Dễ dàng để nhận ra điểm đến được lựa chọn nhiều nhất trong mùa đông này đó chính là Sapa. Không chỉ có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan nổi danh, Sapa còn hấp dẫn với cái rét sương khói, lặng lẽ của một thị trấn nhỏ nằm trên độ cao 1.600m so với mặt nước biển. Mọi du khách đến đây đều mang trong mình câu hỏi "liệu lần này tuyết có rơi?".
Cũng với tình yêu với cái mùa đông ấy cùng với tâm hồn nhạy cảm với ăn uống, tôi không ngần ngại bắt chuyến tàu đêm lên đón đợt lạnh đầu tiên sau bao ngày chờ đợi. Chuyến đi này, tôi cho phép mình tự do trải nghiệm ẩm thực Sapa. Một chút ngẫu hứng phát hiện ra 4 thứ hay ho.
Đồ nướng
Có lẽ đồ nướng là món ăn phổ biến nhất đối với bất cứ du khách nào khi đến thăm Sapa. Đồ nướng ở đây hầu hết được phục vụ bằng xiên que, được nướng trên than nóng ngay khi khách gọi. Các quán ăn ở thị trấn cho chúng ta rất nhiều lựa chọn từ thịt bò, thịt lợn hoặc thịt gà bản được ăn kèm cùng rau cải mèo hoặc nấm kim châm. Ngoài ra, có những ngoại đồ ăn sẵn như xúc xích, lạp xưởng, cơm lam cũng được nướng chung khiến cho bữa ăn của chúng ta thêm phần đa dạng.
Cũng giống như đồ nướng ở nhiều tỉnh miền núi Bắc Bộ, đồ nướng Sapa chịu ảnh hưởng phần nào từ phong cách đồ nướng Trung Quốc từ cách ướp hương liệu, cách dùng dầu hào để làm gia vị và sốt nướng. Tuy nhiên theo cảm nhận với khẩu vị của một khách hàng miền xuôi như tôi, các loại đồ nướng có hương vị không thực sự đặc biệt nhưng khá dễ ăn và có giá thành tương đối hợp lý chỉ từ 15 - 20k cho một xiên đồ ăn đầy đặn. Các quán nướng có hương vị và cách chế biến tương tự nhau và được mở dọc các phố chính như Fansipan, Cầu Mây hay đường lên đèo Ô Quý Hồ.
Đồ nướng ở đâu cũng có, chưa kể chất lượng còn thượng thừa hơn rất nhiều, nhưng khi đặt vào không gian của thị trấn Sapa, sau một chuyến xe dài, vượt qua con đèo khúc khuỷu, bạn sẽ hiểu tại sao những xiên nướng thơm lừng ngoài kia được yêu thích tới vậy.
Hạt dẻ nóng
Bạn thử tưởng tượng xem, trong cái sương khói mơ màng đang luồn những hơi lạnh bất chấp vào tầng tầng, lớp lớp áo ấm của bạn, có một gói hạt dẻ nóng mới rang thật sự hợp cảnh làm sao.
Ngày trước, những người dân ở Sapa phải rang hạt dẻ bằng những chảo gang lớn cùng sỏi và được đảo bằng tay. Ngày nay những máy rang được sản xuất ra nhằm tiết kiệm sức lao động và cũng đảm bảo vệ sinh cũng như chất lượng của hạt dẻ hơn rất nhiều.
Chỉ với một thúng nhỏ đầy những hạt tròn căng mẩy, nâu óng màu cánh gián được ủ trong chiếc chăn dạ cũ mèm cũng đủ làm ấm cả một góc trời đêm Sapa. Một điểm thú vị là giá thành các sản phẩm tại thị trấn luôn được bán tương đồng giữa các hàng quán. Một kilogram hạt dẻ ở đây được bán với giá 100k đối với loại hạt lớn, rang sẵn, và 50k/kg đối với hạt dẻ chưa rang. Ngoài ra ở các cửa hàng còn bán các đặc sản khác của Sapa như nấm, tam thất rừng và các loại hạt khô rang sẵn.
Ngồi ở một quán cafe xinh
Khẳng định luôn là Sa Pa không thiếu những quán cafe xinh để tìm một chỗ ấm cúng thư giãn cho chính mình. The Hill Station là một trong số quán như thế. Đây là hệ thống quán café – nhà hàng theo đuổi phong cách phục vụ kết hợp văn hóa Á - Âu đầu tiên tại thị trấn từ những năm 2011 với các loại đồ ăn nhanh, café được pha bằng máy như những tiệm café chúng ta hay gặp ở các thành phố lớn. Điều đặc biệt hơn cả, toàn bộ nhân viên phục vụ là các thanh niên người bản địa với khả năng nói tiếng Anh gây bất ngờ cho người đối diện.
Tiệm nhỏ 2 tầng được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào H'mong với tường đá ong và những trụ gỗ lớn với tông màu nâu trầm cùng cửa sổ lớn đối lập với mùa đông lạnh lẽo bên ngoài khiến cho bất cứ vị khách nào ghé ngang qua đây đều thấy mình như đang bước vào khung cảnh một bộ phim đã từng xem trước đây.
Một ly chocolate nóng và một vài ly bia tươi ủ thủ công tràn ngập tràn hương vị đặc trưng sẽ là lựa chọn không tồi cho một buổi tối hẹn hò nơi vùng cao. Tôi còn được các em phục vụ giới thiệu một nhà hàng khác thuộc hệ thống, nơi phục vụ cũng như có những lớp học hướng dẫn những món ăn độc đáo và đặc trưng của vùng núi phía Bắc. Bên cạnh đồ uống ngon, không gian ấm áp thư thái với những bản nhạc chill-out thư giãn đặc quánh chất Âu cũng khiến tôi vô cùng dễ chịu và ấn tượng.
Cồn sủi, sủi cảo, mỳ vằn thắn
Một trải nghiệm cuối cùng tôi muốn giới thiệu cho những du khách chuẩn bị đến với Sapa là một trải nghiệm đến từ ẩm thực vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Quán ông Há (591 Điện Biên Phủ) nằm trên con phố Điện Biên Phủ là nơi tập kết của hầu hết các nhà xe giường nằm tuyến Sapa – Hà Nội.
Cồn sủi là một loại phở dùng với thịt xá xíu thái sợi nhỏ. Điều khác biệt của món ăn này chính là thứ nước dùng sệt, được chế biến từ xương lợn ninh cùng các loại rau củ và được phục vụ nóng. Đây là một hương vị khác biệt hoàn toàn với những hương vị chúng ta từng được biết về phở.
Bên cạnh cồn sủi, sủi cảo và mì vằn thắn cũng là những điểm sáng không hề kém cạnh. Theo quan sát, vỏ bánh và mì được chủ quán sản xuất trực tiếp tại cửa hàng bằng máy cán bột tươi từ trứng và bột mỳ đa dụng.
Cách chế biến đồ ăn chịu ảnh hưởng từ ẩm thực Trung Hoa, vậy nên hương vị đem lại khá khác biệt. Theo đánh giá cá nhân, sợi mì cũng như vỏ sủi cảo có độ mềm dai và tươi mới nổi bật. Há cảo ở đây chỉ có một loại duy nhất có nhân thịt nạc cùng với hẹ tươi – một loại nhân truyền thống trong món sủi cảo. Theo chia sẻ của chủ quán, quán Ông Há tại Sapa là chi nhánh thứ 2 của quán, sau hơn chục năm kinh doanh tại thành phố Lào Cai, chú quyết định mở rộng vì càng ngày càng nhiều người biết tới Sapa.
Dù chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng với những nét đẹp tiềm ẩn bên trong mình, không quá khó hiểu khi tình yêu của người miền Bắc dành cho Sapa không hề kém cạnh cách cách người Sài Gòn dành cho Đà Lạt. Bên cạnh cảnh vật con người, chính những quán xá ven đường kết hợp với cái lạnh thấu xương nổi tiếng đã để lại không ít tiếc nuối cho du khách mối khi phải rời xa nơi này. Còn bạn, mùa đông này bạn đã lên Sapa chưa?