa rối nước lấy nước làm sân khấu biểu diễn, gọi là thủy đình.

Con rối di chuyển linh hoạt, uyển chuyển khớp với từng câu thoại, lời dẫn đòi hỏi người nghệ nhân phải rất khéo léo và đắm mình vào vở diễn. Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long - Thang Long Water Puppet Theater

Trên mặt nước vừa là sân khấu vừa là bối cảnh bổ trợ cho con rối biểu diễn dưới sự điều khiển khéo léo, linh hoạt của nghệ nhân. Ngay bên dưới mặt nước là hệ thống máy, sào dây được kết nối với buồng trò.

Để điều khiển con rối trên mặt nước nào phải chuyện dễ dàng. Muốn nhân vật con rối di chuyển linh hoạt, kết hợp với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hợp lý, xen lẫn câu thoại, lời giáo trò, dàn nhạc vang lên đúng lúc... Tất cả những thứ ấy tạo nên tiết mục đặc sắc đòi hỏi sự nhiệt huyết và khả năng điêu luyện của người nghệ sĩ.

Vừa diễn con rối phải uyển chuyển, chân thực vừa phải nhả thoại giàu cảm xúc, chỉ khi đạt được điều đó mới mang lại vở diễn thành công in dấu trong lòng khán giả.

3. Chất liệu tạo nên con rối rất đặc biệt

Những con rối được chế tác từ đơn giản đến công phu đều chung mục đích mô phỏng lại các giai thoại, chuyện cổ tích hoặc cuộc sống của người Việt xưa. Chính vì vậy, trong bất cứ vở diễn nào bạn được thưởng thức cũng sẽ thấy đậm đà hơi thở cuộc sống của người Việt Nam.

Để thổi hồn vào những con rối tạo nên cả một vở diễn đặc sắc, chất liệu tạo nên con rối là một yếu tố rất đặc biệt. Không phải gỗ hương, gỗ lim hay loại gỗ sưa quý giá, chất liệu làm con rối chính là gỗ sung. Ngay từ chất liệu cũng đã thấy được sự hồn hậu, chân chất của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Mặc dù chất liệu tạo nên con rối từ gỗ sung giúp cho việc di chuyển nhẹ nhàng hơn nhưng các nghệ nhân đều phải sử dụng kỹ năng điêu luyện để điều khiển. Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long - Thang Long Water Puppet Theater

Bởi mỗi con rối đều được làm thủ công, không bị gò bó theo khuôn mẫu nào, chúng đều được gửi gắm tâm tư, hồn cốt riêng. Cho nên, sử dụng gỗ sung để làm con rối, chúng không chỉ nhẹ, bền, chống thấm nước tốt. Không chỉ vậy, chữ "sung" ở đây còn ngụ ý những lời gửi gắm ước mong của ông cha về một cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Thời gian lấp đầy cuộc sống bằng nhiều loại hình nghệ thuật mới, hiện nay tính ra chỉ còn khoảng 18 phường rối nghiệp dư khắp các tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng. Trên khắp dải đất hình chữ S cũng có khoảng 23 nhà hát múa rối nước đang hoạt động.

Dù qua nhiều biến đổi phong sương, múa rối nước chưa thực sự phổ biến với người dân Việt, nhưng loại hình nghệ thuật này vẫn đang được lưu giữ, phục hồi và tạo nên "hình hài" mới, đặc biệt là trong lòng giới trẻ.

Bạn có thể xem múa rối nước ở những nơi nào tại Hà Nội?

1. Nhà hát múa rối Việt Nam

Địa chỉ: 361 Trường Chinh, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

Giá vé: Theo các vở diễn dao động từ 120.000 đồng - 300.000 đồng

Website: http://www.nhahatmuaroivietnam.vn

2. Nhà hát múa rối Thăng Long

Địa chỉ: 57B Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Giá vé: Vé phổ thông (xa sân khấu nhất): 100.000 đồng/khách

Vé thường (hàng ghế thứ 2): 150.000 đồng/khách

Vé VIP (gần sân khấu nhất): 200.000 đồng/khách

Lưu ý: Du khách sử dụng máy ảnh phụ thu 20.000 đồng/máy, máy quay phim 60.000 đồng/máy.

Website: https://nhahatmuaroithanglong.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/thanglongwaterpuppet

3. Nhà hát múa rối nước Bông Sen

Địa chỉ: 16 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Giá vé: Loại 1: 150.000 đồng (ghế tầng 1 - hàng A đến G)

Loại 2: 100.000 đồng (ghế tầng 1 - hàng H đến N)

Loại 3: 80.000 đồng (ghế tầng 2)

Website: http://www.bongsenwaterpuppet.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/lotuswaterpuppet

Lời nhắn: Thời gian mỗi suất diễn khoảng 45 phút, du khách nên mua vé tại điểm xem trước 30 phút, giá vé có thể thay đổi theo thời điểm, giá vé trên mang tính tham khảo, quý du khách có thể đến trực tiếp mua tại quầy.