Trong cuộc sống, có một số tật xấu của trẻ bắt nguồn từ việc cha mẹ khen ngợi không đúng cách. Càng được khen trẻ càng có xu hướng phản kháng. Đây là điều đáng suy ngẫm về tác động của lời khen đối với sự phát triển tâm lý của trẻ.
Dưới đây là 3 kiểu khen ngợi tác động xấu tới sự phát triển của con cái:
1. Khen ngợi không thành thật
Nhiều bậc cha mẹ lớn lên trong môi trường thiếu sự công nhận và khích lệ, do đó họ thường rất coi trọng việc khen ngợi con cái. Họ mong muốn bù đắp cho những thiếu thốn mà bản thân từng trải qua, thậm chí đôi khi sử dụng những lời khen không hoàn toàn chân thật.
Tuy nhiên, việc khen ngợi không thành thật có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch ở trẻ, khiến trẻ không thể đánh giá đúng khả năng của bản thân.
Trong một chương trình gần đây, người dẫn chương trình Kim Tinh (Trung Quốc) đã chia sẻ câu chuyện thú vị về một người bạn của mình. Người bạn này luôn dành những lời khen ngợi cho con cái, dù thực tế đứa trẻ không phải xuất sắc nhất. Cô thường nói: "Con là tuyệt nhất, mẹ tự hào về con!".
Tuy nhiên, trong một lần khi con cô tham gia cuộc thi thư pháp, cậu bé đã rất tự tin và nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ giành giải. Thế nhưng, kết quả lại không như mong đợi khi cậu bé không đạt được bất kỳ giải thưởng nào. Không thể chấp nhận sự thật này, cậu bé tức giận và tìm đến cô giáo để tranh cãi: "Con làm rất tốt, tại sao con không được giải?".
Cô giáo nhẹ nhàng giải thích: "Con đã rất cố gắng nhưng tác phẩm của các bạn khác thực sự tốt hơn con". Tuy nhiên, cậu bé không kiềm chế được cơn tức giận, cảm thấy bị sỉ nhục nên đã xé nát tác phẩm của mình, đồng thời phá hủy cả những tác phẩm của các bạn khác.
Câu chuyện này không chỉ phản ánh tâm lý trẻ em mà còn là bài học về việc chấp nhận thất bại và sự cạnh tranh trong cuộc sống.
Việc khen ngợi không chân thành từ cha mẹ có thể so sánh với việc đeo cho trẻ một chiếc kính bóp méo sự thật, khiến trẻ chỉ nhìn thấy một hình ảnh ảo tưởng về bản thân. Khi trẻ phải đối mặt với thất bại và tháo chiếc kính đó ra, chúng cảm thấy sốc khi thất bại quá lớn.
2. Khen ngợi kiểu rạp khuôn
Khen ngợi kiểu rạp khuôn thường chỉ mang tính hình thức, cha mẹ không nên áp dụng cho con mình.
Có một học sinh (tạm gọi là A), gặp khó khăn trong học tập, cả về điểm số lẫn hành vi của mình trong lớp học. Trước tình hình này, nhà trường khuyến nghị A cần được điều trị tâm lý.
Mẹ của A đưa con tới bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề của A nằm ở cách giao tiếp trong gia đình. A lớn lên trong môi trường luôn được mọi người khen ngợi, với những câu nói như: "Con thật tuyệt!", "Con thật thông minh!", "Con thật xuất sắc!" từ phía người thân. Điều này có thể đã tạo ra áp lực không nhỏ cho A trong quá trình học tập và phát triển.
Sau khi lên lớp 5, A bắt đầu cảm thấy việc học trở nên khó khăn hơn. Cậu thường chần chừ và không muốn làm bài tập. Khi không thể chịu đựng được nữa, A đã chia sẻ với mẹ: "Mẹ ơi, toán khó quá". Mẹ A động viên: "Có gì khó đâu, con luôn thông minh mà, mẹ tin con sẽ làm được". Tuy nhiên, A vẫn cảm thấy bế tắc: "Thật sự rất khó, con không biết làm".
Người mẹ khuyên con trai hãy cố gắng suy nghĩ thêm, nhưng cuối cùng A vẫn không tìm ra cách giải quyết và cũng không hỏi mẹ thêm. Thời gian trôi qua, điểm số của A dần giảm sút.
Theo bác sĩ tâm lý, A gặp khó khăn trong việc nỗ lực học tập chủ yếu do ảnh hưởng từ sự nuông chiều của cha mẹ. Từ nhỏ, A đã được gán nhãn là "thông minh," và cậu mặc định coi đó là đặc điểm của bản thân. Điều này dẫn đến tâm lý lo sợ rằng, nếu cố gắng mà không đạt kết quả tốt, danh hiệu "thông minh" sẽ bị mất đi.
Khi A cần sự hỗ trợ, mẹ cậu không thể giúp đỡ kịp thời và hiệu quả, mà chỉ đưa ra những lời khen mang tính chất rạp khuôn. Điều này khiến A rơi vào vòng bảo vệ của sự "thông minh" của mình, không dám đối mặt với những khó khăn trong học tập.
Bác sĩ tâm lý cho biết, nhiều đứa trẻ như A thường nhận được những lời khen ngợi rạp khuôn, không đúng cách, mức độ ảnh hưởng của điều này có thể khác nhau ở mỗi trẻ.
3. Khen ngợi kiểu đạo đức bắt buộc
Khen ngợi trẻ theo kiểu đạo đức bắt buộc là việc gán cho trẻ một nhãn mác đạo đức, sau đó kiểm soát hành vi của trẻ.
Tiểu Mẫn, một cô gái 17 tuổi sống ở Vân Nam, Trung Quốc quyết định rời quê hương để làm việc tại Quảng Đông với mục đích nuôi em trai và em gái đi học. Dù cô có ước mơ được tiếp tục học lên trung học nhưng mẹ cô khuyên: "Mẫn Mẫn rất hiểu chuyện, chỉ có con mới có thể gánh vác một phần gánh nặng cho gia đình". Sau nhiều suy nghĩ, Tiểu Mẫn đã từ bỏ giấc mơ học hành để hỗ trợ gia đình.
Vài năm trôi qua, với nỗ lực không ngừng, Tiểu Mẫn đã tiết kiệm số tiền khá lớn, chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên, khi mẹ cô biết được số tiền này, bà đã nói: "Mẹ biết con gái mẹ rất hiếu thảo, số tiền này nên dùng để mua bảo hiểm cho bố mẹ là hợp lý". Cuối cùng, Tiểu Mẫn đành phải chấp nhận ý kiến của mẹ, thể hiện tấm lòng hiếu thảo và trách nhiệm của mình đối với gia đình.
2 năm trôi qua, Tiểu Mẫn vẫn tiếp tục làm việc tại nhà máy, sống trong những ngày tháng khó khăn mà không thấy ánh sáng hy vọng. Trong khi đó, những người bạn cùng thời với cô đã chọn con đường khởi nghiệp và dần tìm thấy thành công.
Tiểu Mẫn nhận ra rằng số phận của mình dường như chỉ đang lặp lại, dù cô đã nỗ lực hết mình. Cuối cùng, những gì cô nhận được chỉ là những lời khen ngợi mang tính chất đạo đức từ cha mẹ mà không có sự thấu hiểu nào. Vì thế, cô quyết định không liên lạc với gia đình, sống cuộc đời cho chính bản thân.
Những lời khen ngợi theo kiểu đạo đức bắt buộc thực chất là một hình thức kiểm soát con cái, và sự kiểm soát này thường dẫn đến tổn thương cho cả 2 bên.
Trên nền tảng Zhihu, một người dùng đã đặt câu hỏi về những hành vi của cha mẹ khiến con cái cảm thấy khó chịu nhất. Một trong những câu trả lời nhận được nhiều sự đồng tình cho rằng: "Khen ngợi con cái một cách có chủ đích, thực chất là để đạt được một mục đích nào đó của cha mẹ".
Điều này cho thấy, cha mẹ thường là những người mà con cái tin tưởng và gần gũi nhất. Tuy nhiên, khi cha mẹ lợi dụng lời khen như một công cụ để đạt được lợi ích cá nhân, điều này có thể khiến con cái cảm thấy thất vọng và tổn thương. Việc liên tục sử dụng khen ngợi theo kiểu áp đặt có thể gây ra những tác động tiêu cực, thậm chí hủy hoại tâm lý của trẻ.