Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết giao mùa khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên. Nhất là trong thời điểm hiện tại, khí hậu nóng ẩm chuyển khô lạnh liên tục càng dễ làm gia tăng bệnh đường hô hấp. Nhiều chứng bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ chuyển sang tình trạng suy hô hấp thì phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp ở trẻ để kịp thời đi thăm khám, điều trị. Điều này có thể khiến trẻ phải nhập viện kéo dài với những chứng bệnh nặng như viêm phổi…
Mới đây, BS Đoàn Hải Đăng (bác sĩ nổi tiếng trong cộng đồng mẹ bỉm sữa, có nhiều năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cũng chia sẻ, suy hô hấp là tình trạng vô cùng khẩn cấp ở trẻ. Nếu phát hiện, cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đi bệnh viện, tránh hậu quả đáng tiếc.
Vậy làm thế nào để nhận biết con bạn đã bị suy hô hấp? Theo BS Đoàn Hải Đăng, có 4 dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp ở trẻ nhưng nhiều cha mẹ không hay biết được chia sẻ cụ thể như sau:
4 dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp ở trẻ nhưng nhiều cha mẹ không hay biết
1. Trẻ thở rít
Khi con nằm ngủ trong không gian yên tĩnh, cha mẹ hãy thử nghe tiếng thở của con. Theo BS Đoàn Hải Đăng, nếu trẻ xuất hiện tiếng thở rít khi ngủ và nhịp thở tăng nhanh hơn so với bình thường thì con bạn đã bị suy hô hấp.
Vậy nhịp thở bao nhiêu được coi là tăng nhanh hơn bình thường? BS Đăng chia sẻ, đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi được đánh giá thở nhanh khi bé thở hơn 60 lần/phút, trẻ 2-12 tháng tuổi là hơn 50 lần/phút, 1-5 tuổi: hơn 40 lần/phút, 6-8 tuổi: hơn 30 lần/phút, hơn 8 tuổi: hơn 20 lần/phút.
2. Cánh mũi phập phồng
Khi nhìn cánh mũi của bé, nếu bạn thấy tình trạng phồng lên hoặc xẹp xuống thì chứng tỏ con đang bị khó thở. Đây chính là dấu hiệu suy hô hấp ở trẻ nhưng nhiều cha mẹ không để ý. Nếu trẻ thở bình thường thì cánh mũi sẽ không xuất hiện tình trạng phập phồng như vậy, dù là khi thức hay đang ngủ.
3. Rút lõm lồng ngực
Để xác định xem con bạn có thở rút lõm lồng ngực hay không, BS Đăng khuyên nên vạch áo để lộ toàn bộ phần ngực của trẻ và quan sát. Nếu thấy phần ngực bị lõm xuống khi trẻ hít vào thì chắc chắn con đã bị rút lõm lồng ngực.
Đây là dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp rất điển hình với những chứng bệnh vô cùng nguy hiểm như viêm phổi, cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện thăm khám và điều trị.
4. Da trẻ tím tái
Trẻ bị suy hô hấp nhẹ chỉ xuất hiện tím tái ở vùng da quanh môi. Tuy nhiên, tình trạng nặng hơn có thể khiến trẻ bị tím tái toàn thân. Lúc này, cha mẹ đừng chần chừ mà hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện gấp.
Làm thế nào để phòng tránh tình trạng suy hô hấp trong thời tiết bất thường hiện nay?
Các chuyên gia nhận định, giải pháp quan trọng nhất chính là tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ nên:
1.Tiêm vắc-xin cúm
Bé từ 6 tháng đã có thể tiêm phòng cúm. Mũi vắc-xin này mỗi năm tiêm 1 lần. Thời điểm tiêm phù hợp là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
2. Rửa tay
Trẻ cần được rửa tay đúng cách. Cha mẹ nên hướng dẫn con rửa tay với nước và xà phòng trong tối thiểu 20 giây. Chú ý rửa tay thường xuyên trước – sau ăn, sau khi đi vệ sinh…
3. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc với ai cũng quan trọng, với trẻ nhỏ thì càng quan trọng hơn nữa. Giấc ngủ có vai trò trong rất nhiều khía cạnh, nhất là tăng sức đề kháng của bé.
4. Ăn uống lành mạnh
Mẹ nên tránh cho con ăn thực phẩm nhiều đường và chất béo. Bên cạnh đó, con cũng cần tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng.
5. Bổ sung vi chất
Vitamin D và vitamin C là 2 loại vi chất nên được ưu tiên. Mẹ cung cấp vitamin D cho con thông qua việc bổ sung hàng ngày. Với vitamin C, mẹ cần duy trì cho con chế độ ăn nhiều hoa quả. Trong trường hợp bé từ chối hoa quả, bổ sung bằng thực phẩm chức năng cũng là một lựa chọn tốt.
6. Bổ sung men vi sinh
Đường ruột là nơi quan trọng nhất để bắt đầu xây dựng một hệ miễn dịch khoẻ mạnh cho bé. Do đó sẽ không vấn đề gì nếu bé có thể sử dụng men vi sinh thường xuyên.