Giấc ngủ đêm đủ dài, sâu giấc sẽ đem lại cho bé cơ hội nhận đủ hormone tăng trưởng để phát triển thể chất. Ngoài ra khi bé ngủ say các liên kết hệ thần kinh cũng không ngừng tăng lên mạnh mẽ giúp trẻ phát triển não tối ưu. Thêm vào đó, khi bé ngủ ngon, mẹ cũng có cơ hội được nghỉ ngơi sau 1 ngày vất vả chăm con. Nhờ đó nguồn sữa mẹ cũng ổn định, sức khỏe của mẹ chóng hồi phục sau sinh.
5 cách cực kỳ hữu ích giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm
1. Chuẩn bị môi trường ngủ phù hợp cho giấc ngủ đêm
- Đầu tiên để bé ngủ ngon, sâu giấc mẹ cần chuẩn bị cho con 1 bộ đồ ngủ vừa vặn, chất liệu vải mềm, thoáng mát. Nếu bé sử dụng quấn hoặc nhộng, mẹ chỉ cần mặc 1 bộ đồ mỏng cho con là đủ. Đối với những bé còn phản xạ moro, mẹ nên sử dụng khăn quấn hoặc nhộng với chất liệu co giãn tốt để con không bị giật mình. Nhờ đó bé cũng ngủ ngon hơn và cảm thấy thoải mái. Thời tiết lạnh giá thay vì dùng chăn cho trẻ, mẹ có thể cho con sử dụng nhộng hoặc túi ngủ dành riêng cho trẻ sơ sinh. Bé được giữ ấm và vẫn thoải mái vận động, đồng thời đây cũng là cách ngủ an toàn cho con. Trẻ sơ sinh thoát nhiệt phần lớn ở trên đầu, vì vậy mẹ đừng đội mũ dày cho con đi ngủ.
- Bước thứ 2, đó là mẹ cần điều chỉnh tiếng ồn, ánh sáng và nhiệt độ phù hợp. Trẻ ngủ ngon và cảm thấy thoải mái nhất khi nhiệt độ phòng rơi vào khoảng 18-25 độ. Để biết chắc chắn con ngủ ngon ở nhiệt độ nào, mẹ nhớ quan sát bé nhé. Từ 4 tuần tuổi bé đã có thể phân biệt ngày đêm. Mẹ nên chuẩn bị môi trường ngủ ban đêm đặc trưng để bé nhận biết. Ví dụ ban ngày mẹ để ánh sáng phòng êm dịu, có âm thanh bình thường của hoạt động ban ngày. Nhưng ban đêm mẹ giữ cho phòng ngủ của con thật tối và yên tĩnh. Con sẽ không bị gián đoạn bởi những hoạt động bên ngoài.
- Ban đêm mẹ vẫn cần cho bé ăn và thay bỉm. Tuy nhiên mẹ nên làm nhanh tay, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của con. Mẹ không nên bật điện sáng trưng mà chỉ cần bật đèn ngủ và làm mọi việc trong yên lặng.
2. Điều chỉnh lịch sinh hoạt nhằm giúp bé ăn no và ngủ đủ vào ban ngày
- Từ tháng thứ 2, để bé có thể ngủ ngon cả đêm, mẹ hãy cho bé ăn đủ vào ban ngày. Điều đó giúp con tích trữ được đầy đủ năng lượng cho giấc đêm dài. Ở mỗi tuần tuổi trong suốt thời kỳ sơ sinh, bé có nhu cầu ăn và khoảng cách các cữ khác nhau. Mẹ cần quan sát để điều chỉnh phù hợp, giúp con hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng nhất vào ban ngày.
- Nhiều người hay cho rằng để bé ngủ ngon ban đêm cần giữ cho con thức cả ngày. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Khi con quá mệt, quá buồn ngủ bé thường cáu gắt, la khóc... Điều đó khiến con càng khó đi vào giấc ngủ. Vì thế bé vẫn cần ngủ ngày. Tuy nhiên mẹ cần điều chỉnh giấc ngủ của con phù hợp để bé không ngủ quá nhiều và cũng không quá ít vào ban ngày.
- Bé cần có lịch trình ăn chơi ngủ phù hợp. Khi đó con tiêu hao năng lượng, ăn uống khoa học và sẽ ngủ khoa học hơn. Các mẹ có thể tham khảo luyện con sinh hoạt theo EASY.
3. Đọc vị nhu cầu của trẻ
- Mẹ hãy học cách nhận biết tín hiệu buồn ngủ của con và đáp ứng để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Nhiều khi bé quấy khóc và khó ngủ là do mẹ chưa đọc vị được đúng nhu cầu của bé. Có thể con ăn chưa đủ, tã ướt, bé quá buồn ngủ rồi... dẫn đến con khó chịu và càng khó ngủ.
- Khi con được khoảng 8 tuần tuổi, cân nặng trên 5,5kg, bé có khả năng ngủ xuyên đêm mà không cần thức dậy nạp năng lượng. Lúc đó mẹ hãy tôn trọng nhu cầu của con chứ đừng ép con ăn, bú vì sợ con đói nhé.
4. Thiết lập trình tự ngủ nhất quán
- Trước khi ngủ, mẹ cần để tâm trí của con tĩnh, hạn chế bị kích động. Khi bé quá phấn khích, con khó có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng. Mẹ nên thiết lập 1 trình tự nhất quán trước khi cho bé ngủ để con đoán được rằng mình sắp đến giờ đi ngủ. Ví dụ như khoảng 9 giờ tối, mẹ thay bỉm, cho con ti cữ cuối và tắt đèn cho bé đi ngủ. Việc làm này lặp đi lặp lại sẽ tạo thói quen tốt cho con. Thói quen này cũng đóng vai trò như 1 điểm neo về mặt tinh thần trong những ngày bé có sự xáo trộn về cuộc sống, ví dụ như tuần khủng hoảng, bé di chuyển đến địa điểm khác...
- Mẹ nên chọn 1 số hoạt động cố định và làm cho bé trước khi đi ngủ. Ví dụ như tắm cho con, massage cho bé, đọc sách và trò chuyện với bé... Trước khi đi ngủ, bé được gần gũi mẹ, con sẽ cảm nhận được tình thương yêu, che chở. Khi đó bé cũng yên tâm ngủ hơn.
5. Hướng dẫn con tự ngủ càng sớm càng tốt
- Giai đoạn 3 - 4 tháng đầu đời chính là thời điểm thuận lợi để giúp trẻ hình thành nếp ngủ ngoan, khi trẻ có thể tự ngủ mà không cần sự giúp đỡ quá nhiều của mẹ như bế ru, cho ngậm ti...
- Có 3 phương pháp mẹ có thể áp dụng với trẻ 3-4 tháng tuổi để tạo môi trường rèn luyện thói quen ngủ độc lập của trẻ:
Làm rõ sự khác biệt giữa ngày và đêm
Đặt trẻ xuống giường khi trẻ buồn ngủ nhưng vẫn còn thức
Bắt đầu chu trình ăn, chơi, ngủ.
Khi mẹ áp dụng phương pháp này, trẻ hình thành thói quen không chờ mẹ vỗ về vào ban đêm. Các thói quen khi ngủ cũng làm tăng cảm giác buồn ngủ và giúp trẻ ngủ lại dễ dàng khi bất chợt tỉnh giấc nửa đêm. Việc để trẻ ngủ trên tay khi đung đưa sẽ khiến trẻ hình thành thói quen chỉ chịu ngủ khi được bế và đung đưa. Cha mẹ cần cân nhắc việc tạo cho trẻ thói quen này nhé.