Trẻ sơ sinh thể hiện nhu cầu của mình thông qua tiếng khóc như đói bụng, bất an, khó chịu, bị ốm… Thế nhưng ngoài những điều này, ngay cả khi trẻ không có vấn đề gì chúng cũng không ngủ ngon giấc, thường xuyên thức dậy lúc nửa đêm, giấc ngủ không sâu, hay giật mình.
Bé Tiểu Mỹ năm nay 6 tháng tuổi. Kể từ khi chào đời, bé được mọi người trong gia đình chăm sóc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Bé được nhận xét "rất dễ nuôi", bú no sữa xong sẽ tự chìm vào giấc ngủ. Thế nhưng, bé chỉ ngủ trong vòng tay mẹ, cứ đặt xuống là sẽ thức giấc. Theo thời gian, bé dần có thói quen chỉ ngủ khi được ôm ấp, dỗ dành và khóc ngay khi đặt xuống.
Mọi người cũng biết thói quen này không nên duy trì lâu. Tiểu Mỹ ngày càng lớn, cân nặng cũng tăng lên đáng kể, việc bế ngủ trên tay không dễ dàng như hồi còn bé nữa, chỉ bế một lúc người mẹ đã mỏi đau lưng mỏi gối.
Vì Tiểu Mỹ chưa hình thành được thói quen ngủ một mình, khi ngủ luôn cần có mẹ bên cạnh nếu không sẽ quấy khóc. Điều này khiến người mẹ kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Việc ôm, bế ru con ngủ rất phổ biến ở nhiều gia đình. Thế nhưng, nếu đó là trẻ sơ sinh sẽ không có vấn đề gì nhưng khi trẻ lớn lên, từ 2 tuổi trở đi, bố mẹ cần rèn cho con thói quen tự ngủ. Nếu bố mẹ bỏ lỡ thời kỳ này, trẻ sẽ dần trở nên phụ thuộc vào người lớn, hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của chúng.
Những thói quen sai lầm khi ru ngủ trẻ, bố mẹ cần nên tránh
1. Ngủ trong khi cho ăn
Một số người mẹ thường cho con bú vừa ru ngủ, điều này khiến trẻ hình thành tật xấu đó là trước khi ngủ nhất định phải được bú sữa, nếu không sẽ không ngủ được. Nếu là trẻ sơ sinh, việc bú no rồi ngủ luôn có thể khiến trẻ gặp tình trạng bị nôn trớ.
Ngoài ra, thói quen này còn khiến trẻ nhỏ bị rối loạn chức năng tiêu hóa, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của răng miệng.
2. Bế trẻ ngủ trên tay
Trẻ thích được mẹ ôm khi ngủ thường là do thiếu cảm giác an toàn, điều này chỉ nên áp dụng cho trẻ trong 3 tháng đầu sau sinh. Người mẹ không thể lúc nào cũng ôm, bế ru trẻ ngủ. Nếu tập cho trẻ tự chơi tự ngủ được, người mẹ sẽ rất nhàn trong việc chăm sóc con cái.
Việc trẻ quấy khóc, không chịu ngủ, đòi mẹ bế trên tay là chuyện rất bình thường nhưng khi đặt xuống giường là trẻ sẽ thức giấc ngay. Đây là nhược điểm của việc ru ngủ bằng cách bế.
Cách tiếp cận đúng là người mẹ có thể bế trẻ trên tay dỗ dành trước. Khi trẻ buồn ngủ, hãy đặt trẻ từ từ nằm xuống giường chứ không phải đợi trẻ ngủ say rồi mới đặt xuống.
3. Sử dụng nôi, võng
Dỗ ngủ theo cách này rất dễ khiến trẻ chìm vào giấc ngủ nhanh. Thế nhưng, việc rung lắc, đung đưa như thế này hoàn toàn không tốt cho trẻ. Khi trẻ đang trong giai đoạn phát triển thể chất, việc lắc lư sẽ ảnh hưởng tới não bộ, bố mẹ cần đặc biệt chú ý. Trường hợp nặng còn có thể gây xuất huyết nội sọ nên khuyến cáo bố mẹ không nên áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Cách làm đúng là khi trẻ quấy khóc, đang buồn ngủ, người mẹ có thể vỗ nhẹ vào lưng khi trẻ nằm trên giường, nắm lấy tay, ở bên cạnh một lát cho trẻ ngủ say rồi mới rời đi.
4. Trẻ nằm sấp khi ngủ
Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể biết lật nên lúc này một số trẻ sẽ có tư thế ngủ nằm sấp. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không chú ý, trẻ rất dễ bị chăn gối đè lên người, rất nguy hiểm. Khi trẻ còn quá nhỏ, không nên cho trẻ nằm sấp khi ngủ vì sẽ dễ khiến trẻ bị ngạt thở.
5. Trẻ và mẹ ngủ đối mặt nhau
Nhiều người mẹ thích ôm con ngủ theo kiểu đối mặt con, như vậy có thể dễ dàng ngắm nhìn khuôn mặt của con yêu. Thế nhưng, khi trẻ ngủ quay mặt về phía người lớn, không khí có thể bị cản trở, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và sự phát triển thể chất.
Người mẹ cần chý ý, em bé trong giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ không chỉ chú trọng chất lượng sữa mà còn về cả giấc ngủ. Một giấc ngủ sâu sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao nhanh, tốt cho sức khỏe.
Nguồn: 163, QQ