Làm cha mẹ luôn là điều khó khăn, vì thế các bậc phụ huynh thường không tránh khỏi sai lầm. Một bà mẹ Trung Quốc mới đây thu hút sự chú ý khi chia sẻ câu chuyện dạy con của mình. Trong 3 năm, con chị bỏ nhà đi 17 lần. Rất may sau đó, chị đã nhận ra những điểm chưa đúng trong phương pháp giáo dục của mình.
Sau đây là chia sẻ của bà mẹ này:
Khi sinh con, tôi tự nhủ: Phải cố gắng hết sức để cho con cái có điều kiện sống tốt nhất. Tôi phải giám sát con cái cẩn thận, đồng thời hình thành thói quen học tập tốt ngay từ khi còn nhỏ. Hãy chắc chắn mài giũa các cạnh và góc của đứa trẻ một cách "tàn nhẫn" để biến nó thành một người được giáo dục tốt.
Tuy nhiên, 9 năm sau, tôi trở thành một bà mẹ thất bại. Thay vì trở thành điều tôi muốn, con tôi chạy lung tung theo hướng mà tôi ít muốn thấy nhất. Đặc biệt là trong ba năm kể từ lớp 3 tiểu học, điểm số của con vẫn ổn định, nhưng tính tình ngày càng trở nên hung bạo.
Con học cách nói dối, học cách đe dọa bằng cách bỏ nhà đi. Tôi tính kỹ, trong ba năm này, tổng cộng con bỏ nhà đi 17 lần. Ban đầu, con chỉ giấu giếm một cách ngập ngừng. Sau đó, con chỉ đơn giản là chạy đến nhà một người họ hàng để trốn. Tiếp nữa, con táo bạo đến mức ở lại một mình trong phòng trò chơi và quán cà phê Internet cả đêm.
Lần sốc nhất là con để lại cho tôi một bức thư nói rằng: "Mẹ ơi, con đi đây, chúc mẹ có một đứa con khác rất thích làm bài tập về nhà!". Tôi vội chạy đến thì thấy con lấy sách vở trong cặp ra ném từng quyển xuống sông. Tôi lao đến tát con một cái thật mạnh, đứa trẻ tức giận trừng mắt nhìn tôi rồi lao xuống dòng nước.
May mắn thay, những người đi cùng đã đến giúp đỡ và kéo con lên bờ. Đây là một trong những lần tôi tuyệt vọng nhất. Lần đầu tiên tôi nghĩ sao mình lại có thể thất bại như vậy? Tôi buồn, tủi thân và không cam lòng, nhưng tôi cũng phải thừa nhận: "Chắc tôi đã làm sai điều gì đó". Sau khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều bạn bè và nhận được rất nhiều lời khuyên bảo lẫn chỉ trích, tôi đã đúc kết ra 4 bài học xương máu này.
01. Đừng lấy yêu thương để đe dọa con cái
Khi con trai tôi 5 tuổi, tôi bắt đầu ép cháu luyện viết thư pháp. Con luôn gặp khó khăn khi buộc phải sao chép hoàn chỉnh một cách trung thực và gọn gàng. Sau nhiều lần thúc giục không có kết quả, tôi đe dọa: "Nếu con viết không tốt, mẹ sẽ vứt bỏ tất cả đồ chơi Veyron".
Con trai tôi kéo tay áo và khóc lóc năn nỉ: "Mẹ ơi, con sẽ viết tốt". Nhưng chỉ trong vài phút, nó lại bắt đầu làm chiếu lệ. Không nói một lời, tôi cầm món đồ chơi Veyron ném thẳng vào thùng rác, con nhặt lên, tôi chộp lấy ném, nó lại nhặt lên, tôi lại chộp lấy ném mạnh xuống đất. Lúc này, tôi hy vọng rằng con trai tôi sẽ ngoan ngoãn nhận lỗi và viết tốt. Nhưng đứa trẻ bắt đầu im lặng đối đầu. Và tôi bắt đầu sử dụng con bài tẩy của mình:
"Được rồi, hôm nay nếu con không viết xong những tập sách này thì đừng gọi mẹ là mẹ".
Nói xong tôi vờ quay vào nhà thu dọn hành lý. Tôi biết vì sợ mẹ thật sự bỏ đi, con trai sẽ quên sự tức giận vừa rồi, lại cầu xin, thỏa hiệp với tôi. Tôi cũng sẽ tự mãn về những chiến thắng của mình hết lần này đến lần khác.
Bây giờ nghĩ về điều đó, tôi thấy mình thật ngu ngốc. Một chuyên gia tâm lý nói với tôi: Chính vì tôi luôn lấy những thứ yêu quý nhất của con trai mình để làm tổn thương, đe dọa và kiểm soát nó nên con trai tôi mới thấy phương pháp này hữu ích. Con sẽ lợi dụng việc bỏ nhà đi để kiểm tra phản ứng của mẹ, đe dọa và buộc mẹ phải thỏa hiệp. Việc con khó chiều không phải là hình phạt "ông trời" giáng xuống, mà là "lời nguyền" tôi tự gieo vào con mình.
02. Đừng bao giờ hủy hoại quyền tự chủ của trẻ
Khoảng cách lớn nhất giữa tôi và con trai là việc học. Tôi lo cháu không tạo được nền tảng tốt, sẽ tụt lại phía sau, không được nhận vào trường cấp 2 trọng điểm. Vì vậy, ngay từ năm lớp 1, tôi đã lập một kế hoạch học tập nghiêm ngặt, yêu cầu cháu phải chăm chỉ hơn các bạn cùng trang lứa.
Tôi lấp đầy tất cả thời gian rảnh rỗi của con bằng việc đọc sách, làm bài, học trực tuyến, xem lại các câu hỏi sai và xem trước bài học mới. Đứa trẻ như con quay, còn tôi đứng phía sau lấy roi đánh, thúc giục. Mỗi khi con hoàn thành một nhiệm vụ, con phải tiếp tục nhiệm vụ tiếp theo cho đến khi xong tất cả các kế hoạch trong ngày.
Tôi nghĩ những bài tập áp lực cao như vậy sẽ giúp con nắm kiến thức chắc hơn, hình thành thói quen tự giác tốt. Tuy nhiên, hiệu quả học tập của con trai tôi ngày càng thấp, sự mệt mỏi ngày càng cao và sự phản kháng đối với tôi ngày càng lớn.
Một người bạn là giáo viên nói với tôi: "Chính bạn là người làm suy yếu quyền tự chủ của con. Tất cả các kế hoạch bạn lập cho con mình thực ra là để đạt được mục tiêu của bạn. Những quyết định mà bạn đưa ra khiến trẻ luôn ở trong trạng thái "Con cần làm điều đó" thay vì "Con muốn làm điều đó".
Chúng ta yêu cầu đứa trẻ đạt điểm cao và điểm cao do đứa trẻ chủ động có được sẽ mang lại những cảm xúc tâm lý hoàn toàn khác nhau. Áp lực thành tích sẽ chỉ làm con bạn mất năng lượng. Ngược lại, đánh thức động lực bên trong của đứa trẻ, cảm giác thành tựu mà đứa trẻ có được sẽ biến thành một động lực liên tục và mạnh mẽ, không ngừng thúc đẩy. Càng học nhiều, trẻ sẽ càng tràn đầy năng lượng.
03. Thà làm cùng con 1 lần còn hơn trăm lần nói lý thuyết
Tôi luôn cảm thấy rằng tính cách lười biếng học hành của con là do con trai tôi sinh ra đã nổi loạn và khó quản lý. Cho đến một lần, đến thăm nhà mới của cô bạn thân, tôi thấy nhà mới của cô ấy không lắp tivi, toàn bộ vách tivi được biến thành giá sách. Người bạn thân nhất và con gái đang ngồi trên sàn, mỗi người cầm một cuốn sách và đọc.
Cảnh tượng đó khiến tôi chợt nhận ra: Hóa ra cách tốt nhất để làm điều bạn muốn con mình làm là cùng con làm điều đó. Nếu bạn muốn con bạn thích đọc sách, bạn phải chọn sách. Nếu bạn muốn con bạn làm việc chăm chỉ, trước tiên bạn phải hành động như thể bạn đang làm việc chăm chỉ.
Bạn phải làm gương và tạo ra bầu không khí học tập tuyệt vời cho trẻ, truyền cho trẻ tinh thần và dẫn dắt trẻ hành động. Còn việc thúc giục, ép buộc, la hét chỉ thay đổi ngắn hạn mà không thực sự tác động thái độ lâu dài của trẻ. Không làm gương tốt cho con cái là thất bại lớn nhất của tôi.
04. Mỗi đứa trẻ đều có đồng hồ sinh học riêng
Điều tôi hối hận nhất bây giờ là đã làm mất hứng thú học tập của con trai mình.
Con trai tôi không thể đạt điểm cao trong kỳ thi, vì vậy tôi nghĩ rằng đó là do cháu không chăm chỉ, không nghiêm túc và không quan tâm việc học. Điểm số của con trai tôi sa sút so với lần trước, và tôi nghĩ rằng đó là do cháu ham chơi, lười biếng.
Con trai tôi đã tiến bộ hơn nhưng tôi vẫn nghĩ cháu chưa đủ chăm chỉ và đủ động lực. Tôi lấy điểm số để đo lường mọi thứ về con trai mình, như thể chỉ có điểm số mới là lý do khiến tôi yêu con. Tôi nghĩ rằng những tiêu chuẩn cao và yêu cầu khắt khe như vậy sẽ khiến con trai tôi nhận ra sự thiếu sót của mình và sau đó dũng cảm tiếp tục tiến lên phía trước.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Con trai tôi ngày càng thờ ơ với điểm số, ngày càng chán học và ngày càng chán ghét tôi. Sau cùng tôi nhận ra, không đạt điểm tối đa cũng chẳng sao cả. Điều quan trọng là con hạnh phúc, con có chính kiến của riêng mình về những việc cần làm.
Vâng, tại sao tôi không hiểu sớm hơn: Đừng mù quáng theo đuổi điểm số cao hay thấp, mà hãy chuẩn bị đầy đủ cho sự trưởng thành sau này của trẻ.
Việc trẻ bị ép học hay thích học sẽ quyết định trẻ có thể kiên trì trên con đường học tập được bao lâu và đi được bao xa. Giáo dục không bao giờ là thành tựu một lần. Mỗi đứa trẻ đều có chiếc đồng hồ của riêng mình, chỉ cần chúng ta khơi dậy hứng thú và giữ nhiệt huyết học tập của con, một ngày nào đó trẻ sẽ tích lũy đủ kiến thức và giành lấy tương lai của mình.
Lần đầu tiên có người nói rằng cách giáo dục của tôi là sai lầm, tôi rất không phục. Tôi tự nhủ: Con của mình, mình có quyền. Khi vấn đề của đứa trẻ ngày càng mất kiểm soát, tôi tự an ủi: "Mình cũng là lần đầu làm mẹ".
Nhưng sau khi bị thực tế phũ phàng đánh cho một trận tơi bời, cuối cùng tôi cũng hiểu ra: "Mình phải thay đổi". Con cái còn nhỏ, vẫn còn hy vọng, và tôi vẫn còn cơ hội làm một người mẹ tốt. Với thái độ yêu thương, mọi thứ thường trở nên tốt đẹp hơn.