Theo CNN, 4 người sẽ bị cáo buộc tội giết người và gây ra vụ tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, 5 năm sau khi chiếc máy bay này bị bắn hạ ở miền đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng.

Đội Điều tra Chung (JIT) đã ra thông cáo về lệnh bắt giữ quốc tế đối với 4 nghi phạm, trong đó có 3 công dân Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy và Oleg Pulatov cùng 1 công dân Ukraine có tên Leonid Kharchenko.

Theo điều tra, nghi phạm Girkin là cựu sĩ quan thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), Dubinskiy hoạt động trong lực lượng tình báo quân đội Nga (GRU) và Pulatov là một cựu binh trong lực lượng đặc nhiệm Nga (Spetsnaz-GRU).

Nghi phạm người Ukraine Kharchenko chưa từng hoạt động trong quân đội, nhưng được cho là đã dẫn đầu một nhóm binh sĩ trong cuộc chiến tại Donetsk vào tháng 7/2014.

Các nhà điều tra cho biết họ sẽ không yêu cầu dẫn độ nghi phạm bởi hiến pháp Nga và Ukraine đều cấm dẫn độ công dân các nước này.

Đội JIT sẽ yêu cầu Nga hợp tác với cuộc điều tra, và cả hai phía sẽ đặt ra câu hỏi cho các nghi phạm về những cáo buộc nói trên.

Công tố viên người Hà Lan Fred Westerbeke nói: "Cả 4 nghi phạm bị kết án gây ra vụ tai nạn MH17 và giết chết 298 người có mặt trên máy bay".

JIT công bố các nghi phạm của vụ bắn hạ MH17

Tháng 7/2014, MH17 bị bắn hạ khi đang trên hành trình bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. 298 người thiệt mạng là công dân của 17 quốc gia khác nhau.

Theo Westerbeke, các nghi phạm không bị cáo buộc vì tội "bắn tên lửa", nhưng sẽ "bị trừng trị như những kẻ trực tiếp phạm tội".

Phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 9/3/2020 tại Badhoevedorp, có thể các bị cáo sẽ bị tuyên án vắng mặt nếu cần thiết.

Đội điều tra JIT cho hay MH17 đã bị bắn hạ bởi tên lửa Buk.

Năm 2018, các nhà điều tra nói tên lửa đã được phóng đi từ một bệ phóng thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Nga. Nga đã liên tục phủ nhận liên quan tới vụ việc và cho rằng Ukraine mới là phía bắn hạ máy bay.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "không có gì để thảo luận" trong cuộc họp với phóng viên vào ngày hôm nay (19/6).

"Mọi người đều biết thái độ của chúng tôi đối với vụ điều tra. Nga không có cơ hội nào tham gia JIT. Mặc dù ngay từ đầu, từ khi vụ tai nạn xảy ra, Nga đã tích cực đóng góp và mong muốn trở thành một phần trong cuộc điều tra thảm họa kinh hoàng này," ông Peskov nói thêm.