Quy tắc số 1: Khi nói với trẻ, luôn nói 1 cách bình tĩnh
Không cần biết chuyện gì đã xảy ra, bạn là người lớn và bạn phải làm điều đó tốt hơn trẻ. Nếu không thể nói chuyện bình tĩnh, hãy im lặng, giữ khoảng cách, tránh mặt, thở bằng bụng. Hãy mở lời khi cơn bão bên trong dịu đi, khi sự đủ đầy của nhận thức đã trở lại.
Trẻ không đáng bị quát mắng hay nạt nộ. Sự tức giận của cha mẹ/thầy cô trút lên đầu con trẻ là vô nghĩa một cách nhẫn tâm. Nhẫn tâm với chính con, với chính cha mẹ và với mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái (thầy cô - học trò).
Trong khóa học online và cả cuốn Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp của mình, mình đã dành rất nhiều thời lượng để nói về cách đối phó khi phụ huynh tức giận. Bởi vì bạo hành về mặt tinh thần nó ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển não bộ của trẻ.
Quy tắc số 2: Không nói "lời tiên tri"
- "Em lười biếng như thế này thì làm được trò trống gì?"
- "Con cứ như vậy thì con sẽ chẳng đạt được cái gì đâu"
- "Học hành như vậy thì chỉ có đi quét rác" (nhân tiện, quét rác cũng là một nghề và cũng tạo ra giá trị, vì sao lại lấy nó ra để hạ thấp?)
Và cứ thế, những lời tiên tri văng vẳng từ khi trẻ rất nhỏ tới lúc trẻ lớn lên.
Ngay cả với một giọng điệu bình tĩnh. Ngay cả khi bạn thực sự muốn chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống và sự khôn ngoan của mình với con, ngay cả khi bạn biết chính xác điều đó sẽ xảy ra… cũng đừng bao giờ nói ra những lời như vậy với trẻ.
Nó giống như một căn bệnh nguy hiểm lây nhiễm phá hủy tâm hồn đứa trẻ một cách từ từ. Và sẽ tới lúc, trẻ muốn chứng minh cho bạn thấy những điều bạn nói là đúng.
Đáng tiếc, mình gặp rất nhiều điều trường hợp như vậy trong cuộc sống.
Trẻ không tự bảo vệ mình được khỏi những lời nói của cha mẹ. Nếu mối quan hệ đó TỐT, nếu con được YÊU THƯƠNG và TIN TƯỞNG, một lời nói của cha mẹ có thể thay đổi toàn bộ số phận của trẻ. Và ngược lại.
Vì thế, hãy để lời nói của bạn dẫn tới những định hướng, hành động và chuyển biến tốt đẹp. Nó không phải là lời khen ngợi, không có nghĩa là khen ngợi thật nhiều một cách vô ý thức. Nó là câu chuyện về hình thành ý thức và thế giới quan của trẻ.
Quy tắc 3: 70 -30
Có 2 ngộ nhận phổ biến xoay quanh việc nuôi dạy con hay học trò mà không đánh phạt hay la lối:
- 1 là cho phép trẻ làm mọi thứ theo cách của riêng chúng và cha mẹ rất sợ làm con phải buồn bã khi kỷ luật con.
- 2 là làm cha mẹ sẽ giống như tử đạo, cố gắng làm mọi thứ tốt nhất cho con bằng bất cứ giá nào.
Cả 2 đều không chính xác. Điều quan trọng ở đây là SỰ CÂN BẰNG (cân bằng nhu cầu của cha mẹ và con cái) và SỰ TÔN TRỌNG (tôn trọng con và tôn trọng chính mình, tôn trọng con có nghĩa là làm theo tín hiệu của con).
Kỷ luật đóng vai trò quan trọng và những sai lầm là điều cần thiết để nuôi dạy con hiệu quả hơn, cung cấp cơ hội cho cả con và cha mẹ tìm hiểu và cải thiện.
70/30 có ý nghĩa gì?
- 70% - sự hỗ trợ, cung cấp nhu cầu và đảm bảo sự an toàn trong mọi tình huống.
- 30% - thông tin hợp lý và có cơ sở việc tại sao hành vi của trẻ lại chưa đúng.
Đó chính là cách tiếp cận để bạn có thể thực sự thực hành việc giáo dục con mình.
Không có lý do gì để mong đợi rằng trẻ sẽ hiểu điều gì đó khi chúng đang có những cảm xúc mạnh mẽ. Phần não giúp học hỏi và tiếp thu những điều mới trong quá trình cảm xúc đang bùng nổ (đặc biệt khi tức giận, sợ hãi, oán giận, tội lỗi…) hoạt động rất tồi tệ. Bạn có cố gắng giảng giải, biện luận, lên lớp thế nào, nó cũng vô ích và vô nghĩa.
Bởi vậy, điều quan trọng hơn cả là sự hỗ trợ, sự bình tĩnh và tình yêu. Khi não của trẻ đã chuyển sang chế độ nghỉ ngơi - những lời giải thích mới trở nên được lắng nghe mà không còn phản kháng.
Nuôi dạy con là một công việc khó khăn, khó hơn bất kỳ điều gì mà chúng ta đã làm. Chúng ta phải cố gắng cân bằng việc nuôi con với công việc, các mối quan hệ với những người lớn khác, giữ một mái ấm trên đầu và duy trì những bữa ăn trên bàn. Chúng ta không thể làm tốt tất cả mọi thứ, mà chỉ có thể "đủ tốt".
70/30 ở đây cũng là để nói về chuyện "đủ tốt" trong quá trình chúng ta làm cha mẹ/thầy cô.
70% ở đây cũng có nghĩa là "đủ tốt" rồi, không cần đạt tới 100%. Làm gì đó tốt nhất theo cách của bạn cũng là đủ tốt. Chỉ cần như vậy và bạn hoàn toàn có thể tự tha thứ cho bản thân mình thay vì nghĩ rằng "Tôi không đủ tốt, tôi không làm cái này… cái kia… cho con là tôi sai, tôi thất bại". Những khi bạn làm đúng, hãy tự tưởng cho bản thân mình thay vì để bản thân bị xói mòn bởi những khi mình làm chưa đúng.
Hãy cố gắng hết sức nhưng cũng hãy hiểu và chấp nhận mọi thứ cần thời gian, chấp nhận chính bản thân mình khi không thể làm gì đó.
30% còn lại có thể là những lúc bạn mắc sai lầm, là những lúc bạn mất kiểm soát. Nó sẽ trở thành những bài học cho bạn. Chúng giúp bạn nhìn thấy cần phải làm gì với phần bên trong chính mình, trigger ở đâu, làm sao để tự đối phó với con giận, làm sao để biến tình huống xấu đó thành cái gì đó tích cực hơn, làm sao để giúp con học hỏi và xin lỗi con… Nếu 30% đó của bạn bắt đầu leo thang, hãy hiểu rằng đó là một dấu hiệu để bạn cần hỗ trợ và không gian để bình tĩnh, không chỉ là không gian vật lý, mà có thể bạn cần sự hỗ trợ về tinh thần, thể chất, bạn cần tự tha thứ cho chính mình.
Parent coach Linh Phan
Không ai có thể nuôi dưỡng một ai hoặc một thứ gì hiệu quả nếu không biết cách nuôi dưỡng chính bản thân mình.
Những năm qua, có lẽ 4/5 phụ huynh mình tiếp xúc thường xuyên xung đột với con cái. Thậm chí rất nghiêm trọng, khi họ lớn tiếng, nạt nộ và lăng mạ con mình. Rồi những xung đột đó trở nên quen thuộc, thành thói quen và văn hóa của gia đình.
Chúng ta sai đủ rồi. Nhưng chúng ta cũng đừng theo đuổi kỳ vọng mình phải làm quá tốt. Khi bạn đổ lên đầu trẻ sự tức giận, bạo lực… tất nhiên bạn đã sai nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi và yêu thương chính bản thân mình hơn nữa.
Từ hôm nay, có lẽ hãy nghĩ về những con số trong đầu mình. Ngày qua ngày, những tỉ lệ sẽ không giống như nhau. Có thể có ngày là 80/20, có ngày là 90/10 nhưng cũng có thể là 50/50, thậm chí 30/70. Những khi như vậy, thay vì tấn công giá trị bản thân và lòng tự trọng của riêng mình, hãy coi đó như một dấu hiệu cảnh báo bạn cần chăm sóc chính mình. Khi con số là 70 - 80 - 90, hãy tự thưởng cho bản thân mình. Hãy để những con số này xây dựng sự sự tin và niềm tin của bạn vào chính bạn.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.