Ngày 15/3, theo nguồn tin của Tiền Phong, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết đang mở rộng điều tra nhóm lừa đảo mạo danh các sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, khoảng tháng 2-3/2022, chị V.T.N.H (trú xã Chư Á), chị T.N.H (trú phường Yên Đỗ, cùng TP. Pleiku) và chị V.T.T.T (trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) vào facebook tìm các trang tuyển dụng để kiếm việc làm thêm online. Những người này thấy các trang quảng cáo có tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử lớn...

Theo hướng dẫn của bên tuyển dụng, những người này chỉ cần nhấn vào liên kết đơn hàng, kiểm tra tính chính xác đơn hàng và giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử... Công ty yêu cầu không mua hàng mà chỉ cần chuyển số tiền, vờ mua hàng cho công ty là hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng 5-10 phút sau, công ty sẽ tự động chuyển lại số tiền hàng cùng với 3% - 20% “hoa hồng”. Mục đích “làm tăng lượt tương tác cho các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam” cho công ty.

Để cảnh báo người dân, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Gia Lai ra thông báo, những ai phát hiện các đối tượng có thủ đoạn như trên đề nghị tố giác tin báo tội phạm để công an mở rộng điều tra, xử lý.

Dẫn dụ “cộng tác viên” online, các kẻ lừa đảo gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ (vài trăm nghìn đồng) để “nhân viên” chọn, xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Một vài lần đầu, công ty chuyển trả lại toàn bộ số tiền gốc mà “nhân viên” bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3% - 20%. Khi nạn nhân bắt đầu tin tưởng, nhóm lừa đảo gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị vài triệu đến hàng chục triệu đồng như: đồ trang sức, mỹ phẩm, điện thoại, xe máy…

Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn, người tự xưng của công ty “lặn mất tăm”. Với thủ đoạn trên, chị V.T.N.H bị lừa hơn 760 triệu đồng đồng, chị T.N.H bị lừa hơn 200 triệu đồng và chị V.T.T.T mất hơn 40 triệu đồng. Tất cả các sim, số điện thoại đối tượng sử dụng đều là sim rác, tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản rác được các đối tượng mua bán từ các hội, nhóm trên mạng xã hội; các trang facebook chúng lập ra cũng là giả mạo các trang bán hàng uy tín nhằm dẫn dụ, lừa đảo tài sản các nạn nhân.