
Lời trêu chọc của cha mẹ về ngoại hình có thể khiến trẻ phát triển tâm lý tự ti. Ảnh minh hoạ: iStock
1. Ngoại hình
Trẻ đang trong giai đoạn hình thành nhận thức về bản thân, khi này mỗi lời nhận xét về ngoại hình đều có thể để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí non nớt ấy. Việc cha mẹ thường xuyên trêu chọc con về vẻ ngoài như: "Mập ú thế này ai bê nổi", "Gầy như cái que tăm"…, không chỉ khiến trẻ buồn bã nhất thời mà còn tạo nên cảm giác mặc cảm lâu dài.
Những lời trêu chọc về ngoại hình có thể khiến trẻ phát triển tâm lý tự ti, luôn cảm thấy cơ thể mình không đủ đẹp. Trẻ có thể bắt đầu ghét bỏ ngoại hình, ngại giao tiếp vì sợ bị người khác chế giễu. Một số trẻ thậm chí cố gắng thay đổi bản thân bằng những cách tiêu cực, như nhịn ăn để giảm cân. Lâu dần, điều này có thể dẫn đến rối loạn ăn uống, căng thẳng.
Dừng lại việc tập trung vào những đặc điểm ngoại hình, cha mẹ nên khích lệ con qua những điều tích cực. Thay vì nói: "Mập ú thế này ai bế nổi", cha mẹ nên chọn cách nói: "Cơ thể khỏe mạnh như vậy chắc chắn sẽ giúp con chơi thể thao giỏi hơn".

Liên tục bị chê bai về khả năng, trẻ sẽ dần mất đi động lực học hỏi. Ảnh minh hoạ: shutterstock
2. Năng lực
Mỗi đứa trẻ có năng lực riêng, phát triển theo nhịp độ khác nhau. Việc trêu chọc con vì học chậm, hát dở hay vẽ xấu chẳng khác nào dập tắt ngọn lửa tự tin của trẻ. Những câu nói: "Con làm gì cũng chậm như rùa" hay "Nhìn tranh của con, ai mà hiểu nổi" dễ khiến trẻ tin rằng mình thực sự kém cỏi.
Khi bị chê bai liên tục, trẻ sẽ dần mất đi động lực học hỏi. Trẻ dễ mất đi sự hào hứng khám phá thế giới, rở nên e dè, sợ sai và ngại thử thách. Điều này còn khiến trẻ sợ thất bại, luôn lo lắng rằng bất cứ nỗ lực nào của mình cũng sẽ bị chế giễu. Tình trạng kéo dài, trẻ sẽ không còn hứng thú với việc học tập, thậm chí né tránh hoàn toàn những gì từng khiến mình bị chê cười.
Cha mẹ hãy tập trung vào quá trình thay vì kết quả. Chẳng hạn, nếu con vẽ chưa đẹp, đừng nói: "Nhìn tranh của con, ai mà hiểu nổi", hãy động viên: "Con đã rất cố gắng, con nói xem con đã vẽ được những gì rồi?".

Hãy để con cảm nhận được cha mẹ thấu hiểu nỗi sợ của con và có thể giúp con vượt qua.Ảnh minh hoạ: shutterstock
3. Nỗi sợ hãi
Nỗi sợ của trẻ, dù là tiếng sấm sét, bóng tối, kim tiêm của bác sĩ, hay một con gián nhỏ bé, đều là cảm giác thật và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại vô tình trêu chọc: "Sao con nhát thế? Có con gián thôi mà cũng khóc nhè". Những câu nói tưởng chừng vô hại ấy lại khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, không dám bày tỏ cảm xúc thật.
Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của mình. Nếu nỗi sợ bị đem ra làm trò cười, chúng dễ cảm thấy mình yếu đuối, không đủ mạnh mẽ như cha mẹ mong muốn. Hậu quả là trẻ sẽ giấu kín cảm xúc, không dám chia sẻ nỗi sợ hay tìm kiếm sự an ủi khi cần. Về lâu dài, điều này có thể khiến trẻ phát triển tâm lý lo âu, cảm thấy cô đơn và thậm chí mất niềm tin vào sự bảo vệ của cha mẹ.
Hãy an ủi và đồng hành cùng con. Cha mẹ có thể nói: "Cha/mẹ biết con đang sợ, có cha/mẹ ở đây, cha mẹ có thể giúp con", sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và được thấu hiểu.

Cha mẹ hãy chọn những lời nói yêu thương để con được lớn lên trong niềm vui. Ảnh minh hoạ: shutterstock
4. Tính cách
Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng: có bé sôi nổi, thích kết bạn, có bé trầm tĩnh, thích quan sát, có bé mạnh dạn, có bé nhút nhát. Việc trêu chọc con nhút nhát, ít nói, nói nhiều,… chẳng khác nào phủ nhận con người thật của trẻ.
Khi bị chế giễu vì tính cách, trẻ dễ cảm thấy bản thân có vấn đề. Điều đó chỉ khiến trẻ thêm lo lắng, căng thẳng. Nhiều trẻ khác chọn cách thu mình, ngại giao tiếp và dần mất đi sự tự tin vào khả năng của chính mình.
Cha mẹ nên tôn trọng cá tính của con và giúp con phát huy điểm mạnh. Nếu con là đứa trẻ ít nói, cha mẹ có thể chọn lời động viên: "Con là đứa trẻ luôn biết lắng nghe, điều đó rất đáng quý".
Trẻ em giống như tờ giấy trắng, mỗi lời nói của cha mẹ đều để lại dấu ấn. Một câu trêu chọc vô tình có thể trở thành vết xước khó lành trong lòng con. Ngược lại, những lời động viên, khích lệ đúng lúc sẽ giúp con xây dựng lòng tự tin, phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cha mẹ hãy chọn những lời nói yêu thương để con được lớn lên trong niềm vui, sự tôn trọng và cảm giác an toàn.