Saydul kể với tờ The Sunday Times rằng những người Rohingya đã lên thuyền tị nạn từ Myanmar, nhưng khi đến vùng biển ngoài khơi Thái Lan, một số người Bangladesh được chuyển lên thuyền này.
Căng thẳng giữa hai nhóm người bắt đầu gia tăng khi con thuyền trở nên quá chật chội. Nhiều cuộc cãi vã và đánh nhau xảy ra vì thiếu thực phẩm và nước uống. Và đó là khi những kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, Saydul kể lại.
Nhóm người Rohingya gồm hầu hết là phụ nữ, người trẻ tuổi và trẻ em, trong khi cả nhóm người Bangladesh đều là đàn ông.
"Những người đàn ông Bangladesh muốn thực phẩm của một phụ nữ nhưng cô ấy đã từ chối. Cô ấy nói rằng chỉ còn rất ít đồ ăn và vẫn còn 2 đứa con nhỏ nữa. Vì vậy họ đã giết cô ấy", Saydul bàng hoàng kể lại. Sau khi sát hại 3 mẹ con, những người đàn ông đã ném thi thể họ xuống biển.
Trong khi đó, Sobika Begom, một thiếu nữ Rohingya 17 tuổi, kể lại rằng những người đàn ông Bangladesh đã tấn công và giết hại vợ chồng người chú cùng các con của họ sau một cuộc cãi nhau.
"Vợ chồng cô chú ấy cùng con trai đã bị giết và ném xuống biển", Sobika - người duy nhất trong gia đình còn sống sót - nức nở kể lại. Và kẻ sát hại gia đình cô chú của Sobika cũng đang ở cùng một trại tị nạn với cô.
Trong khi những người Hồi giáo Rohingya mạo hiểm chạy trốn khỏi cuộc sống nguy hiểm ở Myanmar, người Bangladesh muốn di cư để tìm kiếm công việc hỗ trợ gia đình nghèo ở nhà.
Abdul Ghoni, một người tị nạn Bangladesh 20 tuổi, cho hay khi chiếc thuyền của họ đã đến vùng biển Thái Lan, những kẻ buôn người đã liên lạc với cha mẹ của Abdul ở Bangladesh để đòi tiền. Điều tương tự cũng xảy ra với những người khác.
"Chúng tôi được hứa hẹn sẽ cập bến ở Thái Lan rồi tới Malaysia. Nhưng sau khi bố mẹ tôi trả tiền, chúng tôi không bao giờ tới được Thái Lan. Thuyền trưởng sau đó đã rời thuyền và bỏ lại chúng tôi", Abdul kể lại.
Sau khi được đưa vào bờ, người tị nạn Rohingya và người Bangladesh được chia ra hai nơi ở khác nhau tại Kuala Langsa. Người Rohingya ở lều trong khi người Bangladesh ở trong một nhà kho cũ.
Sekarabibi, 14 tuổi, thuộc nhóm người Rohingya, cảm thấy cuộc sống trong trại tị nạn rất không thoải mái. Bầu không khí thì nóng nực, ngột ngạt và lũ muỗi tấn công họ cả đêm. Tuy nhiên, khi được hỏi có muốn quay trở về Myanmar hay không, Sekarabibi trả lời: "Không, chúng tôi sẽ đối mặt với những khó khăn ở đây. Nếu trở về, họ sẽ đốt nhà và tấn công chúng tôi".
Theo The Straits Time