Mỗi nơi, mỗi đất nước có phong tục và thói quen ăn uống khác nhau. Có món là “cao lương mỹ vị” ở nhiều vùng, nhưng với người ở vùng khác lại là “nỗi ám ảnh”.

Ở Trung Quốc, người ở vùng Đông Bắc nổi tiếng với sức ăn “khủng khiếp” và là “đại trượng phu trên bàn tiệc tùng”, người Quảng Đông thích ăn thịt thú rừng hoang dã với nền văn hóa ẩm thực độc đáo. Tuy nhiên, tất cả đều phải “quay mặt bỏ đi” trước 4 món này của Việt Nam.

1. Ốc bươu

Người Việt Nam ăn ốc bươu không phải là chuyện xa lạ, thậm chí còn trở thành món ngon từng xuất hiện trên bàn tiệc ở nhiều nơi. Tuy nhiên, loài ốc đồng ruộng này lại không được ưa chuộng tại Trung Quốc.

Thật ra, trước đây người Trung Quốc cũng từng ăn thịt ốc bươu. Năm 1981, ốc bươu lần đầu tiên được nuôi làm kinh tế tại khu vực Trung Sơn (Quảng Đông), sau đó dần được mở rộng đến Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Chiết Giang và những nơi khác.

Thời điểm đó, mức sống của người dân cũng dần tăng lên, ốc bươu lại lớn nhanh, dễ nuôi, nhiều thịt, giá thành thấp nên được ưa chuộng như tôm hùm đất.

Cho đến năm 2006, vụ việc hơn 80 khách hàng dùng món ốc bươu ở nhà hàng tại Bắc Kinh đã phải nhập viện vì bị nhiễm giun kim đã khiến người Trung Quốc ý thức được sự nguy hiểm của loài ốc này.

Thật ra, một số khu vực ở Trung Quốc người ta vẫn ăn ốc bươu, đương nhiên cũng có nhiều trường hợp nhiễm giun. Chỉ là nhiều người khác lại cảm thấy "sợ hãi" với món này mà thôi.

Ảnh bên trái là cách ăn ốc bươu thông dụng của người Việt Nam, ảnh bên phải là cách chế biến món ốc bươu của người Trung Quốc.

Còn có một nguyên nhân khác là ốc bươu trong tiếng Trung Quốc có nghĩa “ốc Phúc Thọ”. Ở nhiều vùng, sau khi biết được tác dụng nguy hại của con ốc bươu, người ta cho rằng loài ốc này mặc dù có tên mang ý nghĩa cát tường, sống thọ nhưng lại làm hại đến sức khỏe con người nên họ càng không muốn ăn vì sợ vận xui ập đến.

2. Cá lau kính

Cá lau kính, cá chùi kiếng hay còn gọi là cá tỳ bà, là một loài cá nhiệt đới da trơn có tập tính hút rong rêu, chất nhớt ở thành bể làm thức ăn, giúp môi trường nước sạch sẽ, bớt chất bẩn hơn.

Ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam Bộ, cá lau kính còn được xem là một loại “đặc sản” thơm ngon.

Nhiều người Trung Quốc sau khi du lịch miền Tây Nam Bộ Việt Nam trở về hoặc nghe trên báo đài thường có phản ứng không thể tin nổi khi biết cá lau kính có thể ăn được.

Song, phản ứng này cũng không có gì là lạ. Không chỉ riêng người Trung Quốc, mà hầu như ai cũng nghĩ rằng cá lau kính không thể ăn được, vì loài cá này có ngoại hình khá “kém sắc” với lớp da cứng, sần sùi và có vẻ rất ít thịt. Vẻ bề ngoài của chúng có thể khiến nhiều người cảm thấy không ngon miệng, đồng thời chỉ ăn những chất dơ dưới sông hồ nên không được "sạch sẽ" cho lắm, dẫn tới họ không muốn ăn cá lau kính.

3. Tiết canh cá

Người Trung Quốc ăn huyết lợn, huyết vịt và huyết gà, nhưng hầu như không ăn huyết cá. Đến nay, vẫn chưa có lý giải nào rõ ràng cho thói quen ăn uống này. Chỉ biết là huyết cá, hay chính là máu cá, không nằm trong thực đơn chế biến món ăn của người Trung Quốc.

4 món ăn Việt cực phẩm nhưng người Trung Quốc lại e dè không dám ăn, có đáng sợ như lời đồn? - Ảnh 5.

Thế nhưng, món tiết canh cá lại là đặc sản ở một số tỉnh vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam. Người vùng cao thường làm món tiết canh cá từ loại cá trắm được nuôi thả tự nhiên trong ao hồ. Khi ăn, người dân nơi đây thường ăn kèm với lạc rang, rau húng, mùi tàu đặc biệt không thể thiếu chanh tươi và rượu ngô đặc sản. Món ăn này thường được chế biến trong các dịp lễ, Tết hoặc mỗi khi nhà có khách quý ghé chơi.

4. Thịt rắn nướng mía

Nói về đồ nướng, người Trung Quốc có vẻ rất tự hào vì mảng ẩm thực này ở nước họ cực kỳ đa dạng, phong phú. Tuy nhiên họ lại có phần “e dè” trước một món nướng của Việt Nam. Đó chính là món thịt rắn nướng mía.

4 món cực phẩm trên bàn tiệc của người Việt Nam, nhưng người Trung Quốc lại e dè không dám ăn, có đáng sợ như lời đồn? - Ảnh 6.

Món nướng độc lạ này được xem là đặc sản của một số tỉnh miền Tây Nam Bộ Việt Nam trong mùa nước nổi. Người ta bắt rắn nước, sau khi làm sạch rồi quấn phần thịt rắn bằng cây mía đã gọt vỏ, đem đi nướng than. Món ăn này phù hợp với tiêu chí “nhanh, gọn, lẹ” của người dân miệt vườn.

Thật ra, người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là một trong những vùng rất thích ăn thịt động vật hoang dã, rắn cũng là một trong số đó. Tuy nhiên thịt rắn đa phần được sơ chế thành từng lát mỏng, sau đó chế biến thành nhiều món khác nhau, chứ không hề có cách để thịt rắn dài gần như nguyên con rồi quấn quanh mía mang đi nướng, thậm chí nướng nguyên con lẫn da như người dân vùng rốn lũ miền Tây Việt Nam.

Nguồn: Sina