Trẻ sơ sinh tuy chưa biết nói nhưng có thể biểu hiện những điều khó chịu thông qua các cử chỉ. Khi trẻ dụi mắt, thông thường người mẹ sẽ nghĩ con mình buồn ngủ. Thế nhưng, nếu điều này lặp lại trong thời gian dài và có những dấu hiệu bất thường khác, người mẹ nên chú ý vì có thể trẻ đang có những nguy cơ này.

4 nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ dụi mắt quá nhiều

1. Tắc ống dẫn lệ

Có một số trẻ thích nắm tay, dụi mắt khi mới chào đời. Nếu cha mẹ để ý kỹ sẽ thấy trẻ thường có tiết dịch vàng ở khóe mắt, có khi chảy nước mắt nhưng không khóc. Điều này có thể là do ống dẫn tuyến lệ bị tắc. Vấn đề này không quá nghiêm trọng, hầu hết sẽ tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi, cha mẹ không cần quá lo lắng. Trong trường hợp nếu triệu chứng này không cải thiện sau 1 tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Đừng nghĩ trẻ ngáp và dụi mắt là buồn ngủ: Nó còn liên quan tới 4 vấn đề nguy hiểm này - Ảnh 1.

2. Lông mi dưới dài, gây khó chịu cho mắt

Thông thường, lông mi của con người sẽ dài và hướng ra phía ngoài. Nhưng vì do trẻ có nhiều mỡ ở mi dưới nên lông mi không thể hướng ra ngoài mà cong vào trong. Ngoài ra, có một số em bé bẩm sinh đã có lông mi dày, điều này có thể dẫn tới tình trạng kích ứng nhãn cầu, gây ngứa và chảy nước mắt.

Khi trẻ lớn dần, mỡ ở mi dưới sẽ mỏng dần, lông mi cong lên, triệu chứng dụi mắt sẽ được cải thiện. Nếu người mẹ sợ con mình khó chịu, có thể rửa tay rồi dùng ngón tay ấn vào mi dưới của bé để lông mi nhô ra phía ngoài, trẻ có thể bớt khó chịu hơn.

Đừng nghĩ trẻ ngáp và dụi mắt là buồn ngủ: Nó còn liên quan tới 4 vấn đề nguy hiểm này - Ảnh 2.

3. Ngứa mắt do dị ứng

Việc dị ứng dẫn tới ngứa mắt sẽ khiến trẻ thường xuyên chớp mắt hoặc dụi mắt. Khi thấy vùng da quanh mắt của trẻ nổi mẩn đỏ, có thể đó là dấu hiệu của bệnh chàm hoặc ngứa mắt do dị ứng.

Phần lớn nguyên nhân dị ứng ở trẻ là do thức ăn, cha mẹ nhớ lại xem gần đây trẻ có ăn loại thực phẩm nào dễ gây dị ứng không, chẳng hạn như tôm, cua, cá, các loại hạt… Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cũng nên nghĩ xem mình đã ăn thứ gì có thể gây dị ứng.

Ngoài dị ứng do thức ăn, dị ứng phấn hoa cũng gây khó chịu cho trẻ. Lông và bụi của thú cưng cũng có thể là nguyên nhân. Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ và để trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng.

4. Viêm kết mạc

Khi trẻ dụi mắt, điều cần lưu ý nhất là viêm kết mạc. Đặc biệt là vào mùa xuân, trẻ rất dễ mắc phải căn bệnh này. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện, nó sẽ khiến tình trạng viêm kết mạc nặng thêm, ảnh hưởng tới thị lực của trẻ sau này.

Đừng nghĩ trẻ dụi mắt là buồn ngủ: Nó còn liên quan tới 4 vấn đề nguy hiểm này - Ảnh 3.

Muốn biết trẻ có bị viêm kết mạc hay không, cha mẹ nên quan sát lòng trắng mắt con mình có đỏ không? Nếu lòng trắng mắt có màu hồng hoặc đỏ, dính dịch tiết, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.

Hầu hết viêm kết mạc do virus gây ra, nó sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu đó do vi khuẩn gây ra, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc các phương pháp khác.

Cha mẹ cũng nên vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên. Trước khi vệ sinh, cha mẹ cũng cần phải rửa tay sạch sẽ, chú ý tới cách thức và phương pháp làm.

4 nguy cơ này không phải cha mẹ nào cũng chú ý tới. Khi thấy con mình thường xuyên dụi mắt, họ sẽ nghĩ tới việc con buồn ngủ và cố gắng ru ngủ, nhưng điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và cáu gắt hơn. Việc tìm ra nguyên nhân thực sự khiến trẻ khó chịu ở mắt rất quan trọng.

https://afamily.vn/4-nguy-co-tiem-an-khi-tre-dui-mat-qua-nhieu-cha-me-dung-nghi-con-buon-ngu-cham-chua-tri-co-the-gay-mu-loa-2022071616262143.chn