Thi chuyển cấp, thi vào Đại học đều là những kỳ thi lớn, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời trẻ. Lúc này, trẻ thường cảm thấy lo lắng, hoang mang, sợ không đạt được kỳ vọng.
Trước tâm lý đó của con, cha mẹ không nên tạo áp lực. Thay vào đó, hãy áp dụng những cách sau để con cảm thấy luôn có cha mẹ đồng hành. Nhờ đó, trẻ sẽ tăng cơ hội đạt điểm cao.
1. Không nên phàn nàn và tạo môi trường ấm áp
Trước kỳ thi quan trọng của con, nhiều cha mẹ cũng rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng không kém. Điều này khiến họ vô tình buông những lời phàn nàn, chẳng hạn như: "Cha/mẹ thấy con dành thời gian học tập rất ít", "Con chỉ có mỗi việc học tập để đạt kết quả tốt thôi đấy, vậy mà không làm được thì liệu hồn",… Những lời phàn nàn không mang lại hiệu quả động viên, chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Hơn thế, những lời nói này còn làm mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái xấu đi.
Trong giai đoạn nước rút, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là giúp con thoải mái tinh thần, tránh bị áp lực. Cha mẹ có thể trò chuyện để hiểu con nhiều hơn, luôn lắng nghe những nguyện vọng của con. Nếu thấy con bị mệt mỏi, căng thẳng, hãy giúp con giải tỏa tâm lý bằng nhiều cách như: Đưa con đi chơi, nấu những món ăn ngon, cùng con đi tập thể dục. Như vậy, trẻ sẽ được truyền thêm động lực, cảm thấy ấm áp khi được cha mẹ quan tâm.
2. Không nên so sánh con với các bạn khác
Nhiều cha mẹ thường có thói quen so sánh con mình với những người khác, nhất là khi con chuẩn bị bước vào kỳ thi cam go. Họ có thể dùng nhiều câu nói để "đánh động": "Con nhà cô A cũng đỗ trường đó đấy", "Con phải đạt điểm cao, trúng tuyển như chị B nhé", "Con không được để điểm số thấp hơn bạn C",… Cha mẹ cho rằng bằng sự so sánh, trẻ sẽ càng quyết tâm học tập để đạt được ước nguyện.
Tuy nhiên, cách làm này có thể phản tác dụng. Việc cha mẹ so sánh con với người khác không giúp trẻ tiến bộ mà chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực, rầu rĩ. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ hình thành khái niệm không đúng về các cuộc thi và có thể cạnh tranh không công bằng để bằng mọi giá đạt thứ hạng cao.
Vì vậy, cha mẹ không nên so sánh con với người khác, nhất là trước khi kỳ thi diễn ra. Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh riêng. Việc cha mẹ nên làm khuyến khích, động viên giúp con thoải mái tinh thần.
3. Cùng con lên thời gian biểu hợp lý
Trong khoảng thời gian con chuẩn bị bước vào kỳ thi, trẻ thường rất lo lắng và có xu hướng muốn học thật nhiều để "nhồi nhét" kiến thức. Chính vì lý do này nên thời gian nghỉ ngơi, giải trí của trẻ bị ảnh hưởng. Thế nên, cha mẹ nên tâm sự với con mình, cùng con sắp xếp thời gian sao cho cân bằng giữa giờ học và giờ nghỉ. Hãy nhẹ nhàng góp ý và khuyên bảo, cũng như xây dựng cùng con thời gian biểu để việc học trở nên khoa học.
Điều quan trọng là trẻ cảm thấy hài lòng về thời gian biểu ấy, tránh trường hợp bị ép buộc phải làm theo ý phụ huynh. Vì nếu trẻ bị áp đặt giờ học sẽ dẫn đến chán học, uể oải, khiến kết quả kỳ thi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi xây dựng thời gian biểu, cha mẹ cần quan tâm và theo sát kế hoạch học tập để giúp con đạt thành tích tốt.
4. Đừng quá chú trọng đến điểm số
Không ít phụ huynh khi thấy con bị điểm kém liền nặng lời trách mắng. Cũng không ít phụ huynh đưa ra lời dọa dành cho con trước kỳ thi: "Bị điểm kém thì cứ liệu hồn đấy", "Điểm số không nằm trong top 3 thì đừng về nhà nữa",… Việc cha mẹ quá chú trọng vào thành tích, vào điểm số chỉ khiến con cảm thấy căng thẳng. Như vậy, trẻ sẽ dễ mắc lỗi sai khi làm bài.
Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực cho con. Chỉ cần con nỗ lực hết sức thì điểm số dù thấp cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Điểm số, thành tích không quan trọng bằng sự cố gắng phi thường của con. Vì thế, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, nói cho con hiểu rằng điểm số không phải là điều quyết định tất cả. Điều này sẽ giúp trẻ duy trì được tâm trạng thoải mái, tích cực. Từ đó, trẻ sẽ hoàn thành bài kiểm tra một cách tốt nhất.