Năm đầu đời của trẻ đầy những cột mốc, nhưng điều được mong đợi nhất có lẽ là bé yêu bắt đầu tập đi. Ở thời kỳ đầu tiên khi bé tập đi, trẻ sẽ đứng ở thế 2 chân dạng rộng ra, cùng với ngón chân hướng ra ngoài, còn hai cánh tay thì dang ra và khuỷu tay hơi gấp lại. Lúc này trẻ không đi theo một đường thẳng mà thường bước theo hướng từ phía bên này sang phía bên kia. Tuy nhiên, sau vài tháng chập chững biết đi, bé sẽ đủ tự tin để thực hiện một loạt các thao tác phức tạp như bước chân sang hai bên hay bước lùi, cúi xuống nhặt đồ vật, vừa đi vừa ném bóng...

Dưới đây là 5 điều về dáng đi của trẻ cha mẹ cần lưu ý để can thiệp kịp thời

1. Bé thường bị té ngã

Ở giai đoạn tập đi, bé bị té ngã là chuyện bình thường, thậm chí khi con biết đi được khoảng 1-2 tháng mà vẫn ngã, cha mẹ có thể yên tâm là bé không sao. Trẻ cần 3-6 tháng nữa mới có thể điều chỉnh bước đi của mình thật tốt. Tuy nhiên, nếu đến 2 tuổi mà tình trạng này vẫn diễn ra, trừ khi bé cố ý té ngã, thì cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ. Có thể con gặp vấn đề gì đó về thần kinh dẫn đến bước đi khệnh khạng, không được vững vàng. Hoặc trẻ gặp vấn đề về xương. Điều này cần kiểm tra cẩn thận để tìm hiểu nguyên nhân.

5 điều cần lưu ý khi bé tập đi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

2. Dáng đi kẹp đùi

Với những bé không hiếu động, hay ngồi tư thế con vịt thì thường đi dáng kẹp đùi. Trẻ vừa đi vừa kẹp đùi và chân có dạng chữ X. Tư thế này có thể là do thiếu quá trình rèn luyện cơ chân gây ra. Cha mẹ cần kiên nhẫn tập đi cho con nhiều hơn. Không ít trường hợp đến 8 tuổi, bé vẫn phải được rèn luyện những bài tập cơ như thế mới có thể điều chỉnh lại dáng đi bình thường. Vì vậy khi thấy con có dáng đi này, cha mẹ nên chỉnh sớm để trẻ bước đi bình thường hơn nhé.

3. Bé đi như vịt

Các bước đi lạch bạch như vịt là do trẻ dạng chân rộng và hướng mũi chân ra ngoài quá nhiều. Đây là vấn đề sinh lý, bởi vì chân của bé vẫn còn khá "bằng phẳng". Trong quá trình tập đi, cơ chân của trẻ sẽ được rèn luyện và tạo thành hình lõm ở giữa như chân người trưởng thành. 95% các bé trước 5 tuổi, phần chân dưới tự nhiên sẽ xuất hiện độ lõm vào. Ở khoảng 2 tuổi, nếu thấy con đi như một chú vịt thì cũng chẳng có gì đáng ngại. Mẹ nên sửa bằng cách cho trẻ tập đi bằng mũi chân hoặc chơi trò chơi kẹp bút bằng chân.

4. Đi như cua bò

Tư thế thường thấy ở những bé tập đi là đi giống như con cua, với hai chân hướng vào trong như một cái kẹp lớn. Khi mới tập đi, nhiều bé có thói quen chúi đầu về phía trước và lao đi, hai chân hướng vào trong. Tuy nhiên sau 3 tuổi, trẻ vẫn đi như vậy thì mẹ cần can thiệp bằng cách để bé ngồi dạng chân khi ngồi dưới sàn nhà. Ngoài ra, phụ huynh nên mua thêm giày chuyên dụng cho bé, tập dần khoảng gần một năm là có thể sửa được tư thế đi của con.

5 điều cần lưu ý khi bé tập đi - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

5. Trẻ đi như "cao bồi"

Trẻ từ 2 tuổi đã có thể đi những bước thẳng, đều với biên độ vừa phải. Nếu bé đi nhanh, gấp, các bước chân có xu hướng vồng cao lên thì mẹ cần phải tập cho trẻ đi chậm lại và kiểm tra lượng vitamin cung cấp cho trẻ. Có thể con bị thiếu canxi hoặc vitamin nào đó dẫn đến dáng đi có điểm bất thường. Sau khi kiểm tra, mẹ cần bổ sung cho trẻ theo liều lượng mà các bác sĩ kê đơn.