4 người trong gia đình cấp cứu trong đêm do ngộ độc canh cua
Sau bữa tối 3 giờ đồng hồ, 4 người trong gia đình anh L.N (39 tuổi, Hà Nội, tên bệnh nhân đã được thay đổi) lần lượt vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu ngay trong đêm 12/6 do xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc canh cua.
Anh N. chia sẻ, gia đình có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món nhưng riêng anh chỉ ăn canh cua. Sau khi ăn, cả gia đình bị đau bụng dữ dội kèm các triệu chứng khác, bao gồm cả buồn nôn và nôn. Vợ anh có biểu hiện sốt và rét run.
Ths.BS Hà Thùy Trang (Khoa Tiêu hóa) cho biết, tại thời điểm nhập viện, triệu chứng đau bụng của người bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngay khi tiếp nhận các trường hợp trên với nhiều triệu chứng tương đối điển hình của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, siêu âm ổ bụng đánh giá kết hợp điều trị bù dịch và điện giải kịp thời, sử dụng kháng sinh đường ruột cho người bệnh.
Sau 3 ngày điều trị, 4 người trong gia đình anh N. đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.
Ths.BS Thùy Trang lưu ý, canh cua là món ăn bổ dưỡng, thanh mát được nhiều người ưa thích trong mùa hè nhưng cũng dễ gây ngộ độc nếu không đảm bảo độ tươi, cách chế biến và bảo quản hợp vệ sinh. Cua có nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có axit amin histidine. Hoạt chất này có thể biến thành chất độc histamine khi cua bị chết khiến người ăn dễ bị đau bụng, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và nôn. Canh cua giàu chất đạm, có vị tanh nên dễ bị các vi khuẩn có hại xâm nhập. Việc bảo quản và nấu lại canh cua khiến thịt cua bị biến chất, gây độc.
Thạc sĩ Hà Thùy Trang đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh BVCC
Ăn canh cua chưa được nấu chín có thể khiến ký sinh trùng như sán lá phổi bám trên cua gây triệu chứng đau bụng, tiêu chảy… Các trường hợp nặng, ký sinh trùng lan sang phổi gây các triệu chứng như ho, đau tức ngực, khó thở, sốt, nổi mề đay; Khi cư trú ở gan có thể gây áp xe hoặc gây ra các cơn động kinh khi cư trú ở não.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi thời tiết nắng nóng
Theo Ths.BS Thùy Trang, thời tiết nắng nóng kết hợp việc chế biến, bảo quản thực phẩm không hợp lý khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn, virus hay nấm mốc có thể lây nhiễm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản khiến người ăn vào dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến các biến chứng hay gặp như mất nước và rối loạn điện giải, trường hợp nặng có thể dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Với những gia đình thường xuyên đặt đồ nấu sẵn cần lựa chọn cơ sở uy tín có quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách, đảm bảo an toàn vệ sinh.
BS Thùy Trang lưu ý, người mới bị ngộ độc thực phẩm thường có sức đề kháng yếu, hệ vi sinh vật đường ruột bị ảnh hưởng. Do đó mọi người cần chú ý chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, bổ sung lợi khuẩn và cần ăn chín, uống sôi, ăn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh để tránh bị ngộ độc.
Thạc sĩ Thùy Trang khuyên, mọi người sau khi ăn nếu xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn liên tục, đại tiện nhiều lần, xuất hiện dấu hiệu mất nước như da khô, khát nước nhiều, tiểu số lượng ít… cần nhập viện thăm khám. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây rối loạn điện giải, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh không tự ý uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc cầm đại tiện, thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.