Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện các sản phẩm bổ sung probiotic - lợi khuẩn đường ruột - với tần suất dày đặc khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không cho con mình dùng thì sẽ là thiếu sót.
Tuy nhiên, probiotic không có lợi ích gì đáng kể với trẻ khỏe mạnh. Đúng là có một số vi khuẩn rất có lợi cho cơ thể người và các nhà khoa học cũng khẳng định lợi ích của các vi khuẩn có lợi trong các sản phẩm probiotic được bày bán. Nhưng không có bác sĩ nào tin rằng cho trẻ khỏe mạnh nạp probiotic sẽ giúp phòng bệnh cả, đó chỉ là đồn thổi vô căn cứ chứ chẳng có căn cứ khoa học nào.
Các chuyên gia đã chỉ ra 5 lầm tưởng về tác dụng kì diệu của probiotic để giúp các bậc cha mẹ không phải chạy theo cơn sốt này.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện các sản phẩm bổ sung probiotic với tần suất dày đặc khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không cho con mình dùng thì sẽ là thiếu sót (Ảnh minh họa).
Lầm tưởng 1: Probiotic giúp bé không quấy khóc về đêm
Thật đáng tiếc, đây không phải là sự thật. Colic (hội chứng quấy khóc về đêm ở trẻ) là hội chứng mà không có nguyên nhân cụ thể nhưng khiến cho các bé quấy khóc kéo dài. Các bố mẹ luôn muốn thử mọi cách để giúp bé không quấy khóc nữa. Tuy nhiên, lợi khuẩn không phải là giải pháp. Nghiên cứu chỉ ra rằng probiotic có tác dụng tương đương với nước đường trong việc phòng và chữa hội chứng colic, tức là gần như chẳng có tác dụng gì.
Lầm tưởng 2: Trẻ em khỏe mạnh nên bổ sung probiotic để phòng tránh bệnh
Bổ sung probiotic để phòng bệnh không hề có cơ sở khoa học mà đơn giản chỉ là chiêu trò marketing của nhà sản xuất. Trẻ khỏe mạnh chỉ cần ăn uống lành mạnh là đã nạp đủ chất dinh dưỡng và lợi khuẩn cần thiết từ các bữa ăn rồi (bao gồm sữa chua mà trong đó có chứa probiotic). Hiệp hội nhi khoa Mĩ cũng khẳng định cha mẹ không cần cho con uống bổ sung probiotic.
Lầm tưởng 3: Probiotic chỉ giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn
Vi khuẩn tốt cho đường ruột không chỉ giúp việc "đi nặng" dễ dàng hơn. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những trẻ có nhiều loại vi khuẩn đường ruột tốt có chỉ số nhận thức cao hơn, và một nghiên cứu khác cũng cho thấy những trẻ từ 18 đến 27 tháng tuổi có hệ vi sinh vật đa dạng thì sẽ cởi mở, ưa khám phá hơn. Điều này có thể giải thích như sau, các vi khuẩn trong đường ruột cũng trao đổi chất, tiết ra các chất có tác dụng điều tiết tâm trạng, trong đó có serotonin và dopamine - những hormone "hạnh phúc". Điều này không có nghĩa là trẻ con cần bổ sung viên uống probiotic. Tuy nhiên, hãy cho trẻ hoạt động ngoài trời thật nhiều chính là cách tái tạo hệ vi khuẩn trong cơ thể, đồng thời tăng sức đề kháng.
Lầm tưởng 4: Sữa chua là giải pháp để có đường ruột khỏe mạnh
Lượng đường trong sữa chua có thể gây ra béo phì khi mà trẻ nạp vào nhiều vì vị chua của sữa chua có thể đánh lừa vị giác khiến trẻ ăn không có điểm dừng (Ảnh minh họa).
Hễ muốn con có nhiều lợi khuẩn đường ruột là bố mẹ sẽ cho con ăn sữa chua. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong sữa chua thường có vi khuẩn lactobacillus, một loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là cứ mua sữa chua về ăn là tốt bởi những lợi ích của sữa chua sẽ chẳng thấm vào đâu so với tác hại mà nó mang lại. Lượng đường trong sữa chua có thể gây ra béo phì khi mà trẻ nạp vào nhiều vì vị chua của sữa chua có thể đánh lừa vị giác khiến trẻ ăn không có điểm dừng. Vì lẽ đó, nhiều bác sĩ khuyến cáo nên cho trẻ ăn sữa chua từ nấm sữa Kefir hoặc tự làm sữa chua tại nhà.
Lầm tưởng 5: Những trẻ hay ốm không nên dùng probiotic
Tuy không có tác dụng thần kì như quảng cáo, probiotic vẫn có nhiều công dụng nhất định. Các bác sĩ đôi khi sẽ khuyến khích bệnh nhi bổ sung probiotic nếu bé phải uống kháng sinh để bù lại những vi khuẩn có lợi trong đường ruột đã mất. Và nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra probiotic có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy và giảm triệu chứng đau bụng. Vậy nên hãy nghe theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bác sĩ khuyên bạn nên bổ sung thêm probiotic để trị bệnh nào thì hãy tin tưởng làm theo.
Nguồn: Fatherly