F0 tự điều trị tại nhà bị ngộ độc do uống paracetamol quá liều
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, hiện đang chăm sóc qua điện thoại cho các bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM) mới đây chia sẻ: Ngày 18/8 vừa qua, bác sĩ đã tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tổn thương gan do ngộ độc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol. Khi đó, họ đã có dấu hiệu mệt mỏi, vàng da, buồn nôn, đau bụng...
Theo người nhà bệnh nhân, hàng ngày người bệnh uống 4-6 viên loại 500mg, uống liên tục 14 ngày. Trong khi đó, liều paracetamol tối đa khuyến cáo với người lớn chỉ là 4 viên loại 500mg mỗi ngày, và không được uống quá 10 ngày.
Nhận định người bệnh dùng thuốc quá liều, bác sĩ Dũng đã yêu cầu dừng ngay việc uống paracetamol, đồng thời uống các thuốc giải độc. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định hơn, các triệu chứng ngộ độc thuốc đã giảm.
Tin vào đơn thuốc tự chữa COVID-19 lan truyền mạng xã hội, coi chừng ngộ độc paracetamol
Do số lượng bệnh nhân F0 tự điều trị tại nhà tăng vì thế những ngày qua, trên mạng xã hội đã lan truyền rất nhiều đơn thuốc "Trị nhiễm COVID". Trong các đơn thuốc này hầu hết đều có paracetamol với liều lượng không chính xác, không cụ thể, không có chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh uống theo những đơn thuốc không có căn cứ như vậy thì cũng rất dễ có nguy cơ sử dụng quá liều và gây ngộ độc.
Bác sĩ Dũng cho hay, những trường hợp ngộ độc do dùng thuốc paracetamol quá liều thường đến từ 2 nguyên nhân: 1 là do người bệnh đã uống cùng lúc 2 hoạt chất paracetamol, 2 là vừa uống hạ sốt paracetamol vừa uống ibuprofen (thuốc chống viêm non-steroid, dùng để giảm các triệu chứng viêm khớp, thống kinh nguyên phát, sốt, và như một thuốc giảm đau, đặc biệt là nơi có viêm.).
Cách dùng thuốc này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây tổn thương gan - thận cấp, có thể đe dọa tính mạng. Thậm chí, đôi khi bệnh nhân đã nhận được kết quả âm tính nhưng lại có thể bỏ mạng vì dùng thuốc sai cách.
Biểu hiện ngộ độc paracetamol là gì?
Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Loại thuốc này rất quan trọng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế biến chứng cho người bệnh mắc COVID-19, nhưng theo bác sĩ Dũng paracetamol cũng rất nguy hiểm nếu dùng sai chỉ định hoặc quá liều.
Các biểu hiện ngộ độc thuốc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên từ ngày thứ 2,3 trở đi khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần. Khi bệnh nhân đã có vàng da, chán ăn… tức là đã muộn. Thậm chí khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Làm sao để sử dụng paracetamol an toàn?
Thuốc paracetamol được chỉ định sử dụng khi cơ thể sốt trên 38,5 độ C. Với người lớn, không được dùng thuốc liên tiếp quá 10 ngày, trẻ em không được quá 5 ngày.
Cụ thể:
- Người lớn: Uống 1 liều 10mg-15mg x số kg cân nặng. Ví dụ bệnh nhân nặng 50kg, có thể uống 1 viên đến 1.5 viên thuốc 500mg. Tốt nhất chúng ta chỉ nên dùng liều 10mg/kg, vì bệnh nhân sốt do COVID-19 thường sốt kéo dài 5-7 ngày, tức là cần uống thuốc hạ sốt trong thời gian đó.
Nếu đã uống thuốc mà vẫn sốt cao trên 38.5 độ C, phải tìm mọi cách để hạ nhiệt độ, cùng với thuốc (ví dụ như chườm khăn ấm vào trán, tay, chân...). Tuyệt đối không tự ý tăng liều. Sau ít nhất 6 giờ, nếu nhiệt độ vẫn trên 38.5 độ C, mới được uống tiếp liều thứ 2.
Một ngày tốt nhất không nên uống quá 2000mg (là 4 viên 500mg), đối với bệnh nhân trung bình khoảng 50kg.
Trong trường hợp bị sốt cao trên 39,5 độ, đã dùng liều 10mg/kg cân nặng + lau chườm... mà không hạ được nhiệt độ thì có thể dùng đến liều tối đa 15mg/kg cân nặng, tuy nhiên lưu ý là liều này không được lặp lại dưới 8 giờ/lần.
- Trẻ em:
Liều lượng 10-15mg/kg cân nặng. Tuy nhiên thuốc của trẻ thường là loại bột pha với nước, đóng gói 80mg, 150mg, 250mg. Cha mẹ cần nắm chính xác cân nặng của trẻ để tính liều lượng thuốc và pha với khoảng 30ml nước ấm cho trẻ uống.
Nếu bé không uống được, phụ huynh có thể tính đến phương án dùng thuốc đặt hậu môn. Tuy vậy cần nhớ mỗi lần dùng thuốc cho trẻ cũng phải cách nhau tối thiểu 5-6 giờ.
Lưu ý không lạm dụng việc đặt thuốc vào hậu môn trẻ vì sẽ gây biến chứng rối loạn bài tiết phân.
Đối tượng nào không nên dùng thuốc paracetamol
- Nhóm người có tiền sử dị ứng với paracetamol.
- Những người đang mắc các bệnh lý cấp tính về gan. Ví dụ như ung thư gan, viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp tính do mọi nguyên nhân...
- Người đang bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng thuốc.