Ngày nay, số bệnh nhân mắc ung thư ngày càng gia tăng, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều này liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết…
Chất phụ gia và các chất bảo quản thực phẩm có liên quan rất gần đến ung thư. Trong đó, formaldehyde là "kẻ giết người" tiềm ẩn, rất ít người để ý. Formaldehyde là một hóa chất rất độc, thường được gian thương sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm, khiến đồ ăn tươi lâu và đẹp mắt hơn.
Formaldehyde rất có hại cho cơ thể người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nếu con người tiếp xúc thời gian dài với hàm lượng lớn formaldehyde thì cơ thể sẽ đối mặt với nguy cơ ung thư đường hô hấp (mũi, họng, phổi); Gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, làm hại cho bào thai; Gây kích ứng da, mắt, mũi và họng, dẫn đến dị ứng.
Theo một người bán hàng lâu năm ở chợ tiết lộ trên tờ Sohu, có 3 loại cá, 3 loại rau và 3 loại quả dễ được phun chất formaldehyde để kéo dài thời gian sử dụng nhất, bản thân người bán cũng sợ không dám mang về nhà ăn, thế nhưng đây đều là những món "khoái khẩu" của người tiêu dùng.
3 loại rau cần cảnh giác không nên tiêu thụ vì dễ chứa formaldehyde
1. Cải thảo tươi non một cách bất thường
Nhiều người khi ăn lẩu thường thích cải thảo non, chúng giòn và rất ngọt, tuy nhiên thời hạn sử dụng của cải thảo tương đối ngắn, rất dễ bị thối. Trong quá trình vận chuyển rau từ vườn ra chợ và siêu thị sẽ qua nhiều bước, do đó rau có thể bị héo và dập một chút ở những phần lá bên ngoài.
Để kéo dài thời hạn sử dụng, người buôn sẽ chọn cách phun một ít formaldehyde lên bề mặt bắp cải để tránh tình trạng hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Những cây cải thảo này sẽ to tròn, đầy đặn, không có đến một chiếc lá héo, tuy nhiên khi bổ ra sẽ thấy bên trong thối rữa... nếu thấy cải thảo có dấu hiệu lạ này thì tốt nhất bạn không nên mua về ăn.
2. Rau có mùi thuốc khử trùng
Các loại rau bị phun formaldehyde có điểm chung là: Dù trông sạch đẹp, bắt mắt nhưng vì là hóa chất nên sẽ gây mùi hăng, giống như mùi thuốc khử trùng. Ăn phải rau đã được bảo quản bằng formaldehyde có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa, hôn mê, chấn thương thận và có thể tử vong. Chính vì vậy, nếu bạn ngửi thấy rau có mùi lạ thì tốt nhất là không mua về ăn, bởi dù có rửa cũng không thể sạch hết formaldehyde.
3. Lá rau rất tươi nhưng phần rễ bị thối
Những bó rau được phun chất formaldehyde hầu hết sẽ bị bỏ qua phần rễ. Chúng ta nên chú ý đến điều này khi mua rau để xem bó rau đó có thực sự còn tươi hay không. Nếu rễ bị thối nhưng lá vẫn còn tươi và mềm, mùi không còn thơm thì chứng tỏ nó đã được phun formaldehyde để tươi lâu hơn, tốt nhất là không nên mua.
3 loại cá dễ chứa formaldehyde
1. Cá bốc mùi lạ
Để giữ cho cá được tươi ngon, một số người buôn cá còn sử dụng formaldehyde, chất này có tác dụng khử trùng và làm tăng màu sắc nên một số người bán hàng vì bất chấp lợi nhuận sẽ cho thêm formaldehyde vào nước để làm cho cá ươn trở nên tươi và đẹp mắt hơn, tuy nhiên nó cũng khiến cho cá có mùi không còn tươi. Theo cảnh báo của Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông, ăn phải cá có ướp formaldehyde có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa, hôn mê, chấn thương thận và có thể tử vong. Do đó, nếu ngửi thấy cá có mùi hăng giống như mùi dầu hỏa thì tốt nhất bạn không nên mua.
2. Cá thừa cân
Các loại cá nước ngọt đa số đều chỉ nặng khoảng 2kg-4kg đổ lại và kích thước không quá to. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có ai rao bán cá nước ngọt có kích thước quá lớn thì đừng vì tò mò mà mua thử bởi chúng có thể bị tiêm hormone tăng trưởng, hoặc đã sống lâu năm ở khu vực có chứa kim loại nặng, vì thế không nên ăn thử.
3. Cá sống trong bùn
Các loại cá sống trong bùn tuy có mùi vị thơm ngon nhưng trong cơ thể chứa một số chất formaldehyde, kim loại nặng và ký sinh trùng gây bệnh. Chính vì vậy, dù bạn có yêu thích các món ăn làm từ thực phẩm này đến đâu thì cũng không nên ăn quá nhiều.
3 loại quả cần thận trọng khi mua vì có chứa formaldehyde
1. Chuối chín ép
Trái cây như chuối có hạn sử dụng tương đối ngắn nên trong quá trình vận chuyển rất dễ bị thối, hư hỏng. Nhiều lái buôn quyết định hái chuối khi còn xanh sau đó ngâm chúng trong hóa chất, chất kích thích chín, chất bảo quản có chứa formaldehyde để chúng chín đều, tươi lâu. Chuối bị kích chín vẫn cứng, không thấy mùi thơm, bề mặt trơn láng, thân chín nhưng cuống xanh… Người tiêu dùng ăn phải có thể đối mặt với tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí là ung thư máu.
2. Trái cây trái mùa
Hiện nay, một số loại trái cây trái vụ ngày càng nhiều. Rất có thể, số trái cây này đã được tiêm thuốc bảo quản để giữ vài tháng, cho đến khi hết mùa mang ra bán với giá cao hơn, hoặc là trái cây được tiêm thuốc kích chín dù nó còn non. Dù bị tiêm thuốc bảo quản hay kích chín thì đều có thể chứa chất formaldehyde gây hại cho cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư.
3. Hoa quả có màu sắc tươi sáng bất thường
Những loại trái cây có màu sắc tươi sáng thường bắt mắt và được nhiều người lựa chọn hơn. Tuy nhiên, trái cây sau khi hái rất dễ bị héo, rất khó giữ được màu sắc tươi sáng tuyệt đối như vậy.
Để giữ được độ tươi ngon của hoa quả, nhiều người bán đã ngâm chúng trong thuốc bảo quản có chứa formaldehyde. Hoa quả sau khi được ngâm sẽ bị nhiễm loại hóa chất này, thấm sâu vào trong phần thịt vì vậy có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nếu bạn thường xuyên tiêu thụ.