Một cuộc khảo sát của nhà xã hội học người Mỹ đã chỉ ra rằng có đến 90% bố mẹ từng quát mắng con cái. Phụ huynh nghĩ rằng đây là một cách giáo dục, tuy nhiên trên thực tế việc giáo dục con theo cách quát mắng không mang lại hiệu quả. Ngược lại nó càng làm trẻ trở nên bướng bỉnh, làm loạn hoặc con nhút nhát, e dè.
Vị giáo sư người Mỹ cũng chỉ ra rằng con bị bạo hành bằng lời nói mức độ đau đớn, tổn thương trong lòng trẻ không kém gì so với việc bị đánh đập. Dưới đây là những thiệt thòi của trẻ khi thường xuyên bị cha mẹ quát mắng.
1. Tâm trạng con luôn bất an
Khi trẻ bị quát mắng trong một thời gian dài, thần kinh và tâm lý của con sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí vết thương lòng của trẻ còn sâu sắc hơn so với việc bị đánh. Những đứa trẻ trưởng thành trong sự quát mắng của gia đình chúng sẽ không tin tưởng vào người lớn và không đề cao bản thân. Thậm chí con còn có thể bị tự kỷ. Hành động la mắng lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không những không thể sửa chữa lỗi sai mà còn cảm thấy bản thân kém cỏi. Con luôn cảm thấy bất an không dám lên tiếng, không dám nói ra nhu cầu của mình. Điều này vô tình khiến trẻ càng ngày càng mất tự tin, không dám bày tỏ, âm thầm chịu đựng sự bất bình.
2. Trẻ dễ sai phạm khi lớn lên
Nhiều đứa trẻ bị tổn thương sẽ sinh lòng phản kháng, làm loạn. Bởi những lời mắng mỏ của phụ huynh lúc nóng giận thường khó nghe, dễ xúc phạm con cái. Chưa kể nhiều khi bố mẹ có cái nhìn phiến diện nên trách phạt oan cho con. Thực tế, nhiều phụ huynh mắng mỏ con chỉ để xả bực chứ không nhằm dạy dỗ. Những lời nói này sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, từ đó con sinh ra tâm lý bất mãn. Khi lớn lên con dễ mắc sai lầm.
3. Tính nóng giận, gắt gỏng
Nhiều nghiên cứu về tâm lý học của trẻ đã chỉ ra rằng bạo hành ngôn từ và bị la mắng thường xuyên có thể làm thay đổi cảm xúc và tâm hồn của trẻ. Khi lớn lên con dễ nổi nóng và gắt gỏng. Vì chúng học theo cách cha mẹ xử lý tình huống khi không vui.
Khi người lớn thường xuyên đánh hoặc chửi bới con cái, chúng sẽ nhận ra rằng bản thân không được an toàn. Lúc này các vùng trung tâm học tập của não bộ sẽ đóng lại. Điều này giải thích tại sao khi cha mẹ càng quát mắng trẻ, chúng càng luống cuống thậm chí dễ làm sai hơn bình thường.
Vậy thái độ và hành vi của cha mẹ thế nào khi con mắc lỗi?
Sai lầm là lẽ tất nhiên trong cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, khi trẻ mắc lỗi, điều quan trọng là bố mẹ chỉ ra cho chúng thấy được cái sai của mình và cùng con khắc phục, sửa chữa lỗi sai đó. Một số gợi ý để phụ huynh cân nhắc khi con mắc lỗi:
- Chấp nhận việc con mắc lỗi là chuyện bình thường.
- Sau khi trẻ mắc lỗi nên dành một thời gian để trẻ và có thể cả bố mẹ nữa được bình tĩnh, xem xét lại tình huống.
- Sử dụng các tình huống trẻ mắc lỗi để giáo dục trẻ thay vì la mắng hoặc trừng phạt chúng.
- Giải thích cho trẻ hiểu về lỗi sai và hướng con đến sự giải quyết.
- Khuyến khích trẻ nhận sai, xin lỗi và đưa ra phương pháp sửa đổi.
- Thực tế nhiều cha mẹ không thể phớt lờ khi trẻ phạm lỗi. Vì vậy phụ huynh thiết lập luật và sửa giúp bé để con đúng đắn hơn.
- Cho trẻ thời gian để bình tĩnh sau tình huống phạm lỗi, từ đó trẻ sẽ rút kinh nghiệm.
- Tha thứ thể hiện tình yêu thương: Khi con mắc lỗi và rút ra được kinh nghiệm, bài học cuộc sống, bố mẹ cần tha thứ cho lỗi lầm của con. Hạn chế tình trạng nhắc đi nhắc lại sai phạm đó. Đặc biệt, phụ huynh nên thể hiện tình yêu thương con mọi lúc mọi nơi.