Có càng nhiều lựa chọn, trẻ càng ít hạnh phúc

Nhiều cha mẹ luôn nghĩ rằng, nếu đáp ứng mọi nguyện vọng của con, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Theo các nhà tâm lý, việc có nhiều lựa chọn sẽ càng kích thích thêm ham muốn có nhiều hơn nữa và khiến trẻ không được thỏa mãn. Niềm vui vì thế cũng bị hạn chế đi.

Các nhà tâm lý đưa ra dẫn chứng, một đứa trẻ rất hiếm khi được mua đồ chơi. Vì vậy khi cậu bé được mẹ mua cho chiếc ô tô mới, cậu coi chiếc xe như báu vật. Thậm chí khi đi ngủ, cậu bé cũng ôm theo bên người.

Trong khi đó, một đứa trẻ trong gia đình khá giả hơn được mua rất nhiều đồ chơi. Lúc đầu, cậu bé này cảm thấy vô cùng thích thú với những món đồ chơi mới. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, cậu bắt đầu cảm thấy chán những món đồ mình có và đòi mua thêm những đồ mới hơn.

5 bộ quần áo và 3 đôi giày: Bài học dạy con của chuyên gia Nhật - Ảnh 1.

Theo các nhà tâm lý, việc có nhiều lựa chọn sẽ càng kích thích thêm ham muốn có nhiều hơn nữa và khiến trẻ không được thỏa mãn. 

Rõ ràng, không phải có nhiều lựa chọn đã là tốt. Khi có quá nhiều sự lựa chọn, trẻ sẽ khó dành 100% niềm yêu thích với món đồ ấy. Ngược lại, đối với những đứa trẻ không có nhiều lựa chọn, chỉ cần một, hai món đồ chơi cũng có thể khiến chúng say mê khám phá, thậm chí sẽ luôn nhớ về món đồ đó suốt thời thơ ấu.

Lựa chọn càng nhiều, sự chú ý của trẻ càng thấp

Nhà tâm lý học Barry Schwartz, tác giả cuốn sách "Nghịch lý của sự lựa chọn" đã từng làm một thí nghiệm như sau: Ông chia ngẫu nhiên một nhóm trẻ thành hai nhóm để vẽ. Nhóm đầu tiên có thể chọn một trong 3 cây cọ vẽ có sẵn. Nhóm còn lại có thể chọn một trong 24 cây cọ vẽ. Kết quả là các tác phẩm của nhóm trẻ đầu tốt hơn nhiều so với kết quả của nhóm trẻ hai. Các bức tranh của nhóm đầu màu sắc rõ rệt, thể hiện tốt khả năng sáng tạo.

Theo lý giải của các nhà tâm lý, khi trẻ phải đối mặt với nhiều lựa chọn, chúng sẽ bị bối rối và do dự. Trẻ không biết những gì chúng muốn và không trân trọng thứ chúng có. Sở hữu quá nhiều cũng khiến trẻ phát triển thói quen mất tập trung, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Vậy cung cấp cho trẻ những lựa chọn như thế nào là đủ?

Theo các nhà tâm lý, tốt nhất nên cho trẻ khoảng 5 món đồ chơi khác nhau. Bởi vì nếu ít hơn 5 món có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, nhưng nếu nhiều hơn 5 món lại dễ làm trẻ phân tâm và hạn chế khả năng sáng tạo khi chơi.

Các món đồ chơi được lựa chọn có thể là đồ chơi lắp ráp như các khối rubic, lego... kiểu dáng đơn giản giúp phát huy sáng tạo; đồ chơi thể thao giúp thúc đẩy sự phát triển vận động hay các loại đồ chơi liên quan đến hội họa, âm nhạc như bút vẽ, trống, đàn, …

Ngoài ra, các nhà tâm lý học Nhật Bản gợi ý, trẻ em trên 4 tuổi cần không quá 5 bộ quần áo, 3 đôi giày và một chiếc mũ. Quần áo và giày dép quá nhiều có thể khiến bé gặp khó khăn trong việc lựa chọn và định hình riêng về màu sắc, thẩm mỹ.

 (Theo Epoch)