Thật là thử thách khi con bạn là một đứa trẻ hay khóc lóc, mè nheo, ăn vạ. Tùy vào tính cách, mỗi đứa trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau. Có đứa trẻ có phản ứng rất nhanh đó là sẵn sàng chiến đấu, nói to hơn hoặc thậm chí là hét lên. Với những đứa trẻ khác, những đứa trẻ sống nội tâm hơn, chúng sẽ rút lui, trốn tránh, hờn dỗi và trở nên im lặng. Và tất cả những phản ứng này đều không tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Với cương vị là bố mẹ, bạn đã phản ứng như thế nào khi con hư hay làm điều gì đó sai trái? Là im lặng, quát mắng, nổi cáu hay bình tĩnh trò chuyện với con? Phản ứng của bạn, lặp đi lặp lại theo thời gian, có thể xây dựng hoặc làm xói mòn niềm tin đối với con trẻ.

5 bước kỷ luật trẻ dưới đây được xây dựng cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng và thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Nhờ đó, việc kỷ luật đạt được hiệu quả mà không làm tổn thương con cái: 5 bước kỷ luật đó là:

1. 100% sự bình tĩnh + tập trung

5 bước giúp mẹ thiết lập kỷ luật với trẻ mà không làm tổn thương con - Ảnh 1.

Bố mẹ cần phải bình tĩnh hoàn toàn trước khi nhìn nhận và giải quyết những gì vừa xảy ra (Ảnh minh họa).

Khi trẻ phản ứng thái quá trước một vấn đề nhỏ, bố mẹ cần phải giúp trẻ nhận ra điều đó. Nhưng trước hết, bố mẹ cần phải bình tĩnh hoàn toàn trước khi nhìn nhận và giải quyết những gì vừa xảy ra. Hãy luôn nhớ rằng bạn đang đóng vai trò trung tâm của sự thay đổi trong việc rèn luyện kỷ luật con cái. Sau đó, bạn hãy yêu cầu trẻ bình tĩnh lại và giải thích cho bạn biết chuyện gì đang xảy ra. Điều này thực sự quan trọng vì nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa bạn và con.

2. 100% sự đồng cảm và thấu hiểu

5 bước giúp mẹ thiết lập kỷ luật với trẻ mà không làm tổn thương con - Ảnh 2.

Hãy xây dựng niềm tin và sự tôn trọng từ trẻ thông qua cách mà bạn xử lý tình huống (Ảnh minh họa).

Đồng cảm và thấu hiểu là yếu tố then chốt để thiết lập kỷ luật mà không gây tổn thương cho con cái. Trong trường hợp bé quên hoặc làm sai điều gì đó, đừng vội trách mắng trẻ. Bạn hãy hiểu rằng con bạn (và tất cả những đứa trẻ khác) đều không hoàn hảo.

Để bé trở thành một người lớn có trách nhiệm trong tương lai, mẹ hãy hướng dẫn trẻ một cách nhẹ nhàng và cho trẻ thấy bạn đang nhìn sự việc dưới cách nhìn của trẻ. Hãy xây dựng niềm tin và sự tôn trọng từ trẻ thông qua cách mà bạn xử lý tình huống.

Ví dụ: Đối với trường hợp trẻ đi học về và đóng sập cửa lại. Thay vì la mắng và hét lên với con, hãy thử đặt mình vào vị trí của con. Biết đâu đấy, ngày hôm nay là một ngày tồi tệ ở trường đối với bé. Bé có thể bị ai đó bắt nạt, trêu chọc hay có một bài kiểm tra không tốt. Nếu như vậy, hành động cáu kỉnh và đóng mạnh cửa vẫn có thể hiểu được. Và bằng cách xây dựng niềm tin, sự đồng cảm với con một cách chân thành, bạn có thể khiến con mở cửa ra và nói cho bạn biết chuyện gì đã xảy ra và chia sẻ cảm giác hiện giờ của chúng.

3. 100% trách nhiệm và nói lời xin lỗi

Khen ngợi trẻ khi trẻ làm đúng và yêu cầu chúng xin lỗi khi làm sai là điều vô cùng quan trọng. Điều này dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm với những điều mình đã làm. Và dù bố mẹ tỏ ra vô cùng thấu hiểu và đồng cảm với chuyện ở trường của trẻ thì trẻ vẫn phải có trách nhiệm với hành động chưa hay của mình. Bạn hãy yêu cầu trẻ bình tĩnh và cam kết sẽ đưa ra lời xin lỗi sau đó.

4. 100% sự thích ứng và linh hoạt

5 bước giúp mẹ thiết lập kỷ luật với trẻ mà không làm tổn thương con - Ảnh 3.

Thông qua việc trò chuyện với trẻ, mẹ sẽ tìm ra nguyên nhân của sự việc và có thể tìm ra cách giúp trẻ ghi nhớ những việc này cho lần sau. (Ảnh minh họa).

Linh hoạt khi xử lý tình huống luôn là điều cần thiết để khuyến khích trẻ thay đổi. Ví dụ, trong trường hợp trẻ quên việc, mẹ hãy ân cần hỏi xem tại sao trẻ quên, trẻ có mệt không, liệu có phải vì trẻ vội vàng hay không? Thông qua việc trò chuyện với trẻ, mẹ sẽ tìm ra nguyên nhân của sự việc và có thể tìm ra cách giúp trẻ ghi nhớ những việc này cho lần sau. Dù là người lớn hay trẻ em đều có những lúc làm sai và cư xử chưa đúng mực, bố mẹ cần có cách giải quyết khéo léo để phù hợp với từng hoàn cảnh, tránh làm tổn thương con trẻ mà vẫn giúp con nhận ra sai lầm và khuyết điểm của bản thân.

5. 100% sự định hướng để cải thiện hành động cho trẻ

Để nhắc nhở bé về việc không nên đóng sầm cửa và quăng cặp sách bừa bãi trên sàn nhà sau khi đi học về, bạn có thể dán một mẩu giấy với dòng chữ “CẢM ƠN CON VÌ ĐÃ ĐÓNG CỬA NHẸ NHÀNG” và những hình vẽ mặt cười hoặc biểu tượng vui vẻ khác. Và trước khi bước vào nhà, bạn cũng có thể để tờ giấy ghi dòng chữ “HÃY CẤT TÚI XÁCH VÀO PHÒNG NGỦ”.

Để con cái tuân theo nguyên tắc này, bố mẹ cần làm gương trước và tuyệt đối tuân thủ những quy tắc đã đề ra. Bằng việc định hướng trước những hành động cho trẻ, trẻ sẽ dần hình thành thói quen tuân thủ các quy định đã được đặt ra và sẽ không giảm dần các phản ứng thái quá khi đối mặt với những hoàn cảnh yêu cầu chúng phải làm theo đúng quy tắc.

Nếu bạn có thể thực hành nhuần nhuyễn 5 nguyên tắc cơ bản trên, bản thân bạn – với vai trò là bố, mẹ, sẽ dần dần thấy mình giữ bình tĩnh hơn, tập trung hơn, đối mặt dễ dàng hơn với những thách thức trong quá trình rèn luyện con cái. Và nếu bạn tuân thủ được các nguyên tắc này, bạn sẽ trở thành hình mẫu lý tưởng và tuyệt vời của con trẻ khi chúng đứng trước việc phải xử lý và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Nguồn: Parent