Dự án cụm công nghiệp ì ạch dân lãnh đủ

300 lò đốt chất thải nhồi nhét trong một thôn, người dân lo làng nghề biến thành làng ung thư - Ảnh 2.

Một thôn có tới 300 lò đốt chất thải tái chế nhôm, đồng (Ảnh: Đ.M)

Ngày 22/8, trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND xã Văn Môn (Yên Phong) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 130 doanh nghiệp, chủ yếu tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, xã Văn Môn còn có hơn 500 hộ tham gia nghề mộc và chạm khắc mỹ nghệ, cùng với các hộ làm men, nấu rượu, gò hàn, thợ nề...

Riêng thôn Mẫn Xá có tới 300 hộ tham gia nghề cô đúc nhôm, đồng và gần 200 hộ tham gia nghề thu mua phế liệu.

Vị đại diện xã cho rằng, những nghề này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tình trạng phát triển kinh tế tự phát không tuân theo quy hoạch đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt làng nghề Mẫn Xá. Hoạt động kinh doanh phế liệu và sản xuất kim loại trong thôn Mẫn Xá nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm. Thêm vào đó, hầu hết các cơ sở tái chế nhôm, đồng trong thôn Mẫn Xá chưa được trang bị hệ thống xử lý chất thải.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Ước, một chủ lò đốt xỉ nhôm cho biết, trong quá trình tái chế, mỗi tấn phế liệu đem lại 700-850 kg nhôm, còn lại 150-300 kg xỉ loại thải.

"Để nấu chảy xỉ nhôm và oxit nhôm trong xỉ, cần sử dụng nhiệt đốt và thêm nhiều hoá chất. Tuy nhiên, việc đốt hiệu quả có thể tạo ra bụi và xỉ thải, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người", ông Ước nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Minh Hoan, ở xã Mẫn Xá cho rằng, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, trong đó có việc xử lý 400 nghìn tấn tro xỉ tồn đọng, không được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng, thì tương lai sẽ còn phải đối mặt với những "núi chất thải". Các chất độc hại như chì, đồng, asen, kẽm, sắt và nhôm đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, và việc sống trong môi trường ô nhiễm không khí đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe trong làng nghề Mẫn Xá và xã Văn Môn.

"Sự bao vây của các lò đốt đúc nhôm, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng, và tương lai làng Mẫn Xá trở thành 'làng ung thư'", anh Hoan lo ngại.

Giải pháp nào cho môi trường sống của người dân

300 lò đốt chất thải nhồi nhét trong một thôn, người dân lo làng nghề biến thành làng ung thư - Ảnh 3.

Xỉ thải chất thành đống la liệt khắp làng (Ảnh: Đ.M)

Vào tháng 8/2016, dự án Cụm Công nghiệp chế xuất nhôm (CCN) làng nghề Mẫn Xá đã được UBND tỉnh Bắc Ninh thông qua với tổng diện tích 26,5 ha, tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, với tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án CCN làng nghề Mẫn Xá đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. CCN hiện chưa có hệ thống PCCC, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống khí thải chỉ là những ống khói xây dựng thủ công như các cơ sở trong khu dân cư. Trong khi đó, do giá thành thuê mặt bằng quá cao dẫn đến việc các cơ sở đúc nhôm di dời ra khỏi khu vực dân cư rất ít (38/297 hộ). Vấn đề di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vì thế cũng "dậm chân tại chỗ".

Những năm qua, thông qua việc tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành về công tác bảo vệ môi trường cho người dân làng nghề, đã có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, một cơ sở vẫn tiếp tục xả thải, có dấu hiệu là chất thải nguy hại vào làng nghề, đổ trộm chất thải ra môi trường.

Gần đây ngày 10/8/2023, lực lượng dân phòng xã Văn Môn phát hiện, báo công an tạm giữ một chiếc xe tự chế đang chở 4 bao chứa tro xỉ về địa phương. Ngoài những bịch chất thải chở trên xe tự chế, một số bịch chất thải khác đã được tập kết ven đường gom và đều phủ bạt nhằm che mắt cơ quan chức năng.

UBND tỉnh Bắc Ninh đã và đang nỗ lực kêu gọi, hướng dẫn thời gian tới đưa các cơ sở tái chế ra khỏi khu dân cư, thiết lập khu tái chế tập trung để xử lý triệt để khí thải, nước thải và chất thải.

Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, UBND xã Văn Môn đã tham mưu cho UBND huyện Yên Phong đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý 24 vụ vi phạm về môi trường, trong đó có 2 tổ chức và 23 cá nhân, xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.