Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không ngừng tìm cách tăng năng lượng và tránh kiệt sức, đặc biệt là trong công việc. Ở người bình thường, điều này tương đối khó khăn, với những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng không phải dễ dàng gì.
Trong bài viết của mình đăng trên trang Cnbc.com, phóng viên sức khỏe Renée Onque tiết lộ cô đã đặt cho 30 chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe chung một câu hỏi là "Làm thế nào để bạn quản lý năng lượng của mình và không bị kiệt sức trong công việc?".
Những người được hỏi bao gồm bác sĩ, các nhà tâm lý học và cả giáo viên hướng dẫn chánh niệm. Ai cũng đưa ra những lời khuyên tuyệt vời về cách duy trì động lực và giữ cho nguồn năng lượng của mình luôn tràn đầy. Nhưng tựu trung lại, phóng viên Renée Onque đã đúc kết được 4 biện pháp chung mà hầu hết các chuyên gia sức khỏe này đã sử dụng để tránh cho mình không bị kiệt sức như sau.
1. Xây dựng một cộng đồng vững mạnh
Là một người làm việc với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, Eufrosina Young nói rằng cô phải cảm ơn một cộng đồng những người có liên quan đến căn bệnh bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Bởi chính nhờ cộng đồng vững mạnh này mà cô mới luôn duy trì năng lượng của mình.
Young là một nhà thần kinh học được hội đồng chứng nhận và chuyên gia về ALS tại khoa thần kinh của Bệnh viện Đại học Upstate. Young cho biết, không có cách chữa trị bệnh xơ cứng teo cơ bên (ALS), nhưng cô không phải là người duy nhất nỗ lực để phát triển các phương pháp điều trị cũng như cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho bệnh nhân của mình. Chính điều này đã giúp Young tiếp tục theo đuổi công việc ngay cả trong những ngày khó khăn nhất.
2. Nghỉ ngơi khi cần
"Làm hai công việc chuyên môn là một nhà nghiên cứu giấc ngủ và một kỹ sư thuật toán liên quan đến chăm sóc một em bé mới sinh, chắc chắn tôi sẽ kiệt sức nếu không nghỉ ngơi", Raphael Vallat nói.
Raphael Vallat một nhà khoa học thần kinh và nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Trung tâm Khoa học Giấc ngủ Con người tại UC Berkeley. Với ông, về cơ bản mọi nhiệm vụ đều giống như một ngọn núi mà bạn cần phải leo lên. Có thể lúc nào bạn cũng thấy nó khẩn cấp và quan trọng. Thế nhưng, hãy nhớ rằng tại một số thời điểm, bạn thực sự cần dành một chút thời gian nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng những nhiệm vụ này hoàn toàn có thể tạm lui lại một chút chứ không phải lúc nào cũng gấp gáp.
3. Hãy đam mê những gì bạn đang làm
Cho đến mùa xuân năm 2022, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Céline Gounder đã làm việc 100 giờ/tuần. Ở thời kỳ đại dịch Covid-19, gần như toàn bộ thời gian cô luôn ở tuyến đầu. Nhưng cô biết cách giữ năng lượng cũng như tránh cho mình bị kiệt sức bằng cách luôn nhắc nhở bản thân về lý do tại sao công việc của cô lại quan trọng.
Gounder là Trợ lý Giáo sư Lâm sàng về Y khoa và Bệnh Truyền nhiễm tại Trường Y NYU Grossman. Cô nói: "Với tôi, công việc không còn đơn thuần chỉ là việc phải làm nếu như bạn có động lực và đam mê với nó. Nếu bạn đang điên cuồng hàng giờ với những việc mà bạn cảm thấy không có ý nghĩa với mình thì thực sự nên lùi lại và đặt câu hỏi về những gì mình đang làm".
4. Có những niềm vui khác
Nhìn chung, ai cũng có những sở thích riêng của mình, các chuyên gia sức khỏe cũng vậy. Có người thích tập thể dục, có người thích khiêu vũ hoặc chơi nhạc... "Điều quan trọng là bạn phải tận hưởng cuộc sống của mình chứ không phải chỉ là đạt được những mục tiêu trong công việc. Hãy nhìn vào toàn bộ cuộc sống của bạn và đảm bảo rằng trong đó có những niềm vui riêng của bạn và bạn có thời gian cho những niềm vui đó", Christina Maslach, nhà tâm lý học xã hội, giáo sư tâm lý học đã nghỉ hưu tại U.C. Berkeley và là tác giả của cuốn "The Burnout Challenge: Managing People's Relationships with Their Jobs", cho biết.
Kiệt sức có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ
"Kiệt sức là một vấn đề sức khỏe tâm thần "rất phổ biến" tại nơi làm việc, do căng thẳng mãn tính gây ra", tiến sĩ Oliver Suendermann, giám đốc lâm sàng của Intellect, một công ty khởi nghiệp hỗ trợ sức khỏe tâm thần có trụ sở tại Singapore cho biết.
Theo Suendermann, kiệt sức có thể bao gồm cả về tinh thần và thể chất.
Kiệt sức có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, các vấn đề về giấc ngủ, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe tim mạch, có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Với một loạt các tác động dù là "nhỏ giọt" nhưng có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn thì tốt nhất nên tránh tình trạng kiệt sức.