Thận nắm giữ nhiều vai trò quan trong từ lọc máu, loại bỏ chất thải qua nước tiểu, sản xuất hormone cho tới cân bằng khoáng chất và duy trì sự cân bằng chất khác trong cơ thể. Với nam giới, thận còn bảo đảm chức năng sinh lý bằng cách sản xuất ra một số hormone, duy trì lượng máu tới cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, cơ quan này thường ít được chú trọng trong chăm sóc sức khỏe hàng ngày, dễ bị tổn thương bởi những thói quen nhỏ nhặt.

Hầu hết mọi người khi nhắc tới thói quen hại thận thường nghĩ ngay đến lười uống nước hay nhịn tiểu. Tuy nhiên thực tế chỉ ra còn có nhiều thói quen âm thầm gặm nhấm, làm tổn thương thận chẳng kém nhưng ít ai ngờ tới như:

1. Thức khuya thường xuyên

Cơ thể có đồng hồ sinh học và ban đêm là thời gian tốt nhất để thận được nghỉ ngơi, điều chỉnh cũng như tự sửa chữa. Nếu không nghỉ ngơi vào thời gian này mà lại thức khuya vì công việc hoặc giải trí thì thận sẽ phải làm việc quá sức, giảm khả năng tự sửa chữa. Lặp lại thói quen xấu này lâu ngày sẽ khiến thận bị tổn thương, chức năng bị suy giảm và mắc bệnh.

4 thói quen “gặm nhấm” thận nhanh chẳng kém gì nhịn tiểu hay lười uống nước nhưng nam giới rất dễ mắc - Ảnh 1.

Thức khuya kéo dài "tàn phá" thận chẳng kém gì nhịn tiểu hay lười uống nước (Ảnh minh họa)

 Thức khuya còn làm cho hệ nội tiết và hệ miễn dịch mất cân bằng. Từ đó gây rối loạn môi trường bên trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả thận. Thói xấu này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ mắc bệnh thận tăng lên.

2. Lười vận động, ngồi lâu một chỗ

Ít người biết rằng lười vận động lâu ngày có thể khiến thận tổn thương và mắc bệnh. Do nó không có lợi cho quá trình lưu thông máu, tăng nguy cơ tăng cân, tích tụ rác thải, natri và độc tố trong máu nên sẽ tạo gánh nặng cho thận.

Đặc biệt, nếu bạn ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài thì thận sẽ càng “khổ sở”. Bởi ngoài việc làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, cột sống hoặc lưu thông máu kém thói quen này gây nên tình trạng bài tiết của thận bị suy giảm do lượng máu đến thận ít hơn. Hoặc ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu dễ gây nên viêm thận ngược dòng (ứ mủ, ứ nước bể thận) làm tổn thương cầu thận gây suy thận.

3. Ăn thừa muối

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới các bệnh về thận. Bởi vì thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến thận bị quá tải, suy giảm chức năng thận, khiến thận bị tổn thương và dễ mắc bệnh tật.

Chưa kể, ăn quá nhiều muối cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp. Từ đó tác động xấu đến hoạt động và sức khỏe của thận. Ví dụ như huyết áp cao thường xuyên dễ đến suy thận, ngược lại bệnh suy thận làm chức năng chuyển hóa natri kém đi, làm trầm trọng thêm bệnh huyết áp. Nên hãy học cách kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể. WHO khuyến nghị mức tiêu thụ muối trung bình của 1 người trưởng thành cần ở mức dưới 5g một ngày.

4. Uống nhiều rượu bia

Nhiều người cho rằng uống nhiều rượu bia chỉ gây hại cho gan, dạ dày mà không biết nó cũng rất hại thận. Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn ở những người uống vừa uống nhiều rượu bia vừa hút thuốc.

4 thói quen “gặm nhấm” thận nhanh chẳng kém gì nhịn tiểu hay lười uống nước nhưng nam giới rất dễ mắc - Ảnh 3.

Uống nhiều rượu bia gây hại cho gan, dạ dày, thận và nhiều cơ quan khác trong cơ thể (Ảnh minh họa)

 Lý do là khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu bia, khoảng 5 ly trở lên cùng lúc, có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận cấp tính. Tình trạng nghiêm trọng này xảy ra khi chất độc từ rượu bia tích tụ trong máu quá nhanh khiến thận không thể duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp. Dù có thể hồi phục sau khi điều trị, tổn thương thận cấp tính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến dẫn tới bệnh thận mạn tính.

Nguồn và ảnh: Sohu, Good Morning Health