Thời xưa, thân phận và địa vị của hoàng đế là cao nhất. Hoàng đế được coi là "thiên tử", nắm giữ đại quyền trong tay, có thể quyết định sự sống, chết của bất cứ ai trong thiên hạ. Do đó, khi dân chúng nhìn thấy hoàng đế, tất cả đều phải hành đại lễ. Nếu ai có hành vi hoặc lời nói "khi quân phạm thượng", người đó sẽ bị xử tử ngay lập tức.
Tuy nhiên, trong lịch sử, cũng có một số người mặc dù xuất thân bình thường, không phải là hoàng đế hay thần thánh, nhưng họ lại được người dân tôn sùng. Thậm chí, địa vị của những người đặc biệt này còn cao và mạnh hơn cả hoàng đế.
Dưới đây là 4 cao nhân đặc biệt được nhiều thế hệ tôn sùng, trong đó có các vị hoàng đế nổi tiếng.
Thứ nhất, Nhạc Phi
Nhạc Phi là danh tướng lẫy lừng trong lịch sử Trung Quốc.
Đây là danh tướng khiến hoàng đế Chu Nguyên Chương quỳ xuống bái lạy. Nhạc Phi (1103 – 1142) là danh tướng, nhà quân sự nổi tiếng thời Nam Tống trong lịch sử Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội nhà Nam Tống đã nhiều lần giành thắng lợi trước những đợt tấn công của quân Kim. Trong cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của mình, Nhạc Phi đánh tổng cộng 126 trận chiến với quân Liêu, Đại Tề, Kim và kết quả đều toàn thắng. Trước khi bị Tần Cối hại chết ở đình Phong Ba vào năm 1142, chức tước của ông là Đại nguyên soái.
Nhạc Phi không chỉ là một đại tướng có tài cầm quân mà còn là người có nhiều phẩm chất tốt đẹp.
Về sau, người dân luôn lấy Nhạc Phi làm tấm gương và coi ông là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, trung thần và một bậc sĩ phu dũng liệt. Cùng với 4 vị quan thời Nam Tống, Nhạc Phi được thờ tại Đế vương miếu do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng. Đây là nơi thờ những vị quan văn và võ tướng tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Nhạc Phi được sử sách đánh giá là người tài kiêm văn võ, can đảm và hiểu biết chiến thuật khi chiến đấu. Đặc biệt, sự trung thành và tấm lòng tận trung báo quốc của Nhạc Phi luôn được sử sách và hậu thế tán thưởng. Ngay cả Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh cũng rất ngưỡng mộ và kính trọng danh tướng này. Tương truyền, cứ hễ nhìn thấy đền thờ hay tượng của Nhạc Phi, vị hoàng đế nổi tiếng này đều quỳ xuống bái lạy.
Thứ hai, Quan Vũ
Hình tượng danh tướng Quan Vũ trên phim ảnh.
Quan Vũ (? – 220) hay Quan Công là một danh tướng vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Lúc sinh thời, Quan Vũ được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ dũng mãnh. Ông được người đương thời nhận xét là có sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ.
Quan Vũ được hậu thế ca ngợi vì ông có lòng can đảm, tôn sùng lễ giáo, hào hiệp trượng nghĩa, kiên cường và có lòng trung thành tuyệt đối. Người đời sau coi Quan Vũ là một biểu tượng của những đức tính như danh lợi không đổi lòng, giàu sang không dâm loạn, nghèo hèn không nhụt chí và oai vũ không khuất phục.
Quan Vũ là người góp công lớn và việc thành lập nên nhà Thục Hán. Ông hết lòng phò tá cho Lưu Bị và nhà Thục Hán với một lòng trung thành tuyệt đối. Sau khi Quan Vũ mất, hình tượng của ông đã được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian bắt đầu từ thời nhà Tùy và tiểu thuyết hóa trong Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung.
Nhiều vị hoàng đế thời nhà Thanh tôn sùng Quan Vũ.
Năm 782, hơn 500 năm sau khi chết, Quan Vũ được hoàng đế Đường Đức Tông đưa vào Võ miếu. Đây là nơi thờ cúng các danh tướng trong lịch sử. Sau đó, ông cũng được các hoàng đế nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh phong tước, phong đế và thờ cúng ở nhiều nơi.
Đặc biệt, Quan Vũ cũng chính là võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có một điện thờ riêng ở Đế vương miếu (do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng). Đây là nơi thờ các vị quan văn, võ tướng tài năng và tận trung nhất qua các triều đại. Có thể nói, không chỉ dân thường mà ngay cả nhiều vị hoàng đế trong lịch sử cũng tôn sùng và kính trọng một danh tướng lẫy lừng như Quan Vũ.
Thứ ba, Khổng Tử
Khổng Tử là người khai sinh ra Nho giáo, được nhiều vị hoàng đế và hậu thế tôn sùng.
Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN), tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, là một triết gia, chính trị gia, nhà giáo dục nổi tiếng sinh sống vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Khổng Tử sinh trưởng ở ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ thời Xuân Thu, nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Cha mẹ mất sớm nên từ khi còn nhỏ Khổng Tử đã phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Khổng Tử là người ham học nên từ khi 15 tuổi, ông bắt đầu tập trung học về đạo, nghiên cứu lễ giáo và các môn học khác.
Khổng Tử chính là người khai sinh ra Nho giáo trong bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị và văn hóa xã hội thời Xuân Chu – Chiến Quốc rối ren, loạn lạc. Lúc sinh thời, Khổng Tử hành nghề dạy học và từng là quan Trung đô Tể, Tư Không, Tư Khấu.
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy nhà vua cùng các chư khanh tướng của nước Lỗ không thật lòng trọng dụng nên ông đã từ quan vào năm 55 tuổi và dẫn theo một số môn đệ cùng chí hướng đi chu du các nước chư hầu. Đáng tiếc, giới cầm quyền của các nước chư hầu thời bấy giờ lại không muốn áp dụng đạo trị quốc của ông. Đến năm 69 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ và chuyên tâm vào việc tu biên các cổ tịch, soạn định Ngũ kinh, bao gồm Thư, Dịch, Thi, Lễ, Nhạc và hoàn thành cuốn Xuân Thu.
Sau khi qua đời vào năm 479 TCN, Khổng Tử có nhiều ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau. Nguyên nhân chủ yếu là do học thuyết của ông được các giai cấp thống trị thừa nhận. Đặc biệt, Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN), vị hoàng đế thứ 7 của nhà Hán, rất sùng Nho giáo. Ông chủ trương sử dụng Nho giáo là tư tưởng trị nước.
Sự công nhận chính thức của Hán Vũ Đế, một trong những vị hoàng đế tài ba nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đã dẫn tới sự thay đổi trong việc bổ nhiệm các quan chức dân sự. Theo đó, các ứng cử viên bắt buộc phải thông hiểu các tác phẩm kinh điển của của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh. Yêu cầu này kéo dài và ảnh hưởng cho tới nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.
Là người sáng lập Nho giáo, nên địa vị của Khổng Tử cũng được nâng cao và được các thế hệ sau tôn vinh. Không chỉ dân thường mà ngay cả các vị hoàng đế của nhiều triều đại đều kính trọng và đề cao Khổng Tử. Đến nay, những lời dạy và triết lý của Khổng Tử vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Á khác. Ông được người đời tôn làm Văn thánh, một trong 10 vị thánh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Thứ tư, Lão Tử
Lão Tử là người sáng lập ra Đạo giáo và có nhiều ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển triết học ở Trung Quốc.
Lão Tử (571 TCN – 471 TCN) là người sáng lập ra Đạo giáo, một trong ba tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Trung Hoa. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người họ Lý, tên Nhĩ, hiệu Bá Dương, thụy là Đam. Ông là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử. Lúc sinh thời, Lão Tử làm quan trong thư viện của triều đình nhà Chu. Sau này, nhận thấy chính sự của đất nước đang tan rã, Lão Tử quyết định ra đi.
Theo truyền thuyết, Lão Tử đã cưỡi trâu đi về phía tây qua nước Tần và cuối cùng biến mất ở sa mạc rộng lớn. Ông đã để lại Đạo đức kinh, cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, đồng thời được coi là một tác phẩm triết học kinh điển. Những triết lý của ông trong cuốn sách này khiến hậu thế phải nghiêng mình khâm phục, đặc biệt là tư tưởng vô vi.
Trên thực tế, dưới thời nhà Đường, hoàng tộc của triều đại này họ Lý nên tự xưng là hậu duệ của Lão Tử, thậm chí truy phong ông làm hoàng đế. Cụ thể, thời Đường Cao Tông truy tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế. Đến đời Đường Huyền Tông lại gia phong cho Lão Tử là Đại Thánh tổ Cao thượng Đại đạo Kim khuyết Huyền nguyên Thiên hoàng Đại đế.
Nguồn: Sohu, Baidu, Sogou