Mua sắm là niềm đam mê bất tận của hội chị em phụ nữ, đặc biệt là trong những năm gần đây khi mua sắm online bùng nổ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hội chứng nghiện mua sắm có thể dễ dàng bị châm ngòi bởi những trạng thái cảm xúc khó kiểm soát như tức giận, bùng nổ, trầm uất, lo lắng, cô đơn...

Phần lớn những người phụ nữ nghiện mua sắm cho biết họ mua sắm để cảm thấy mình có chút quyền lực, thứ mà họ không thể tìm thấy ở các lĩnh vực và hoạt động khác của cuộc sống. Không chỉ thế, mua sắm dường như thúc đẩy cảm giác hạnh phúc, giúp họ cảm thấy vui vẻ hơn.

Sai lầm khiến bạn mua sắm không kiểm soát - Ảnh 1.

Tỉnh táo trước sự hấp dẫn của các quảng cáo cũng như sự quyến rũ của việc mua sắm là điều tiên quyết mà chị em cần làm. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, trong thời kì giá cả đang ngày càng cao như hiện nay, tiết kiệm là điều mọi người cần hướng tới thì việc kiểm soát chi tiêu dành cho mua sắm là những gì họ cần làm. Theo đó, nếu hiểu được mấu chốt của việc tại sao khiến chị em phụ nữ đưa ra quyết định mua sắm "bốc đồng" là điều tất lẽ dĩ ngẫu.

Những hiểu nhầm dễ khiến bạn chi tiêu mua sắm bốc đồng

1. Săn sale rồi mua nhiều để dự trữ

Ham rẻ, thích nhiều là tâm lý chung của đa số người tiêu dùng. Vậy là trước hàng loạt các đợt giảm giá, bán sản phẩm số lượng lớn của các trang thương mại điện tử, không ít người đã liên tục đặt đơn để mua đồ với suy nghĩ "không dùng hết thì dự trữ, đằng nào chẳng dùng".

Và cũng bởi thế, đã có không ít món đồ phải vứt bỏ chỉ vì không kịp dùng hết trước khi hết hạn (hoặc quên), gây tốn kém.

Sai lầm khiến bạn mua sắm không kiểm soát - Ảnh 2.

Mua đồ kiểu này vốn tưởng được lời, nhưng khéo khi lại tốn hơn. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, có một số món đồ mà mọi người có thể mua nhiều hơn bình thường 1 chút do bảo quản được lâu như: các loại đồ dùng không có hạn sử dụng (ví dụ: đồ uống chứa cồn, giấm, đường, mật ong,...).

Song, hãy cố gắng đừng tích trữ vì suy nghĩ nhân lúc rẻ thì phải mua nhiều.

2. Chưa chắc sản phẩm đa năng nào cũng tốt

Những sản phẩm đa năng, tiện dụng luôn có 1 sức hấp dẫn dễ khiến người ta tò mò và sẵn sàng chi tiền ra để mua mà ít khi phân vân. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng thực sự thông minh như những gì quảng cáo mô tả về chúng. Trong đó, sản phẩm gọt/bổ dứa thông minh dưới đây là 1 ví dụ.

Những chức năng thừa này ít giá trị sử dụng thực tế, nhưng lại dễ tạo thiện chí với người tiêu dùng khi được bày bán.

Sản phẩm bổ dứa thông minh. (Ảnh: Tiktok haicutoi)

Ngoài sản phẩm này còn có những cây bút tích hợp nhiều màu khác nhau từng "làm mưa làm gió" 1 thời và những ai thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x sẽ khó mà quên được. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì đây sẽ là các tình trạng có thể xảy ra: Khi một trong những màu yêu thích được sử dụng hết thì chiếc bút kia liền bị quăng xó. Số khác lại cho rằng, khi đang vội vàng để viết, thật lãng phí thời gian để chọn màu sắc yêu thích của bạn và do đó, dù có 5 hay 6 màu đi chăng nữa thì thực chất chúng ta cũng đều không dùng hết.

Vậy nên, khi mua sắm, hãy hạn chế những sản phẩm có các "chức năng thừa", dễ bị nhầm lẫn với tính hữu ích để tránh lãng phí tiền bạc nhé.

3. Cuộc sống "chill" hơn, tinh tế hơn nhờ những món đồ trang trí nhỏ xíu, thiết kế bắt mắt

Những món đồ này thường không tốn nhiều diện tích và cũng không quá đắt tiền nên người ta sẵn sàng mua bất cứ lúc nào mà quên đi rằng, thực ra đây chính là những thứ vô dụng nhất.

Trong đó, chiếc gác đũa dưới đây là 1 ví dụ. Khi nấu ăn hoặc ăn cơm, chúng ta thường dùng đến đũa để gắp và nếu mọi người phải loay hoay gác đôi đũa này lên tạm 1 chỗ nào đó thì đây chính là vấn đề mà nó có thể giải quyết. Thế nhưng, bên cạnh hình thức xinh xắn thì công năng sử dụng thực tế của sản phẩm này lại không như tưởng tượng khi nó liên tục bị rớt xuống và khó có thể bám chắc trên thành nồi.

Chỉ cần thêm một vài gợi ý về chức năng khác so với tên gọi; thiết kế đẹp mắt là đã có thể thu hút được rất nhiều người. (Ảnh: tiktok haicutoi)

4. Kỳ vọng hóa công năng sử dụng của sản phẩm

Vốn dĩ, kỳ vọng thì luôn tạo ra thất vọng. Điều này đúng, và đúng cả với trường hợp này. Đây cũng là chiến lược marketing được rất nhiều công ty áp dụng và để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa, người ta thường sử dụng hình ảnh của các KOL, Influencer... khiến người tiêu dùng bị rơi vào "bẫy" ảo tưởng, cho rằng cứ dùng sản phẩm thì ắt sẽ được như thế.

Lấy ví dụ đơn giản để dễ hình dung cho trường hợp này có thể kể đến các sản phẩm make-up, làm đẹp. Cụ thể như kem dưỡng da của hãng này dùng trong 7 ngày thì sẽ căng mướt, dùng serum của hãng kia thì da mụn cũng sớm mịn màng mà không cần tới bất kì tác động nào hết... Thế nhưng, nhiều sản phẩm lại không thực sự có được công dụng hoặc đạt hiệu quả nhanh chóng như vậy. Hoặc giả trong 1 trường hợp khác, rất có thể bạn lại trở thành "nạn nhân" của kem trộn.

Hãy luôn tỉnh táo trước những mánh khóe quảng cáo của các thương hiệu để tránh lầm tưởng. "Đừng để tiền rơi" vẫn luôn là châm ngôn chính đối với những người đang muốn tiết kiệm và tích lũy tài chính.

https://afamily.vn/4-hieu-nham-de-khien-ban-chi-tieu-mua-sam-boc-dong-ma-khong-he-hay-biet-20220708121105839.chn