Với đa số phụ huynh, việc học tập của con cái luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ nhận thấy dường như càng quản lý thì hiệu quả học tập của con càng kém. Thậm chí, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên căng thẳng vì chuyện điểm số.

Các chuyên gia cho rằng, nếu trong quá trình học tập trẻ xuất hiện ba vấn đề tâm lý này, phụ huynh nên xem xét lại phương pháp giáo dục của mình.

3 vấn đề tâm lý lớn ảnh hưởng đến việc học của trẻ đều liên quan đến hành xử của bố mẹ - Ảnh 1.

Phía sau đứa trẻ không tập trung là một phụ huynh hay can thiệp

Một chuyên gia kể: "Có lần tôi đến nhà người bạn và thấy con trai cô ấy đang tham gia lớp học trực tuyến. Cậu bé đang ngồi học ở một góc phòng khách, xung quanh rất ồn ào, thỉnh thoảng người mẹ lại gọi: "Hiểu không? Con phải ghi nhớ những điểm kiến thức này"; "Ngồi thẳng, tập trung trả lời đi"; "Sao không tập trung vậy?"...

Một buổi học kéo dài 45 phút, và toàn bộ quá trình tràn ngập tiếng nói của bố mẹ. Tôi rất muốn nói với cô ấy: "Đứa trẻ đang học bài, xin đừng tùy tiện quấy rầy. Nó không có tác dụng nhắc nhở mà còn phá hủy việc rèn luyện sự tập trung của trẻ".

Một giáo sư tâm lý học cho biết: "Trẻ em kém tập trung vì cha mẹ thích can thiệp". Đứa trẻ đang lắng nghe cẩn thận và mọi suy nghĩ đều dồn vào việc học. Lúc này, những lời cằn nhằn, chỉ bảo của mẹ hoàn toàn là những tiếng ồn, chỉ làm gián đoạn suy nghĩ và phá hủy sự tập trung đó.

Có một thí nghiệm nổi tiếng tại Đại học Indiana ở Hoa Kỳ. Họ mời 40 nhóm trẻ 1-1,5 tuổi và bố mẹ đeo máy theo dõi thị lực để xem mức độ tập trung của trẻ trong các tình huống khác nhau.

Thí nghiệm cho thấy khi cha mẹ tham gia cùng con chơi, hầu hết trẻ trở nên đãng trí và hay nhìn đi chỗ khác, nếu bị quấy rầy nhiều hơn, trẻ sẽ khó tập trung vào đồ chơi trên tay. Và khi chơi một mình, sự tập trung của trẻ mạnh hơn. Có thể thấy, sự tham gia quá mức của cha mẹ sẽ phá hủy sự phát triển khả năng tập trung của trẻ.

Vấn đề lớn nhất trong việc dạy kèm con học của cha mẹ là: Luôn ngắt lời và can thiệp. Cho con một không gian học tập độc lập và tự do hơn rất nhiều so với 10.000 lần "nhắc nhở".

3 vấn đề tâm lý lớn ảnh hưởng đến việc học của trẻ đều liên quan đến hành xử của bố mẹ - Ảnh 2.

Phía sau một đứa trẻ trì hoãn là một phụ huynh hay thúc giục

Con đang làm bài tập ở nhà, mẹ đến và hỏi: "Hôm nay con làm bài thế nào?". Dừng cây bút trên tay, đứa trẻ chậm rãi trả lời mẹ. Còn chưa nói xong, người mẹ không ngừng thúc giục: "Bài tập nhiều như vậy, không lo viết". Đồng thời, không quên lật lại sai lầm cũ: "Đừng để đến 11 giờ đêm như hai ngày trước".

Càng ép, đứa trẻ viết càng ngày càng chậm. Người mẹ cũng nóng nảy, từ việc giục con gái làm bài cho đến đi ngủ, cô không chỉ vắt kiệt sức lực của mình mà còn mất bình tĩnh và đánh con.

Bạn có thấy kịch bản này rất quen không?

Bài Hát Của Mẹ - tác phẩm nổi tiếng do nữ diễn viên hài người Mỹ Anita Renfro viết và hát có một đoạn như sau: "Dậy, dậy, dậy! Đi rửa mặt đánh răng, nhớ chải đầu! Quần áo giày dép ở đâu? Có nóng không? Có lạnh không? Đi ra ngoài có mặc gì không? Con có đang nghe không? Tránh xa TV, vặn nhỏ âm lượng và không nghịch điện thoại khi đang ăn! Tối nay không được chơi điện tử!...".

Nghe thôi đã khiến người ta phì cười: Hóa ra các bà mẹ trên thế giới đều giống nhau, dù ở nước nào cũng rất chịu khó giục con dậy ăn, đi chơi, học hành... Trẻ em cũng như người lớn, sống với sự khẩn trương mỗi ngày. Nhưng điều đáng nói là dù cha mẹ nhắc nhở giục giã đến kiệt quệ thì con cái vẫn dửng dưng như không.

Người ta nói rằng những đứa trẻ hay trì hoãn việc gì đó nhất định phải có một người mẹ thiếu kiên nhẫn đứng đằng sau. Bất kể đứa trẻ làm gì, càng bị thúc ép, nó sẽ càng chậm chạp.

Ở góc độ tâm lý học, quan niệm về thời gian của trẻ nhỏ khác với người lớn, việc luôn nhắc nhở, thúc giục sẽ làm rối loạn cảm giác về nhịp điệu thời gian của trẻ. Đồng thời, sự can thiệp quá mức của cha mẹ sẽ kích hoạt "sự phản kháng thụ động" của trẻ, buộc trẻ phải đáp lại sự thúc giục bằng sự trì hoãn. Thậm chí, nó sẽ hình thành tính ỷ lại của trẻ.

Làm sao để trẻ không trì hoãn? Đó là không theo sát, kèm cặp mọi lúc. Cha mẹ không nên là 'giám sát viên', hãy kiên nhẫn hơn và buông bỏ, cho trẻ tự do để nuôi dưỡng tính chủ động và ý thức hoàn thành của trẻ.

Hãy rèn con làm những việc cố định vào một thời gian cố định. Khi những việc đã lên kế hoạch của trẻ có thể được hoàn thành một cách có trật tự, cha mẹ sẽ khen ngợi và khuyến khích trẻ, và trẻ sẽ cảm thấy mình đã hoàn thành.

Một mặt, sử dụng các công cụ hỗ trợ như chuẩn bị một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ để trẻ biết rằng đồng hồ sẽ đánh thức mình vào buổi sáng. Bạn cũng có thể cho trẻ xem lịch, đồng hồ cát,… thông qua những việc này để trẻ hiểu rõ hơn về mốc thời gian và khoảng thời gian.

3 vấn đề tâm lý lớn ảnh hưởng đến việc học của trẻ đều liên quan đến hành xử của bố mẹ - Ảnh 3.

Phía sau một đứa trẻ sợ hãi việc học là một phụ huynh hay la mắng

Có một câu hỏi trên diễn đàn dành cho phụ huynh như sau: "Cách giáo dục trẻ em khó chấp nhận nhất là gì". Một cư dân mạng đã kể lại câu chuyện của mình.

Mẹ cô ấy rất nghiêm khắc từ khi cô còn là một đứa trẻ. Bà luôn la mắng mỗi khi giúp con làm bài tập về nhà. Gặp phải chủ đề khó, mẹ có nói gì con cũng không hiểu ra, lúc này sắc mặt mẹ sẽ trở nên khó coi, không ngừng nói: "Tại sao con ngốc thế? Thậm chí không thể học được điều đơn giản này".

Những ngày mẹ học cùng, cô không nhớ nổi những kiến thức đã học, trong đầu chỉ hiện rõ hai chữ: Đồ ngốc! Sau đó, cô sợ hãi khi nghĩ đến việc làm bài tập về nhà, thậm chí không có đủ tự tin để học một mình. Ngay cả khi làm bài thi tốt, vẫn luôn tự nhủ trong lòng rằng: "Đây chỉ là ảo tưởng thôi, mình hoàn toàn không làm được".

Sự phủ nhận và coi thường bản thân của trẻ không thể tách rời khỏi những lời buộc tội, chỉ trích và lạm dụng của cha mẹ. Những cuộc tấn công bằng lời nói sẽ không làm cho trẻ thành công, ngược lại sẽ cản trở sự phát triển của chúng, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ. Trẻ em sinh ra không ngốc nghếch nhưng dưới sự tấn công bằng lời nói lâu dài của cha mẹ, chúng hình thành nhận thức tâm lý "Tôi ngốc nghếch”.

Chỉ bằng thay đổi cách thể hiện và mang lại cho trẻ những khuyến khích và ảnh hưởng tích cực, suy nghĩ tiêu cực này mới có thể được đẩy lùi.

Ngôn ngữ có sức mạnh. Nó có thể hủy hoại một đứa trẻ, nhưng nó cũng có thể khiến một đứa trẻ trở nên tử tế. Một người mẹ "hạng nhất" luôn thay thế sự phủ định bằng sự khuyến khích; sự nghi ngờ bằng sự tin tưởng; sự kiểm soát bằng sự tôn trọng và sự ra lệnh bằng sự dịu dàng.