Ung thư là căn bệnh đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên thế giới sẽ có khoảng 9,6 triệu người chết vì ung thư trong năm 2018. Với phụ nữ, có 5 bệnh ung thư thường gặp nhất đó là: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến giáp.
Bác sĩ Wang Lei (người có 27 năm kinh nghiệm điều trị ung thư, từng là phó khoa của Bệnh viện trực thuộc số 6 của Trường Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc): Ung thư là "bậc thầy giấu mặt". Ung thư giai đoạn đầu không đau, không ngứa, không gây khó chịu. Nhiều bệnh nhân phát hiện mình mắc bệnh ung thư khi có các triệu chứng rõ ràng nhưng lúc này thường ung thư đã chuyển sang giai đoạn giữa và giai đoạn cuối.
Các nghiên cứu cho thấy ung thư là căn bệnh liên quan đến cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Yếu tố bên trong chủ yếu liên quan đến di truyền, miễn dịch và nội tiết. Còn những yếu tố bên ngoài chính là thói quen sống, cái mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Bác sĩ Wang Lei chỉ rõ những người ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư thường có 3 thói quen tốt dưới đây.
Phụ nữ có 3 dấu hiệu này nghĩa là có khả năng "miễn dịch" với bệnh ung thư
1. Biết kiềm chế ăn uống
"Bệnh từ miệng mà vào" - câu nói này hoàn toàn đúng bởi chế độ ăn uống chính là "con dao hai lưỡi".
Nó một mặt là chìa khóa cho sức khỏe của chính bạn; một mặt khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh nếu như bạn tiêu thụ sai cách. Người không dễ mắc ung thư thường tránh ăn vặt, họ ăn nhiều rau và trái cây, uống đủ nước mỗi ngày. Ngược lại theo bác sĩ Wang Lei, người thích ăn đồ muối chua, đồ hun khói, đồ chiên rán... thì có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
2. Chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục đúng cách mỗi ngày có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả hơn, giúp cơ thể luôn trong tình trạng khỏe mạnh cùng sức đề kháng tốt. Trong khi đó, khỏe mạnh cũng là cách chống lại sự tấn công của ung thư.
Theo bác sĩ Wang, chị em hãy tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần tập trên 20 phút. Trong mùa dịch, bạn có thể làm việc nhà, leo cầu thang bộ, đi bộ xung quanh nhà... cũng là một cách để tập thể dục an toàn, lành mạnh.
3. Người có giấc ngủ tốt
Theo bác sĩ Wang, những người không bao giờ thức khuya thì khả năng miễn dịch với ung thư càng cao. Ngược lại, ngủ ít thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn do làm giảm khả năng miễn dịch.
Khảo sát của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 47%. Bởi khi thiếu ngủ cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ melatonin - thứ có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất estrogen ở phụ nữ và ngăn chặn ung thư vú.
Ngoài ra, các chuyên gia về giấc ngủ của Đức chỉ ra rằng vào lúc 1 giờ đêm là thời gian quan trọng nhất phải đi ngủ vì sẽ giúp tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch trong cơ thể và đóng vai trò nhất định trong việc ngăn ngừa ung thư.
Kết lại: Nhìn chung, căn bệnh ung thư tuy có đáng sợ nhưng nếu chúng ta hình thành những thói quen sinh hoạt tốt thì cũng có thể có tác dụng phòng ngừa nhất định. Nếu bạn có đủ 3 thói quen đó là có chế độ ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn; đi ngủ đủ giấc thì xin chúc mừng, cơ thể bạn chắc chắn đang rất khỏe mạnh. Còn nếu không có được cái nào thì bạn phải hết sức cảnh giác, ngoài việc chấn chỉnh kịp thời còn phải đến bệnh viện khám sức khỏe, khi phát hiện có bất thường thì phải hợp tác với bác sĩ để điều trị, ngăn chặn tình trạng bệnh phát triển quá nhanh.
Muốn phát hiện ung thư kịp thời, cách tốt nhất là tầm soát bệnh ung thư, chẳng hạn như đi nội soi tiêu hoá, chụp CT phổi... Ở người mắc ung thư giai đoạn cuối, tuy không còn khả năng phẫu thuật nhưng áp dụng các phương pháp điều trị có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân bớt đau đớn, giúp tinh thần bệnh nhân được thoải mái, bình tĩnh hơn.