Toán học vốn là bộ môn vô cùng thú vị và cần nhiều chất xám. Không chỉ có những số khô khan, Toán còn chứa vô vàn những câu hỏi tư duy logic, đòi hỏi người học cần phải có IQ cao, cộng thêm khả năng quan sát, liên tưởng chặt chẽ mới có thể giải được. Bởi nhiều khi các câu đố Toán học đưa ra những dữ liệu "bẫy" và chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ mới đưa ra được đáp án đúng.
Theo đó từng có nhiều bài toán khiến cả phụ huynh và giáo viên tranh cãi nảy lửa như sau:
1. Bài toán 11 - 4 = 7
Cô giáo tên Trương ở Trung Quốc đã khiến một phụ huynh vô cùng bức xúc. Cụ thể, bà mẹ này cho rằng cô giáo đã chấm ẩu và gạch nhầm đáp án đúng trong bài kiểm tra Toán của con mình. Theo đó, đề kiểm tra có một câu như sau: "Có 11 bóng đèn được bật sáng trong lớp học. Hỏi sau khi 4 bóng đèn được tắt đi, trong phòng học còn lại tổng cộng bao nhiêu bóng đèn?".
Giống như nhiều học sinh khác, con trai của phụ huynh này đã đưa ra đáp án "11 - 4 = 7". Tuy nhiên cô giáo lại gạch bỏ đáp án và phê là "sai". Khi xem lại bài kiểm tra của con, bà mẹ đã tỏ thái độ giận dữ và lập tức lên trường gặp mặt, chất vấn cô giáo. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được khiến phụ huynh này vô cùng xấu hổ. Bởi chị nhận ra không chỉ con trai mà cả mình cũng chưa có khả năng tư duy logic, nhìn nhận kỹ vấn đề.
Cô Trương cho biết, đây là một câu hỏi thử tài trí thông minh, tư duy ở trẻ. Kết quả của bài toán là 11 chứ không phải 7. Bởi vì sau khi tắt đi 4 bóng đèn, thậm chí tắt tất cả số đèn thì tổng số đèn trong phòng học cũng không thay đổi, vẫn là 11 bóng đèn. Nhiều em học sinh đã không suy nghĩ chắc chắn câu hỏi và vội vàng đưa ra đáp án. Thực tế, bài toán hỏi về số bóng đèn còn lại trong lớp học chứ không hỏi số bóng đèn còn được thắp sáng.
Còn phụ huynh kia sau khi nghe xong lời giải thích của cô giáo thì nhận lỗi vì đã phản ứng quá nóng vội. Thực tế từng có nhiều bài toán tiểu học khiến phụ huynh tranh cãi với giáo viên vì tưởng con mình bị chấm điểm sai. Những bài toán này nhìn qua thì đơn giản nhưng muốn đưa ra đáp án đúng, học sinh phải chú ý đến từng dấu chấm phẩy.
2. Bài toán "1,2 + 6,8 = 8"
Một ông bố trẻ đã chia sẻ lại bài toán tiểu học của con gái mình lên mạng xã hội và nhận về sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Theo đó, đề bài đưa ra phép tính: "1,2 + 6,8 = ?" và con gái anh đã trả lời là 8. Tuy nhiên cô giáo ngay lập tức gạch bỏ đáp án này và còn trừ 3 điểm vì làm sai. Quá bất ngờ trước quyết định của giáo viên, ông bố trẻ đã nhắn tin chất vấn nguyên do.
Cô giáo sau đó giải thích như sau: "8 và 8,0 là cùng một giá trị nhưng vẫn có sự khác biệt. Về mặt quy tắc tính toán, không có yêu cầu và hướng dẫn đặc biệt nào nhưng dấu thập phân cần phải được giữ lại và không thể đơn giản hóa nó". Lời giải thích này sau đó đã nhận được sự đồng tình từ phụ huynh.
3. Bài toán tính nhanh
Cộng đồng mạng tại Việt Nam từng được phen dậy sóng trước một bài toán tính nhanh dành cho học sinh tiểu học. Đề bài cụ thể như sau: 66 - 6 + 7 + 23 - 18 + 2 = ?
Đáp án học sinh đưa ra là 74 sau khi thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái qua phải. Tuy nhiên, phần sửa mực đỏ được cho là của giáo viên lại nhóm các phép tính với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh), đáp án là 70. Bài toán sau khi được chia sẻ lên mạng đã nhận về nhiều tranh cãi dữ dội.
Theo ý kiến của một giáo viên tiểu học, phép toán trên không có nhân chia, phải thực hiện theo thứ tự lần lượt từ trái sang phải. Theo nữ giáo viên, cách nhóm các phép tính lại như trên là hoàn toàn sai vì không theo quy luật toán học. Đáp án của học sinh là đúng song đó không phải cách tính nhanh phù hợp cho bài toán này.
4. Bài toán cưa gỗ
Đây cũng là một bài toán từng gây xôn xao cộng đồng mạng, khiến các bậc phụ huynh tranh cãi nảy lửa. Nội dung bài toán tiểu học này cụ thể như sau: "Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ đó hết bao lâu?".
Học sinh đã đưa ra cách giải: "Cưa cả cây gỗ đó hết số phút là: 12 x 6 = 72 phút". Tuy nhiên cách làm này bị cô giáo gạch sai và thay bằng đáp án: "Cưa được số đoạn là: 7x1=7 đoạn. Cưa cả cây gỗ hết thời gian là 12x7=84 phút".
Nhiều phụ huynh cho rằng học sinh giải đúng và cô giáo đã giải sai. Cây gỗ dài 7 đoạn thì chỉ cần 6 lần cưa là đủ và thời gian cưa là 72 phút. Bên cạnh đó không ít ý kiến lại chỉ ra đề bài chưa chặt chẽ. Đây có thể là đề muốn học sinh làm quen với cách nhân chia, nhưng học sinh lại thông minh hơn đề bài.
5. Bài toán điền vào chỗ trống
Một bài toán của học sinh tiểu học từng khiến các phụ huynh tranh cãi gay gắt và chỉ trích thầy giáo. Nguyên do là thầy đã đánh sai hết bài làm của học sinh. Cụ thể, đề bài cho như sau:
Viết số thích hợp vào chỗ chấm:
a) Số liền sau của 46 là... (đáp án học sinh: 47; đáp án thầy giáo: 45)
b) Số liền sau của 73 là... (đáp án học sinh: 74; đáp án thầy giáo: 72)
c) Số liền trước của 81 là... (đáp án học sinh: 80; đáp án thầy giáo: 82)
d) Số liền trước của 1 là... (đáp án học sinh: 0; đáp án thầy giáo: 2)
Thực tế đây không phải là bài toán mà chỉ là khái niệm toán học vô cùng đơn giản. Tuy nhiên thầy giáo đã nhầm lẫn giữa khái niệm "liền trước" và "liền sau" nên mới đưa ra đáp án sai lệch như vậy. Không ít phụ huynh sau đó bày tỏ sự bức xúc: "Thầy nên về học lại bài rồi hãy đi dạy", "Trình độ sư phạm như này mà cũng đi dạy",...