Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.
Tôi từng gặp trường hợp, hai gia đình ban đầu có thực lực tương đương nhau, nhưng theo sự chuyển dịch của thời gian lại có sự khác biệt rõ rệt.
Rõ ràng, cùng một xuất phát điểm, mọi thứ đều giống nhau, nhưng một nhà càng làm ăn càng hưng thịnh, phát đạt, một nhà lại ngày càng thất bát, suy bại.
Thực ra, gia đình phú quý giàu sang không chỉ quyết định bởi các nhân tố bên ngoài, mà các nhân tố bên trong cũng vô cùng quan trọng. Vậy những nhân tố bên trong nào là nguyên nhân chủ yếu khiến một gia đình mãi không thể giàu lên được?
Đó là ba nguyên nhân dưới đây, hãy đọc để điều chỉnh ngay, nếu không hậu họa khó lường.
01
Gia đình nội bộ bất hòa, mất đoàn kết
Cổ nhân nói: Không có gia đình nào hòa thuận mà không ăn nên làm ra, không có gia đình nào bất hòa mà không suy bại.
Người một nhà mà suốt ngày tranh cãi, chiến tranh lạnh, nghi kỵ lẫn nhau, sẽ chỉ khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán. Người trong một nhà mà không đồng tâm hiệp lực, đồng sức đồng lòng, thì lấy đâu ra an khang, thịnh vượng?
Chỉ khi, mọi người trong gia đình thấu hiểu, bao dung lẫn nhau, bớt chỉ trích, phàn nàn, không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ thì cuộc sống mới ngày càng đi lên.
Trong lúc dạo phố, vị khách du lịch nọ bắt gặp một cụ già với những hành động lạ. Đầu tiên anh ta thấy cụ già đổi một con ngựa lấy một con bò cái, sau đó đổi bò cái lấy dê, rồi đổi dê lấy ngỗng, đổi ngỗng lấy gà và cuối cùng đổi gà lấy một túi táo.
Vị khách cảm thấy khó hiểu, nên tiến đến hỏi cụ già. Cụ già nói :
- Là vợ tôi bảo tôi dắt ngựa của nhà ra chợ để đổi lấy chút đồ.
Nghe xong, vị khách cười lớn rồi đáp:
- Cụ về đến nhà, chắc chắn sẽ bị vợ mắng cho một trận thậm tệ.
Cụ già khẳng định:
- Không, tôi chắc chắn sẽ được vợ khen, thậm chí còn được tặng kèm một nụ hôn.
Vị khách không tin, nên cá cược bằng một túi tiền, rồi theo ông cụ về nhà.
Điều khiến vị khách cảm thấy bất ngờ, là sau khi nghe ông cụ kể lại mọi việc, vợ của ông ấy liền vui mừng khôn xiết:
"Tôi chắc chắn sẽ thưởng cho mình một cái hôn. Mình biết không, sau khi mình đi, tôi qua hàng xóm xin một ít rau thơm, nhưng vợ ông ta là một người keo kiệt. Tôi xin bà ta cho tôi vay một ít, nhưng bà ta nói vườn nhà bà ta không mọc được cây gì, đến quả táo cũng không có. Thế nhưng, mình xem này, giờ chúng ta có thể cho bà ta vay một túi táo rồi".
Vị khách cuối cùng phải thực hiện lời hứa, trao cho ông lão một túi tiền.
Điều đáng ngưỡng mộ của cụ già trong câu chuyện không phải là vì ông ấy có được một khoản tiền lớn, mà là ông ấy có một người vợ bao dung, chu đáo và một không khí gia đình hòa thuận.
Gia đình hòa thuận, dù nghèo đến mấy cũng sẽ ăn nên làm ra. Gia đình không hòa thuận dù giàu đến mấy cũng sẽ có ngày khuynh gia bại sản.
02
Nuông chiều con cái, hậu hoạn khôn lường
Nhà tâm lý học người Mỹ Mike Wallace từng ghi lại một câu chuyện trong tác phẩm nổi tiếng "101 phương pháp giáo dục con cái" của mình như sau:
Một buổi tối mùa đông, bà mẹ nọ dẫn theo đứa con trai 3 tuổi tên Pi-ru sang nhà bạn chơi, Pi-ru được cho một cái kẹo. Nhưng sau khi về nhà, Pi-ru đột nhiên không thấy kẹo đâu liền òa lên khóc.
Ông bà, bố mẹ đều đến vỗ về, an ủi Pi-ru đồng thời hứa hôm sau sẽ mua đồ chơi mà Pi-ru thích nhất. Nhưng cậu bé không hề thỏa hiệp, khóc thét lên:
- Con muốn chiếc kẹo đó, con nhất định phải có nó.
Người lớn trong nhà ai nấy đều cảm thấy thương Pi-ru nên huy động cả nhà soi đèn pin đi tìm khắp nơi. Gần 12 giờ đêm mà vẫn không tìm thấy chiếc kẹo. Người mẹ không nỡ nhìn thấy cậu con trai bé bỏng gào khóc, nên đành mặt dày sang gõ cửa nhà bạn.
Sau này, khi Pi-ru lớn lên, cậu ta đem lòng yêu một cô gái, nhưng cô gái đó không thích Pi-ru. Mong muốn bất thành, Pi-ru trở nên cực đoan, hết cắt cổ tay tự tử rồi đến tuyệt thực không ăn không uống.
Cha mẹ khóc lóc khuyên ngăn:
- Con làm bố mẹ sợ quá. Chẳng qua chỉ là một đứa con gái thôi mà, trên đời này thiếu gì những người con gái tốt.
Nhưng Pi-ru một mực:
- Con muốn cô ấy, nhất định phải là cô ấy.
Kể từ lần cha mẹ thỏa mãn sự gây gổ vô cớ của Pi-ru đó, cậu bé vì được nuông chiều hết mực ngày càng đi lệch hướng, cho tới khi mất hết lý tính.
Nhà giáo dục người Pháp Rousseau từng nói: "Bạn có biết áp dụng phương pháp gì chắc chắn sẽ khiến con cái của bạn trở thành người bất hạnh không? Đó chính là ngoan ngoãn phục tùng chúng".
Yêu thương con cái là bản năng của bất cứ người làm cha, làm mẹ nào, nhưng yêu thương mà không có giới hạn sẽ trở thành nuông chiều, gây tổn thương con cái.
Trong cuộc sống hiện thực, có rất nhiều trường hợp vì nuông chiều con cái mà khiến chúng trở nên ngỗ nghịch, ngang ngược tàn ác, ích kỷ tư lợi:
Cô con gái 14 tuổi liên tục tát vào mặt cha đẻ của mình nhiều cái ngay giữa đường phố, người cha không hề chống trả.
Con gái 5 tuổi nghịch ngợm đá hỏng hệ thống điều khiển máy bay, khiến cả gia đình tỷ phú Mỹ thiệt mạng.
Nam sinh 17 tuổi ở Triết Giang Trung Quốc đánh đập mẹ đẻ dã man ngay tại chỗ vì làm phiền mình chơi game.
Và còn rất rất nhiều những vụ việc khiến người khác cảm thấy phẫn nộ và đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là do cha mẹ quá nuông chiều con cái.
Cổ nhân có câu "chiều con như giết con". Một mực nuông chiều con cái chỉ khiến chúng thiếu đạo đức và sự tôn trọng, hại mình, hại người, dẫn đến hậu hoạn khôn lường.
Gia đình nào mà thế hệ sau ngang ngược bất kham, gia đình đó ắt sẽ suy bại.
03
Nền nếp gia phong không nghiêm, ắt có tai họa
Từ cổ chí kim, nền nếp gia phong luôn là căn cứ quan trọng trong việc quyết định sự hưng thịnh, suy thoái của một gia đình.
Nền nếp, gia phong không nghiêm, bề trên nhiễm phải những thói quen xấu, không thể lấy mình làm gương, cho đời sau một tấm gương tốt ắt sẽ "thượng bất chính, hạ tắc loạn".
Gia tộc họ Giả trong "Hồng Lâu Mộng" cũng từng vẻ vang một thời: Tổ tiên là công thần lập quốc, công danh tước vị truyền hết từ đời này sang đời khác. Con gái được gả vào cung làm phi tần, lại có quan hệ thông gia với nhiều gia tộc quyền thế ở thành Kim Lăng, thanh danh hiển hách, quyền cao chức trọng.
Nhưng truyền tới đời thứ ba, con cháu phần lớn bắt đầu tham thú hưởng lạc, không có chí tiến thủ. Tiền bạc tiêu xài phung phí, ăn mặc xa xỉ. Chỉ một món cà xào mà nấu kèm với cả hơn chục con gà.
Phẩm hạnh có sự khác biệt, khiến anh em trong nhà lục đục, khiến phủ Vinh và phủ Ninh không khí tăm tối ngột ngạt, bị Liễu Hương Liên phê phán: "Đến con sư tử đá ở trước cửa còn sạch sẽ hơn cả các người".
Một gia tộc danh giá, tăm tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, nhưng chỉ vì nền nếp gia phong không nghiêm khiến con cháu chẳng ai ra gì. Gia tộc từ hưng thịnh thành suy thoái.
Nền nếp, gia phong nghiêm chỉnh, lời nói và hành động của bề trên luôn ảnh hưởng một cách tiềm tàng tới thế hệ sau. Nền nếp, gia phong có tốt thì con cái đời đời mới vinh danh hiển hách.
Đường Tống bát đại gia, trong đó "tam tô" là ba cha con Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt đều trở thành nhà văn học nổi tiếng. Điều này có liên quan mật thiết tới nền nếp, gia phong của nhà Tô.
Tô Tuân sau khi lên chức cha, luôn lấy mình làm gương, chăm chỉ đọc sách. Tô Mẫu từ nhỏ đã dạy Tô Thức và Tô Triệt phải hiếu thảo, nhân ái, không ham tài hám lợi.
Điều này khiến hai anh em Tô Thức ngoài thói quen chăm chỉ đọc sách còn nuôi dưỡng được phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Giúp nền nếp gia phong nghiêm chỉnh được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Tư tưởng, học thức, hành vi và thói quen của một người có liên quan mật thiết tới sự giáo dục và dạy dỗ từ nhỏ. Bởi vậy, nền nếp, gia phong phải nghiêm mới giúp con cháu đời sau hình thành được những thói quen tốt, lợi ích cả đời.
Gia đình là tài sản quý giá nhất, muốn gia đình an khang, thịnh vượng, ăn nên làm ra cần phải có người đứng ra làm gương, chỉnh đốn nền nếp gia phong.
Vừa truyền đạt nhưng cũng phải vừa làm gương, thì những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mới được truyền từ đời này sang đời khác. Để gia đình thực sự là thiên đường của tình yêu và tiếng cười.