Bài viết "Made in Korea: Những phát minh đáng kinh ngạc" của Đại học Yonsei cho biết:

Vào cuối những năm 1990 thì "nhà phát minh" là nghề nghiệp gì đó rất đáng mơ ước của trẻ em Hàn Quốc. Khi đó, giới trẻ xứ củ sâm say mê tìm tòi tạo ra các phát minh mới để khẳng định bản thân, được thầy cô, bạn bè công nhận.

Tuy nhiên, dòng chảy của thời gian bước sang giai đoạn kinh tế bất ổn, người Hàn bớt chuộng nghề phát minh mà tập trung làm những việc đem lại cuộc sống ổn định, được xã hội coi trọng như bác sĩ, luật sư, công chức...

Dù không còn là nghề nghiệp nóng sốt như thuở nào, Hàn Quốc vẫn chọn ngày 14/5 là "Ngày Phát minh Hàn Quốc" để tôn vinh những con người dành nhiều tâm sức góp phần làm cuộc giản tiện hơn.

Dưới đây là những thứ chị em ta dùng hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết do Hàn Quốc phát minh:

Cà phê hỗn hợp (coffee mix)

Dù không phải nước xuất khẩu cà phê, người Hàn vẫn tự hào vì họ đã tạo ra cà phê hỗn hợp (coffee mix) - về cơ bản là cà phê hòa tan, được thêm hương liệu để tạo mùi vị độc đáo. Sở dĩ phải nói là cà phê hỗn hợp để tránh nhầm lẫn với cà phê đen hòa tan ra đời năm 1771 của người Anh.

Sản phẩm này lần đầu đến với thế giới vào năm 1976 bởi công ty thực phẩm Dong Suh. Thành phần bao gồm bột cà phê, bột kem béo và đường.

Về cơ bản, Hàn Quốc phải nhập khẩu cà phê nên uống một tách ngoài tiệm có giá khá đắt đỏ. Chính vì vậy, cà phê hỗn hợp là sản phẩm người Hàn ưa chuộng hơn vì giá thành rẻ.

4 món đồ "ngày nào cũng dùng" mà ít ai biết là do Hàn Quốc phát minh - Ảnh 1.

Ngoài vấn đề giá cả, văn hóa "Bbali-Bbali" (nhanh nữa, nhanh nữa!) của Hàn Quốc biến quốc gia này thành thị trường tiêu thụ cà phê hỗn hợp cực lớn, vì mọi người đều muốn làm mọi thứ nhanh nhất có thể.

Và quả thật, cà phê hỗn hợp hòa tan cũng trở thành nhu yếu phẩm quan trọng của học sinh, sinh viên và dân công sở Việt Nam.

Phấn nước trang điểm (cushion)

Nếu muốn tìm hiểu về thời trang, hãy đến Ý - còn về mỹ phẩm đại chúng, chắc chắn chị em nên đến Hàn Quốc.

4 món đồ "ngày nào cũng dùng" mà ít ai biết là do Hàn Quốc phát minh - Ảnh 2.

Phấn nước hay cushion, là thứ mà hầu như chị em phụ nữ nào cũng dùng và quê hương của nó chính là Hàn Quốc.

Trong quá khứ, phụ nữ Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc cứ phải đem đủ loại chai lọ mỹ phẩm, khiến việc trang điểm nhanh gọn ở nơi công cộng trở nên thật bất tiện.

Vào năm 2008, công ty mỹ phẩm AmorePacific của Hàn Quốc đã cho ra đời sản phẩm phấn nước đầu tiên với thương hiệu IOPE.

Về cơ bản, phấn nước là hỗn hợp kem nền, kem chống nắng, kem dưỡng... được chứa trong hộp có gương kèm mút trang điểm. Phát minh này đã giúp việc trang điểm trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết, có lẽ chị em phải thầm cảm ơn công ty đã tạo ra phấn nước!

Hộp đựng thức ăn với chốt 4 cạnh

4 món đồ "ngày nào cũng dùng" mà ít ai biết là do Hàn Quốc phát minh - Ảnh 3.

Trong ẩm thực Hàn Quốc, các món ăn phụ (banchan) có vai trò rất quan trọng trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, những món này thường có nhiều nước, dễ bị rò rỉ nếu bỏ trong hộp cơm thời xưa.

Nhằm khắc phục nhược điểm này và giúp đồ ăn được bảo quản lâu hơn, người Hàn đã tạo ra hộp nhựa PP có độ bền cao, chịu nhiệt tốt kèm nắp có chốt 4 cạnh. Dù di chuyển xa như thế nào, hộp đựng thức ăn kiểu này cũng không bị tung nắp.

Lock & Lock, thương hiệu quen thuộc với các bà nội trợ Việt Nam chính là công ty đầu tiên phát triển loại hộp này.

Máy nghe nhạc MP3

Vào đầu những năm 2000, giới trẻ Việt Nam đã phát sốt vì những chiếc MP3 nhỏ gọn, không cần băng đĩa lỉnh kỉnh vẫn chứa được hàng chục, hàng trăm bài hát.

4 món đồ "ngày nào cũng dùng" mà ít ai biết là do Hàn Quốc phát minh - Ảnh 4.

Ít ai biết rằng, thiết bị điện tử bé nhỏ gây sốt toàn cầu mới chỉ... 21 năm tuổi.

Dù định dạng file nhạc MP3 được phát minh bởi Karlheinz Brandenburg vào năm 1988, máy nghe nhạc MP3 đầu tiên trên thế giới (MPMan) lại được sản xuất bởi công ty SaeHan Information Systems của Hàn Quốc vào năm 1997.

Vào thời điểm đó, MPMan bị nghi ngờ về khả năng tồn tại trên thị trường vì băng từ vẫn còn rất phổ biến. Thế nhưng, kích thước nhỏ gọn cũng như bộ nhớ khủng so với băng đĩa của MPMan đã thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp âm nhạc và cách giải trí của con người.

Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính cũng như xung đột về quyền sở hữu bằng sáng chế giữa Saehan Information System và Digital Caster (cũng là công ty Hàn Quốc) mà cuối cùng, Mỹ lại có trong tay bằng sáng chế máy nghe nhạc MP3.

Đến năm 2010, công ty Iriver của Hàn Quốc đã mua lại bằng sáng chế và một lần nữa khẳng định đây là phát minh của người xứ củ sâm.

Theo Yonsei.Kr