Chuyên gia trị liệu tâm lý Susan Forward từng chỉ ra rằng: "Có những bậc cha mẹ thường xuyên kiểm soát con cái quá mức, lâu dần sẽ gây ra nỗi sợ hãi và đau đớn kéo dài cho con".
Trong cuộc sống thực tế, những gia đình có nền giáo dục kém thường tiêu hao sự tự tin và tinh thần của con cái qua 3 điểm sau, và càng sớm nhận ra điều này, cha mẹ càng dễ thay đổi để tốt hơn.
1. Cha mẹ luôn chê bai và phủ nhận, dễ làm tiêu tan sự tự tin của con cái
Tại sao một đứa trẻ lại trở nên tự ti? Một chuyên gia giáo dục cho rằng: "Sự tự ti bắt nguồn từ sự trách móc quá đáng. Cha mẹ thường đòi hỏi ở con cái nhiều hơn bất kỳ ai khác, thậm chí còn cao hơn cả yêu cầu đối với bản thân họ. Điều này dẫn đến việc trẻ dễ hình thành đặc điểm tự ti khi lớn lên".
Nhiều bậc cha mẹ thường ngay lập tức bùng nổ cảm xúc khi con cái mắc lỗi, mà không quan tâm đến nguyên nhân sự việc. Dù đó là chuyện nhỏ như làm vỡ một cái bát, làm bẩn sàn nhà, hay thất bại trong một kỳ kiểm tra, họ chỉ quan tâm đến kết quả mà không hề hỏi về quá trình.
Thói quen xả giận này dần trở thành phản xạ. Mỗi khi con cái không đạt kỳ vọng, hay kết quả học tập không tốt, lời lẽ chê bai và chỉ trích lại tuôn ra: "Sao việc gì con cũng làm không tốt?", "Sao con không giỏi như người khác?", "Sao tôi lại sinh ra một đứa con ngu ngốc như này"?
Những lời chỉ trích không chỉ làm tổn thương con cái, mà còn dần làm suy yếu sự tự tin của chúng, khiến chúng tin rằng mình thật sự vô dụng như cha mẹ nói.
2. Cha mẹ kiểm soát quá mức, tước đi giá trị của con
Chuyên gia giáo dục thanh thiếu niên Ấn Kiến Lệ (Trung Quốc) từng viết: "Một đứa trẻ không có cơ hội tự kiểm soát cuộc sống của mình thì không bao giờ có thể học được cách tự kiểm soát bản thân".
Cha mẹ càng kiểm soát con cái, càng khiến chúng mất đi sự tự chủ và lo lắng. Dần dần, trẻ sẽ chọn sai hướng và đưa ra những quyết định sai lầm.
Câu chuyện về "thần đồng" Trương Tân Dương từng được báo chí Trung Quốc và nhiều nước châu Á đăng tải là một ví dụ điển hình. Dù có trí tuệ vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng vì cha mẹ liên tục đưa ra quyết định thay con, cậu bé đã mất đi khả năng tự đưa ra lựa chọn và tự định hướng cuộc sống của mình.
3. Cha mẹ thường xuyên phàn nàn, sẽ làm cạn kiệt năng lượng tích cực của con
Trên mạng có một câu hỏi: Một gia đình tiêu cực sẽ tạo ra những đứa trẻ như thế nào?
Một người dùng trả lời: "Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy sẽ dễ dàng trở nên nhạy cảm và tự ti. Chúng không có khả năng đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và dễ bị ảnh hưởng bởi những lời phàn nàn của cha mẹ".
Nếu trẻ phải nghe những lời than vãn, oán trách từ cha mẹ suốt ngày, chúng sẽ dần mất đi năng lượng tích cực, mất đi niềm tin vào tương lai.
Cha mẹ là người dẫn đường cho con cái. Những lời nói và hành động của cha mẹ không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại, mà còn định hình cả cuộc đời của con. Vì vậy, hãy học cách quản lý cảm xúc của mình, và giúp con phát triển trong môi trường lành mạnh.
Một chuyên gia tâm lý từng nói: "Những bậc cha mẹ tốt là những người có thể trở thành "bình chứa" cho con cái". Cha mẹ cần biết khi nào nên hỗ trợ và khi nào nên lùi bước để trẻ tự bay bằng đôi cánh của mình.