Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị biếng ăn
Bố mẹ cho trẻ ăn đồ ngọt quá sớm
Vị giác của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, cho nên thông thường dù là thực phẩm có vị nhạt hay thậm chí không mùi vị thì khi đưa vào miệng trẻ cũng trở nên có độ ngọt nhất định. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều người trong quá trình chăm con dễ mắc sai lầm. Người lớn thường dùng khẩu vị của bản thân để nêm nếm thức ăn và lấy đó làm tiêu chuẩn phán đoán khẩu vị của trẻ.
Không ít người nếm thử trước đồ ăn, nước uống và cảm thấy ngon, nhiều dinh dưỡng nên thoải mái cho trẻ ăn giống như vậy mà không biết rằng có thể đó là đồ ngọt hoặc có tác hại nhất định đối với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, chúng ta cũng thường cho rằng trẻ con ăn một ít đồ ngọt cũng là chuyện bình thường và đó còn đem đến niềm vui thích cho trẻ. Chính quan niệm này mà bạn dễ có xu hướng cho con ăn ngọt quá sớm, trong khi đó vị ngọt luôn có kích thích lớn đến vị giác chưa hoàn thiện nhưng cực kỳ mẫn cảm ở trẻ nhỏ.
Kết quả là trẻ tiếp xúc và có thể "nghiện" đồ ngọt sớm dẫn đến mất hứng thú đối với cơm hoặc các bữa ăn chính, dẫn đến tình trạng biếng ăn, kén ăn mà bố mẹ thường đau đầu, khó khắc phục.
Trẻ không có sự yêu thích đối với việc ăn cơm
Thông thường mà nói, xúc giác và thị giác của trẻ nhỏ đều khá nhạy cảm. Chúng luôn có lòng hiếu kỳ to lớn và đối với đồ ăn cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, có thể vì lý do công việc bận rộn mà bố mẹ không thật sự chăm chút cho bữa ăn của trẻ.
Nhiều người vì để tiết kiệm thời gian và công sức mà có thói quen cho trẻ ăn một hoặc một số ít thực phẩm nhất định. Lâu ngày gây ra nhàm chán, trẻ dễ bị ngán và không còn hứng thú khi ăn cơm. Thậm chí nếu không cải thiện sớm còn dễ khiến trẻ sinh ra tâm lý sợ ăn cơm.
Người lớn thường cho trẻ ăn vặt trước bữa cơm
Những trẻ ngoan ngoãn, ít hiếu động thì sẽ dễ hơn, nhưng nhiều trẻ khá nghịch ngợm và hay quấy nên bố mẹ thường dùng thức ăn vặt như một cách dỗ dành để trẻ ngồi yên. Hành vi này vô cùng bất lợi vì nó một mặt khiến trẻ nghiện ăn vặt, hấp thu nhiều chất có hại.
Mặt khác, đồ ăn vặt thường chứa nhiều đường, chất béo càng khiến trẻ có cảm giác no nên đến bữa cơm là "cự tuyệt" không muốn ăn. Dần dần, đồng hồ sinh học của trẻ bị thay đổi, chức năng tiêu hóa, hấp thu cũng bị rối loạn dẫn đến tình trạng biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Làm gì để hạn chế tình trạng trẻ biếng ăn do thói quen của người lớn?
Tập cho trẻ ăn uống ba bữa đúng giờ giấc
Nếu tình trạng sức khỏe của trẻ vẫn ổn định, bình thường mà trẻ chỉ biếng ăn do thói quen của bố mẹ thì bạn cần cải thiện ngay. Mỗi ngày ba bữa chính, bố mẹ nên cố gắng chế biến món ăn hợp lý và cho trẻ ăn đúng thời gian quy định.
Thói quen này giúp hệ tiêu hóa của trẻ được hoạt động tốt và hình thành thời gian biểu sinh hoạt khoa học ở trẻ. Ngoài ra, dù cưng con thế nào thì bố mẹ không nên cho trẻ ăn vặt mất kiểm soát. Mẹ có thể dành một phần ăn vặt giữa các bữa chính với thành phần có lợi và hạn chế về lượng ăn.
Đừng quên đầu tư cho các bữa ăn của trẻ
Để kích thích trẻ thích ăn và ăn ngon miệng, mẹ nên dành thời gian và tâm huyết chế biến nhiều món ăn ngon, bổ và đặc biệt là trình bày bắt mắt, hấp dẫn trẻ. Ngoài ra, nguyên liệu nấu ăn cho trẻ cũng nên lựa chọn đa dạng, thay đổi luân phiên để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và tạo sự phong phú cho trẻ ăn ngon hơn.
Mẹ cũng có thể mua chén, muỗng ăn cơm với màu sắc và hình ảnh vui tươi, sống động để tạo sự hứng thú cho trẻ trong bữa ăn. Đặc biệt, người lớn cần nhẹ nhàng và từng bước dẫn dắt thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, không nên la mắng, đánh đòn vì dễ khiến trẻ sợ hãi chuyện ăn cơm.
Nguồn: Baby