Do có chứa nhiều glycoside đắng và nguyên tố đắng nên mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) có vị đắng đặc trưng, điều này cũng khiến nhiều người phải nhăn mặt khi ăn nó. Tuy nhiên, cũng chính nhờ những dinh dưỡng này, mướp đắng lại mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Chẳng hạn như kiểm soát đường huyết, mỡ máu và cholesterol trong cơ thể; cải thiện chức năng tiêu hóa; chống viêm và giải độc...
Dù vậy, không phải loại thực phẩm nào có vị đắng cũng có tác dụng tích cực như mướp đắng. Dưới đây là 4 loại quả, hạt như thế, thậm chí ăn với lượng lớn còn có thể gây ngộ độc cho cơ thể.
1. Hạt hạnh nhân bị đắng
Độc tính của hạnh nhân đắng chủ yếu đến từ việc giải phóng axit hydrocyanic có độc tính cao sau khi thủy phân amygdalin, nếu ăn với số lượng lớn (hơn 10 hạt một lần) có thể dẫn đến ngộ độc và tử vong.
Tuy nhiên, nấu hạnh nhân đắng ở nhiệt độ cao có thể loại bỏ 90% chất độc.
Vì vậy, làm thế nào để bạn biết sự khác biệt giữa hạnh nhân đắng và ngọt?
Về kích thước, hạnh nhân ngọt lớn hơn và có vỏ hạt dày hơn hạnh nhân đắng; về hình dáng, hạnh nhân đắng có hình dạng giống hình trái tim hơn hạnh nhân ngọt.
Ngoài ra, khi ăn hạt dưa và các loại hạt khác, nếu ăn phải hạt đắng thì nên nhổ ra ngay. Vị đắng có nghĩa là nấm mốc, có thể tạo ra aflatoxin gây ung thư.
2. Quả mướp bị đắng
Quả mướp thông thường không độc, nhưng nếu mướp có vị đắng thì có thể là do nó chứa alkaloid kiềm glycoside có độc tính cao, khó bị phân hủy và hòa tan ở nhiệt độ cao. Sau khi ăn vào có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
Chẳng hạn như khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, hôn mê và các trường hợp nghiêm trọng là nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, mất nước, có mủ và máu trong phân, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
3. Quả bầu, bí bị đắng
Bầu, bí là thực phẩm tốt trong trường hợp thông thường, nhưng trong một số điều kiện sinh trưởng đặc biệt nhất định, chúng sẽ phát triển thành bầu có vị đắng và tiết ra chất độc gọi là cucurbitacin.
Cucurbitacin là chất có độc tính cao, khi vào cơ thể con người sẽ gây độc tế bào mạnh, gây ra nhiều triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận, rụng tóc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Loại chất độc trong bầu, bí này cũng khó phân hủy trong điều kiện nhiệt độ cao nên nếu thấy những quả bầu có vị đắng thì hãy nhanh chóng vứt đi, đừng nghĩ rằng nấu chín sẽ không bị ngộ độc!
4. Khoai tây bị đắng
Khoai tây có chứa một lượng nhỏ chất độc là solanine, thông thường chúng ta có thể ăn nó một cách an toàn. Nhưng hàm lượng solanine trong khoai tây sẽ tăng cao khi chúng nảy mầm và chuyển sang màu xanh.
Khi đó, khoai tây ăn có vị tê và đắng, nếu bạn tiếp tục tiêu thụ một lượng lớn, nó có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và thậm chí khó thở.
Nguồn và ảnh: Eat This, Healthline