Mặc dù năng lực và kỹ năng cá nhân mới là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công việc, tuy nhiên, được lòng sếp là mục tiêu mà không ít chị em làm việc trong môi trường công sở muốn hướng đến. Một khi đã được lòng sếp, công việc của chị em sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Trái lại, nếu trót trở thành cái gai trong mắt cấp trên, dù năng lực bản thân có xuất sắc đến nhường nào cũng khó tránh khỏi những khó khăn cản trở.
Ảnh minh họa
Có một sự thật chẳng thể phủ nhận rằng, rất nhiều cấp trên không chịu chia sẻ cảm nhận của bản thân về nhân viên cấp dưới. Do đó, khi đã trót bị sếp ghét thì đâu là dấu hiệu để chị em có thể nhận biết được. Điểm qua 5 dấu hiệu bên dưới và nhìn nhận lại bản thân mình để biết hiện tại chị em có đang là "cái gai" trong mắt sếp hay không.
1. Sếp không muốn biết thêm về bạn
Hàng ngày, nếu chị em đã cố gắng rất nhiều để có thể gặp mặt, giao tiếp và tạo thêm tương tác với sếp nhưng không được hồi đáp; thay vào đó, sếp chỉ gọi khi cần trao đổi những vấn đề cần thiết trong phạm trù công việc thì khả năng cao chị em đã không được lòng sếp.
Ảnh minh họa
Đồng ý rằng sếp và nhân viên là mối quan hệ công việc, trên dưới thứ bậc rõ ràng chứ chẳng phải bạn bè hay gia đình thân thiết, tuy nhiên, nếu chị em nhận thấy sếp có thái độ thân thiện hơn với các nhân viên khác, đó có thể cho thấy phần nào cách suy nghĩ của sếp về bạn.
2. Sếp không quan tâm đến ý kiến của bạn trong cuộc họp
Những cuộc họp thường là cơ hội để lãnh đạo lắng nghe và tiếp thu thêm những ý tưởng hay ho cũng như tâm tư của nhân viên cấp dưới. Nhưng nếu mọi ý kiến chị em đưa ra đều bị sếp phản bác và phủ định một cách không thương tiếc, chẳng giải thích gì thêm, thì nguy cơ cao là sếp không đánh giá cao ý tưởng của chị em, hoặc sếp hứng thú với việc thể hiện quyền lực và vai trò cá nhân hơn lắng nghe ý kiến từ người khác.
Ảnh minh họa
3. Sếp bỏ qua bạn trong những dự án quan trọng
Những dự án quan trọng là cơ hội để chị em có thể học hỏi, trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm cũng như thể hiện được năng lực của bản thân. Nhưng đặt trường hợp chị em chẳng bao giờ được chọn để tham gia vào những dự án quan trọng ấy và sếp cũng chẳng mặn mà lắng nghe tâm tư, ý tưởng cũng như những đóng góp của chị em thì khả năng cao là câu chuyện đã có vấn đề.
Ảnh minh họa
Đó là dấu hiệu sếp không quan tâm đến việc giúp chị em đạt được những bước tiến mới trong công việc và góp phần vào mục tiêu chung của công ty. Điều đó cũng chứng tỏ sếp không tin tưởng và đánh giá cao khả năng của chị em trong việc dẫn dắt một dự án.
4. Sếp không quan tâm đến thành tựu trong công việc của bạn
Nếu thật sự quan tâm và muốn định hướng, sếp sẽ luôn lắng nghe những chia sẻ và kế hoạch của chị em trong công việc để kịp thời có biện pháp tư vấn, hỗ trợ phù hợp. Để rồi, sau tất cả, sếp sẽ là người đánh giá những nỗ lực của chị em và thúc đẩy quá trình thăng tiến.
Ảnh minh hoạ
Trái lại, nếu sếp không hỏi về lý tưởng làm việc hay hỏi nhưng không có động thái giúp đỡ chị em đạt được những mục tiêu nghề nghiệp, thì khả năng cao là sếp chẳng đánh giá cao chị em. Điều đó chứng tỏ, chị em chỉ là một phương tiện làm việc để sếp đạt được mục tiêu riêng.
5. Sếp không quan tâm đến tình trạng của bạn
Một người sếp thật sự quan tâm và yêu thương nhân viên sẽ cố gắng chú tâm đến cấp dưới của mình nhiều nhất có thể. Nên nếu trong trường hợp bạn xin nghỉ ốm, sếp ngay lập tức nói đến những việc đáng lẽ ra bạn cần làm chứ không hề hỏi thăm tình hình của bạn hoặc khi bạn nghỉ phép vì lý do cá nhân, sếp yêu cầu bạn thay đổi lịch trình để phục vụ công việc thì khả năng cao sếp chỉ xem bạn như một công cụ để phục vụ công việc chứ chẳng phải một cộng sự đúng nghĩa.
Ảnh minh họa
Nếu sếp của chị em hội tụ một hoặc một vài yếu tố trong 5 điểm đã được đề cập ở trên thì đã đến lúc chị em nên cân nhắc lại mối quan hệ này và có biện pháp phù hợp. Bởi lẽ, mặc dù, năng lực bản thân mới là thứ quan trọng, nhưng khi phải làm việc với một cấp trên như thế, chị em sẽ rất khó thăng tiến và phát triển.
Còn trong trường hợp chị em quá yêu thích công việc hiện tại và có mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp còn lại, chuyên gia nhân sự khuyên chị em nên tập trung vào các mối quan hệ với đồng nghiệp và bớt để tâm đến việc phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với sếp.