Chị N. nhập viện trong tình trạng đau tức nhiều vùng hạ vị, khi đến bệnh viện thầy thuốc phát hiện 4 khối u xơ tử cung kích thước tương đối lớn. Bác sĩ Khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật bóc tách, bảo tồn tử cung cho bệnh nhân.

Theo lời kể của gia đình, chị N. trước đó từng phát hiện khối u xơ tử cung nhiều năm nay. Do không thấy ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị chủ quan không kiểm tra thường xuyên.

Thời gian gần đây, chị N. thấy bụng dưới đau tức, khi năm sờ thấy u cục, tiểu nhiều về đêm nên đến khám tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp cho thấy, hình ảnh các khối u xơ đa kích thước trong tử cung. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa u xơ tử cung và chỉ định phẫu thuật bóc tách các khối u xơ.

 - Ảnh 1.

Tử cung được bảo tồn, các khối u xơ tử cung được bóc tách thành công.

Kíp mổ Khoa Phụ sản do BSCKI Trần Thị Huyền, Trưởng khoa phụ trách phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức thực hiện phẫu thuật bóc tách các nhân u. Phẫu thuật viên mở bụng kiểm tra thấy 4 nhân xơ ở các vị trí khác nhau trong tử cung, kích thước lớn từ 3-5 cm.

Kíp mổ khéo léo phẫu tích bóc tách 4 khối u, khâu phục hồi thành tử cung để bảo tồn tử cung cho bệnh nhân sau hơn 1 giờ nỗ lực. Do quá trình xử trí nhanh chóng nên bệnh nhân không bị mất máu. Sau mổ 2 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, ăn uống tốt và đi lại bình thường.

U tử cung là một bệnh lý quen thuộc của phụ nữ, ở giai đoạn đầu thường khó phát hiện do không có triệu chứng cụ thể. Thông thường, bệnh nhân sẽ tình cờ phát hiện khối u trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Hoặc khi đến một giai đoạn nhất định, khối u lớn sẽ gây ra các triệu chứng rõ rệt: đau tức bụng, rối loạn kinh nguyệt, luôn cảm thấy buồn tiểu do khối u ép vào bàng quang.

Đặc biệt là nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng khi mang thai, như: sảy thai, băng huyết… nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tùy vào từng trường hợp, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh.

BSCKI Trần Thị Huyền cho biết: "Chị N. bị đa u xơ tử cung có thể điều trị bằng nhiều phương pháp mổ khác nhau. Từ nguyện vọng của người bệnh và gia đình, chúng tôi đã quyết định mổ mở bóc tách u và bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị khả quan nhất, bởi trong tử cung của bệnh nhân N. có khối u ở vị trí sát niêm mạc và dưới thanh mạc".

Những khối u ở vị trí này nếu can thiệp nút mạch u thì khi bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng, u có thể rụng trong tử cung và gây nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn nên với phương pháp mổ mở bóc tách sẽ làm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh.

Bệnh nhân còn trẻ, chỉ 30 tuổi và có một con nên các bác sĩ đã quyết định giữ lại tử cung để giúp bệnh nhân có thể tiếp tục mang thai về sau.