30-50% ca bệnh ung thư liên quan ăn uống
Hằng năm Việt Nam có từ 100.000-150.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 70.000 người tử vong do căn bệnh này.
Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 175 đã cho biết như vậy ở Hội nghị khoa học lần thứ 20 do bệnh viện tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21-5.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết số người bệnh ung thư đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP đều tăng hằng năm với tốc độ đáng lo ngại.
Năm 2014, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư được quản lý tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là khoảng 12.000 người. Thế nhưng mới năm tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân ung thư được quản lý tại bệnh viện này lên tới gần 13.000 bệnh nhân.
Tăng gấp đôi
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh nhận xét số người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng.
Theo Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan, trụ sở ở Pháp), năm 1998 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc ung thư mới; còn số liệu mới nhất của cơ quan này tại Việt Nam năm 2012, số ca mắc ung thư mới là trên 150.000.
Như vậy, chỉ trong 14 năm số người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam đã tăng lên gấp đôi. Dù số cơ sở điều trị bệnh ung thư trong cả nước đã tăng hơn so với trước nhưng hiện cơ sở điều trị bệnh ung thư nào cũng quá tải.
Ngày 21-5, nằm điều trị ung thư đại trực tràng tại phòng B203, khoa nội tổng hợp 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ông L.N.T. (56 tuổi, ở Đắk Nông) kể ông thường xuyên đi ăn uống, nhậu nhẹt với bạn bè, đối tác ở hàng quán nhiều năm nay nên một lần ngồi nhậu với bạn, ông đã giật mình khi nghe một cô nhân viên phục vụ quán ghé tai nói nhỏ: “Anh ăn ít món lẩu thôi vì món này nhà hàng thường cho thêm những chất độc hại để nước lẩu ngọt”.
Cách giường bệnh của ông T. không xa, ông N.V.C. (67 tuổi, ở Kiên Giang) kể ông rất thích ăn những món chiên, món nướng. Suốt từ lúc trẻ đến khi phát hiện bệnh ung thư trực tràng, gần như ngày nào ông cũng ăn món chiên, món nướng.
Tháng 6-2014, ông bị đau bụng, đi ngoài không được. Ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang khám thì được chẩn đoán ung thư trực tràng.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh cho rằng có nhiều lý do khiến số người mắc bệnh ung thư gia tăng trong những năm gần đây như số người hút thuốc, uống rượu bia tại nước ta còn cao, thực phẩm có chứa hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường...
Bác sĩ Quốc Thịnh cho biết theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội quốc tế Phòng chống ung thư (UICC) tại một hội nghị ở Úc năm 2014, có đến 30-50% các ca bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Uống rượu bia nhiều, ăn thực phẩm bị mốc hoặc ăn những món chiên nướng, nướng đen, nhiều dầu béo đều có nguy cơ gây ung thư.
Bên cạnh đó, việc không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ, không chỉ gây bệnh ung thư mà nhiều bệnh lý khác.
Những năm gần đây, một số thực phẩm chứa chất độc hại, gây ung thư đã được nêu ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng vẫn còn nhiều loại thực phẩm được chế biến độc hại, nguy hiểm không được kiểm soát.
Đó là những nơi lấy nguồn thịt đã bị thối rữa về ướp hóa chất độc hại để thịt dai hơn, thơm hơn, sau đó bán cho khách. Chưa kể thói quen ăn thực phẩm phơi khô, muối mặn, những loại rau cải muối... cũng tăng nguy cơ ung thư.
Ung thư phổi và gan đứng đầu
Hiện nay, ung thư phổi và ung thư gan đứng đầu cả hai giới tại Việt Nam. Lý giải về số liệu ung thư phổi đứng đầu là do nước ta đứng cao nhất nhì trong khu vực về số người hút thuốc lá với hơn 50% dân số hút thuốc lá, trong khi hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi.
Trước đây, người ta nghĩ hút thuốc lá chỉ gây ra bệnh ung thư phổi nhưng hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư bọng đái. Hơn 80 chất độc trong thuốc lá đã đi khắp nơi trong cơ thể, gây ra rất nhiều loại ung thư khác nhau.
Phụ nữ cũng bị ung thư phổi cao do hút thuốc thụ động của những người xung quanh.
Theo một chuyên gia, Việt Nam còn nằm trong khu vực có khả năng mắc bệnh viêm gan siêu vi B, siêu vi C rất cao. Nếu mắc các bệnh này mà điều trị không tốt, lâu ngày sẽ chuyển hóa thành ung thư gan.
Chưa kể nhiều người dân sống ở nông thôn có thói quen bảo quản thức ăn không tốt, bị nấm mốc. Khi bị nấm mốc chúng sẽ có chất gây ung thư gan.
Bác sĩ Quốc Thịnh nhấn mạnh ung thư là bệnh có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh như: không hút thuốc lá, không uống rượu bia và ăn thực phẩm nhiều chất béo, không ăn những thức ăn có nguồn gốc không an toàn.
Ngoài ra, mọi người cần tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi. Bác sĩ Quốc Thịnh cho biết trong rau xanh, trái cây tươi có những chất gắn kết với độc tố trong cơ thể do chuyển hóa và giúp đào thải chúng tốt hơn.
Ví dụ ăn thịt, cá vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe, tạo năng lượng cho cơ thể làm việc, tuy nhiên cũng sẽ thải ra những chất độc.
Nếu những chất độc này không được đưa ra ngoài cơ thể, tới lúc nào đó sẽ làm đột biến tế bào, gây ung thư.
Làm sạch môi trường giảm bệnh tật Trong 1.355 ca ung thư các loại được chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM từ tháng 1-2005 đến tháng 10-2009 cho thấy tỉ lệ bệnh ung thư dạ dày, phổi, máu, hạch, gan, đại trực tràng ở nam giới có tỉ lệ cao hơn các bệnh ung thư khác. Ở phụ nữ thì tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày, tử cung, vú, buồng trứng cao hơn. Xã hội hiện đại, các nhà máy sản xuất thải ra nhiều chất độc hại trong môi trường. Khi con người tiếp xúc thì tỉ lệ sinh bệnh ung thư rất cao. Điều này cảnh báo phải có biện pháp làm trong sạch môi trường để giảm bệnh tật. |