Những đứa trẻ khi bước sang giai đoạn dậy thì, hay còn gọi là tuổi nổi loạn rất khó giáo dục. Thời điểm này, chúng thường không nghe lời, tính cách ngang bướng, luôn chống đối lại cha mẹ. Điều đó khiến các bậc phụ huynh buồn lòng, loay hoay không biết giải quyết thế nào.

Vậy làm thế nào để giáo dục con hiệu quả trong độ tuổi nổi loạn? Cha mẹ hãy tham khảo ngay những phương pháp dưới đây nhé!

1. Cha mẹ không nên đưa ra định kiến

Bước đầu tiên, trước tâm lý nổi loạn của trẻ, cha mẹ không nên đưa ra các định kiến. Cha mẹ phải lưu ý rằng, trẻ có tâm lý nổi loạn là điều bình thường. Trên thực tế, sự nổi loạn cũng chứa đựng nhiều đặc điểm tích cực. Chẳng hạn như thể hiện ý chí mạnh mẽ, tham vọng cạnh tranh và nhu cầu đổi mới bản thân.

Cha mẹ hãy cố gắng phát hiện tính sáng tạo trong tâm lý nổi loạn của con. Sau đó, hãy hướng dẫn đúng đắn để tâm lý nổi loạn sẽ đóng vai trò tích cực trong xã hội hiện đại. Hãy biến yếu điểm thành điểm mạnh cho con, đừng nặng lời trách móc.

5 BƯỚC giáo dục con trong độ tuổi nổi loạn: Đừng đánh mắng, đây mới là cách khiến con sợ một phép - Ảnh 1.

Giáo dục trẻ trong độ tuổi nổi loạn cần sự khéo léo. (Ảnh minh hoạ)

2. Cha mẹ đừng cãi nhau với trẻ, đừng làm trẻ xấu hổ

Con cái trong thời kỳ nổi loạn rất nóng nảy, cho rằng mọi việc cha mẹ làm đều trái ý mình. Chúng thường tỏ ra bất lực, mệt mỏi, lo lắng, cô đơn… Chúng cảm thấy không ai có thể hiểu được thế giới nội tâm của chúng. Vì thế trước hết, cha mẹ phải hiểu được hoàn cảnh của con lúc này.

Để ổn định cảm xúc và giáo dục trẻ không khó, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào từng thời điểm. Chẳng hạn như khi trẻ đang rất ngang bướng, nếu cha mẹ góp ý, khuyên ngăn thì trẻ thường phản đối, không muốn nghe lời. Vì thế, cha mẹ nên đợi lúc con bình tĩnh để giáo dục sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

3. Hãy cho con không gian tự do, cố gắng giao tiếp tích cực

Thay vì bám theo cha mẹ hàng ngày như thuở còn nhỏ, những đứa trẻ nổi loạn thường tìm không gian riêng cho mình. Vì vậy, cha mẹ hãy chủ động trao đổi với con thường xuyên để hiểu những mong muốn, nguyện vọng của con.

Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng đừng nên nói về chủ đề chuyện học tập, trường lớp, điểm số. Đây đều là những điều không muốn nghe trong giai đoạn nổi loạn vì cảm thấy áp lực, nghi ngờ năng lực bản thân. Khi giao tiếp, cha mẹ nên bắt đầu với những chủ đề vui vẻ như: Bàn về buổi đi chơi cuối tuần, nói về các bạn của con… Sau khi cảm xúc con đã ổn định, cha mẹ mới khéo léo đề cập đến chuyện học tập.

5 BƯỚC giáo dục con trong độ tuổi nổi loạn: Đừng đánh mắng, đây mới là cách khiến con sợ một phép - Ảnh 2.

Cha mẹ nên cho con không gian riêng tư để trẻ cảm thấy thoải mái. (Ảnh minh họa)

4. Kiên nhẫn, khoan dung và hiểu hành vi của con

Những đứa trẻ nổi loạn thường làm người lớn thất vọng vì chúng không tuân theo các quy định của gia đình, của trường lớp. Chúng luôn nghĩ rằng mình đã lớn nên cần có những quan điểm, tư tưởng riêng. Chúng không muốn bị kiểm soát bởi bất kỳ ai và không muốn nghe theo lời của ai, kể cả cha mẹ.

Tất cả những điều này khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Nhưng sự lo lắng là vô ích, cha mẹ cần học cách quan tâm, thấu hiểu, bao dung với con. Trong giai đoạn quan trọng này, cha mẹ hãy định hình tính cách cho con, sẵn sàng lắng nghe con nhiều hơn. Hãy cho phép trẻ sai lầm để có thể rút ra được bài học bổ ích.

Giai đoạn nổi loạn là thời điểm trẻ có khả năng bắt chước người lớn mạnh nhất. Những lời nói, cử chỉ, hành động tốt của cha mẹ sẽ tác động tích cực đến trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy làm gương sáng cho con, đừng mang một số điều xấu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

5. Cha mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ từ người khác

Khi trẻ bước vào tuổi nổi loạn thường không muốn trò chuyện, tâm sự với cha mẹ. Các bậc phụ huynh sẽ khó hiểu được suy nghĩ của con. Lúc này, cha mẹ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ những người khác, chẳng hạn như: Bạn bè cùng lớp con, họ hàng, người thân trong gia đình… Đó là người trẻ quý mến, tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ điều thầm kín.

Thông qua người khác, cha mẹ sẽ nắm được tâm lý, suy nghĩ của con. Cha mẹ hãy nhờ họ đưa ra lời khuyên hữu ích dành cho con. Điều này đem lại lợi ích hai mặt, vừa giúp cha mẹ nắm được suy nghĩ của con để có phương pháp phù hợp, vừa giải quyết được vấn đề mà không khiến con xa lánh mình.

Cuối cùng, cha mẹ vẫn phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi nổi loạn của con để có hướng điều chỉnh và cách giáo dục phù hợp nhất.