Nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Ye Shengtao từng nói: "Giáo dục là gì? Nói một cách dễ hiểu, đó là phát triển những thói quen tốt".
Một nhà giáo dục khác cũng nói: "Một người phát triển một thói quen tốt không bao giờ có thể sử dụng hết tiền lãi của mình; nếu một người phát triển một thói quen xấu, anh ta không bao giờ có thể trả hết nợ của mình".
Từ 3-12 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển về nhân cách và trí lực của trẻ, trẻ sẽ phát triển như thế nào trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào sự giáo dục ở giai đoạn vàng này.
Nếu trẻ từ 3 tuổi có những thói quen dưới đây, cha mẹ phải để ý và giúp con sửa sai kịp thời để đặt nền móng vững chắc cho tương lai tươi sáng của trẻ.
Những đứa trẻ đụng tí là ăn vạ, chỉ muốn làm theo ý mình
Hai vợ chồng Mi Lan đều bận đi làm nên nhờ bố mẹ chồng chăm sóc các con. Đứa trẻ dần quen với sự nuông chiều của ông bà, ở nhà cư xử không phép tắc, hễ không vừa ý là quấy khóc, nghịch ngợm.
Nhưng không ngờ rằng "cô bé chuyên bắt nạt" ở nhà lại trở thành "chú cừu nhỏ" trong trường. Bé bị bạn cùng lớp bắt nạt và không dám nói ra. Cô giáo yêu cầu cậu trả lời câu hỏi, cô bé mặt đỏ bừng bừng chỉ biết im lặng... Ở nhà và ở trường như hai con người khác hẳn.
Nguyên nhân là do gia đình đã quen với việc bao bọc cháu, muốn làm gì thì làm. Khi chúng ra ngoài và đối mặt với một môi trường xa lạ, sự bất an và cảm giác khủng hoảng trong nội tâm của đứa trẻ sẽ tăng lên, cảm thấy bị cô lập và bất lực. Nếu không được hướng dẫn, về lâu dài tâm lý "phân cực" càng trở nên trầm trọng, có tác động tiêu cực đến tính cách trẻ sau này.
Quen với việc gia đình chiều chuộng, trẻ không thể đối mặt với mưa gió từ bên ngoài. Một "tiểu hoàng đế" đã quen ở nhà tự cho mình là trung tâm, sau này làm sao có thể cùng người khác hòa đồng trong một tập thể?
Muốn giáo dục con cái mình từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, cần tuân thủ nguyên tắc mấu chốt: Không nên để tiếng khóc của trẻ như một phương tiện để đạt được đòi hỏi mà phải chú ý rèn luyện thái độ tích cực cho trẻ. Nên nhớ những người ở nhà không kiêu ngạo, đi ra ngoài không rụt rè.
Không tự giác
Cô bé Lele đã có một kỳ nghỉ hè ở nhà bà nội vào năm ngoái và tăng 10kg khi trở lại. Bà nội thương cháu gái, ngày nào cũng thay đổi thực đơn đủ món ăn ngon. Sau khi Lele về nhà, cô bé hình thành thói quen ăn uống vô tội vạ, bác sĩ dinh dưỡng nói rằng đứa trẻ bị thừa chất quá mức. Mẹ của Lele nhận ra rằng việc kiểm soát cơn thèm ăn của trẻ không chỉ để đảm bảo sức khỏe mà còn là rèn luyện ý chí và tính tự giác.
Cô bắt đầu dậy lúc sáu giờ mỗi ngày, cùng các con tập thể dục. Không chỉ vậy, cô còn thuyết phục chồng bỏ thói quen ăn vặt và dùng điện thoại di động khi ở cùng nhau, tạo không khí gia đình kỷ luật tự giác.
Khi mọi người đi siêu thị, Lele nhìn thấy một loạt bánh kẹo rực rỡ và háo hức ăn thử, mẹ cô nhắc: "Ăn một miếng cũng không sao, nhưng con phải nghĩ về hậu quả. Ăn xong, những nỗ lực trước đây của con sẽ thành công cốc. Khi cân nặng trở về bình thường, chúng ta có thể ăn uống hợp lý hơn để tự thưởng cho mình, có được không?".
Lele đồng ý nhưng rất miễn cưỡng, sau khi về nhà, mẹ Lele đã nói với cô: "Học cách quản lý bản thân là một trong những khả năng quan trọng nhất để làm người. Can đảm và kiên trì thì mới có thể kiềm chế được sự buông thả của bản thân và quản lý được ham muốn trong tương lai, từ đó thành công trong cuộc sống. Nếu một người thậm chí không thể kiểm soát được chính miệng của mình, thì rất có thể sẽ ham mê sa đà vào các lĩnh vực khác, dẫn đến một tương lai tăm tối".
Sau nửa năm kiên trì, Lele không chỉ lấy lại được cân nặng hợp lý mà còn tiếp tục thói quen kỷ luật tự giác. Tục ngữ có câu: "Tự giác là tự tại nhất". Những đứa trẻ có thể tự giác, vượt qua sự ham muốn nhất thời nhất định sẽ trở thành người mạnh mẽ trong cuộc sống.
Đứa trẻ chưa từng trải qua thất bại, chỉ biết hưởng thụ
Trước đây, có một thuật ngữ phổ biến gọi là "bộ lạc dâu tây" mô tả những thanh thiếu niên đương đại lớn lên trong một ngôi nhà kính. Họ trông hào nhoáng nhưng không thể chịu đựng được sự thất vọng.
Những đứa trẻ như vậy vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Nhiều bậc cha mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con cái, nhưng nếu mọi thứ đi quá xa, con cái của họ rất dễ trở thành những bông hoa mỏng manh trong nhà kính, và chúng chỉ biết hưởng thụ bình yên chứ không thể trải qua nghịch cảnh.
Có lần một cô giáo kể lại câu chuyện:
Khi đến thăm trường ở Đức, cô sống ở nhà một người bạn địa phương trong khu vực giàu có. Cô giáo nhận thấy những cặp vợ chồng ở đây thường hào phóng, nhiệt tình nhưng rất nghiêm khắc với con cái. Để có tiền tiêu vặt 30 euro (khoảng 800 ngàn mỗi tháng), các bé phải chăm sóc vườn tược, lau xe, giao báo dưới cái nắng như thiêu như đốt...
Cô giáo tỏ ra khó hiểu với những gì phụ huynh đã làm, họ giải thích: "Để chống chọi được với những thất bại sau này, cần phải trau dồi khả năng vượt khó của các em trong gia đình ngay từ đầu".
Bạn càng sớm cho trẻ hiểu rằng thất bại là một trải nghiệm phổ biến trong cuộc sống, trẻ càng sớm có thể rèn luyện bản lĩnh và phát triển thành một người biết chịu trách nhiệm và dám thử thách. Hãy nói với con rằng nếu gặp phải thất bại, đừng nản lòng hay khó chịu, chỉ cần kiên trì hơn nữa, con sẽ được đền đáp bằng niềm vui và thành công.
Người ta nói rằng nếu trẻ em là đôi chân thì thói quen là giày và cha mẹ là thợ thủ công giày. Con đường còn nhiều gập ghềnh, mong cha mẹ cho các em đi những đôi giày thật thoải mái, tươm tất, để cùng các em đi qua những thăng trầm của cuộc sống bây giờ và sau này.