Đó là lời cảnh báo của Tiến sĩ Tang Hua thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền Yizheng (Giang Tô, Trung Quốc). Ông cho biết, trong hơn 10 năm công tác lâm sàng của mình tại bệnh viện, ông đã gặp rất nhiều trường hợp nhiều thành viên trong cùng một gia đình cùng bị u tuyến giáp, đặc biệt là u ác tính - tức là ung thư tuyến giáp.
“Bệnh ung thư tuyến giáp được xếp vào một trong những bệnh ung thư mang tính tính gia đình. Bởi vì tuy không lây truyền nhưng bệnh này có thể di truyền. Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp bị ảnh hưởng rất lớn bởi lối sống. Trong khi đó những thành viên trong cùng gia đình thì thường có lối sống, sinh hoạt, nhất là ăn uống giống nhau”- Tiến sĩ Tang nói thêm.
Nhiều thành viên trong cùng gia đình có thể cùng mắc bệnh tuyến giáp vì có tính di truyền và lối sống tương tự nhau (Ảnh minh họa)
Dẫn chứng cho điều này, ông đề cập tới trường hợp 4 người trong một nhà cùng phát hiện mắc ung thư tuyến giáp gây xôn xao dư luận Trung Quốc gần đây. Đó là gia đình bà Zhang sống tại Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc).
Ngoài 40 tuổi, bà Zhang vốn rất tự hào vì có ngoại hình trẻ trung, rất ít khi đau ốm nặng, chỉ thỉnh thoảng cảm vặt hoặc ho. Bà có nghề nghiệp là giáo viên thanh nhạc, vào khoảng cuối tháng 10 năm ngoái đột nhiên bị khàn giọng dai dẳng, đêm về khó thở, sụt cân. Khi tới Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc), bà vẫn đinh ninh rằng mình chỉ bị cảm lạnh hay viêm họng, thế nhưng lại phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn 3.
Ngay sau khi điều tra bệnh sử, bác sĩ phát hiện chị gái của bà Zhang từng điều trị ung thư tuyến giáp gần đó. Tuy nhiên, do phát hiện sớm nên đã phẫu thuật triệt để, không để lại di chứng gì. Cũng vì thế mà bà Zhang đã chủ quan với tính di truyền của căn bệnh đáng sợ này. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ, đại gia đình nhà bà Zhang tiến hành tầm soát ung thư và phát hiện hai người con của bà cũng mắc ung thư tuyến giáp.
Đáng tiếc nhất là cậu con trai 16 tuổi tên Xiao Wang của bà Zhang, khi phát hiện bệnh tế bào ung thư đã di căn xa. Cuối cùng, cậu phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp hai bên và bóc tách hạch cũng như dùng thuốc suốt đời. Sau đó, bà Zhang cũng được phẫu thuật cắt bỏ ung thư tuyến giáp thể nhú tại chính bệnh viện này. Mặc dù phẫu thuật thành công, cả gia đình không ai mất mạng vì ung thư tuyến giáp nhưng bà Zhang cho biết cả đời mình sẽ luôn hối hận vì đã chủ quan với căn bệnh này.
4 nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp
Theo Tiến sĩ Tang Hua, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành mục tiêu của bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, có 4 kiểu người nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất, cần hết sức cẩn trọng sau đây:
Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp
Một lần nữa, Tiến sĩ Tang nhắc nhở rằng ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh ung thư có tính di truyền cao. Bởi vì nó là tổn thương liên quan đến bất thường tế bào. Đương nhiên, cũng có những trường hợp nhiều người trong cùng gia đình mắc bệnh này do tình cờ hoặc chung lối sống. Nhưng nếu một người trong gia đình bạn bị ung thư tuyến giáp, thậm chí có đến 2 - 3 người mắc cùng một loại ung thư thì bạn nên lập tức nghi ngờ đến xu hướng ung thư di truyền, hãy đi kiểm tra bằng xét nghiệm.
Người ăn uống không khoa học
“Những người ăn uống thất thường, ăn quá nhiều chất béo, chất đạm, đồ ăn chế biến sẵn dễ tiến triển bệnh tuyến giáp. Đặc biệt, việc ăn thiếu hay thừa i-ốt cũng làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Việc bổ sung i-ốt không hợp lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bài tiết hormone tuyến giáp”- Tiến sĩ Tang nói.
Ăn quá nhiều hay quá ít i-ốt đều không tốt cho sức khỏe, nhất là tuyến giáp (Ảnh minh họa)
Người có bất thường về nội tiết tố, tiếp xúc với phóng xạ
Tiến sĩ Tang giải thích: “Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn đáng kể so với nam giới, nguyên nhân có liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao. Những người có rối loạn về nội tiết tố dù do bất cứ nguyên nhân nào, ở giới tính nào cũng sẽ dễ hình thành u tuyến giáp hơn”.
Các loại thuốc nội tiết tố, thường là thuốc ăn kiêng và một số loại thuốc làm đẹp có tác dụng thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể, trong quá trình đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp hormone của chính tuyến giáp. Sau một thời gian dài sẽ phá hủy sự cân bằng hormone tuyến giáp, từ đó gây ra các bệnh về tuyến giáp, bao gồm cả ung thư.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc với các tia phóng xạ trong một thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi bình thường của các tế bào tuyến giáp, đồng thời kích thích những hormone bất thường ở tuyến giáp và cuối cùng dẫn đến ung thư.
Người hay thức khuya, thường xuyên chịu nhiều áp lực
Lối sống kém là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng xấu tới tuyến giáp. Vì vậy, những người thường xuyên thức khuya, căng thẳng kéo dài cũng nằm trong nhóm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao nhất.
Những người hay chịu áp lực trong cuộc sống, thức khuya nhiều thì hệ miễn dịch tương đối yếu, khả năng mắc bệnh tuyến giáp sẽ tăng cao. Đáng nói, thức khuya ảnh hưởng lớn đến nội tiết. Bản thân tuyến giáp là một tuyến nội tiết, một khi bị rối loạn sẽ trực tiếp làm tăng áp lực lên chính tuyến giáp. Dẫn đến các triệu chứng như suy giáp, không được cải thiện kịp thời sẽ dẫn đến ung thư tuyến giáp.
Thức khuya, thiếu ngủ, tâm trạng thất thường cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp (Ảnh minh họa)
“Những người có tâm trạng thất thường cũng dễ mắc bệnh về tuyến giáp, bao gồm cả ung thư. Bởi khi có cảm xúc tiêu cực cơ thể có xu hướng tiết ra nhiều hormone hơn. Tất nhiên, nếu như có các bệnh về tuyến giáp mà chủ quan, không điều trị tích cực thì cũng rất dễ diễn tiến thành ung thư. Nhất là các bệnh tuyến giáp mãn tính, chẳng hạn như viêm tuyến giáp Hashimoto, suy giáp…” - Tiến sĩ Tang nhắc nhở thêm.
Nguồn: QQ, Health GVM, Sohu