Khi nhắc tới tác dụng của ngũ cốc, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cung cấp năng lượng, hỗ trợ giảm cân, tốt cho tim mạch… Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thì mỗi loại ngũ cốc khác nhau lại mang đến những lợi ích sức khỏe khác nhau.
Sau đây là 5 loại ngũ cốc quen thuộc giúp bổ gan, tim, phổi, thận, dạ dày nhưng không phải ai cũng biết cách dùng:
1. Hạt kê tốt cho lá lách và dạ dày
Y học cổ truyền dùng từ tỳ vị để gọi chung cho lá lách và dạ dày. Từ xa xưa, hạt kê đã được các thầy lang kê như đơn thuốc bồi bổ tỳ vị, chữa chứng tỳ hư hoặc giảm đau dạ dày.
Hạt kê giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Nó chứa hydrat carbon, protein, lipid, Ca, P, Fe, các loại đường, sinh tố nhóm B. Vị ngọt mặn, tính mát; vào tỳ, vị, thận; kê có tác dụng kiện tỳ hòa vị, bổ thận thanh nhiệt. Đến ngày nay, kê vẫn thường được dùng cho người tỳ vị hư nhiệt với các biểu hiện: nôn ói, nôn oẹ ra thức ăn (phản vị), đái tháo đường, tiêu chảy…
Cách ăn hạt kê tốt nhất cho lá lách và dạ dày là nấu cháo kê loãng và ninh nhừ. Nếu người ăn đang bị đau dạ dày, có thể xay nhuyễn và dùng như nước uống. Cháo kê cũng dễ dùng và dễ tiêu hóa hơn các cách chế biến khác, nhanh chóng làm giảm cảm giác buồn nôn, nôn nao.
Ngoài ra, kê còn là ngũ cốc giúp lợi tiểu, ngừa sỏi thận, đái tháo đường và tiêu chảy. Cháo kê cũng là món ăn tốt cho người bị thấp khớp, làm dịu cơn đau do sinh đẻ.
2. Đậu đen bổ thận
Đậu đen thậm chí còn được một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền. Bởi loại hạt này có vị ngọt, tính bình, thuộc kinh tỳ thận, có tác dụng sáng mắt, bổ huyết, trừ phong, lợi tiểu, giải độc.
Từ xa xưa, đậu đen đã thường dùng cho các chứng âm hư suy nhược, chóng mặt, ra nhiều mồ hôi do thể chất hư nhược, đau thắt lưng do thận hư, phù thũng, thiểu niệu, tay chân tê bại, ngộ độc thức ăn. Đặc biệt, đậu đen thuộc hành Thủy, có liên quan mật thiết đến tạng thận, rất hữu hiệu trong chữa thận yếu, tăng cường chức năng cho thận.
Ngoài cháo đậu đen, nước đậu đen không đường hoặc ít đường cũng rất tốt cho sức khỏe của thận (Ảnh minh họa)
Cách ăn đậu đen tốt cho thận cũng rất đơn giản, đó là uống nước đậu đen hoặc nấu cháo đậu đen 2 lần sáng và tối. Tuy nhiên, nên nhớ không nên bỏ nhiều đường kẻo phản tác dụng nhé!
3. Gạo lứt nuôi dưỡng phổi
Tác dụng quen thuộc nhất của gạo lứt là giảm cân, làm đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là loại ngũ cốc rất tốt cho phổi.
Bản thân gạo lứt đã được đánh giá là nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn gạo trắng, nhất là gạo đã được tinh chế. Gạo lứt giàu các thành phần như protein, lipid, khoáng chất và một số vitamin nhóm B, vitamin E và Kali. Đồng thời, cũng nhiều chất xơ, hợp chất phenolic, γ-oryzanol và GABA, hoạt tính chống oxy hóa cao…
Trong y học cổ truyền, gạo lứt có tác dụng nhuận phổi, ích âm rất tốt. Nhất là khi xuất hiện phổi nóng, ho, giảm phù nề phổi. Dù khỏe mạnh, chúng ta cũng có thể ăn gạo lứt thường xuyên để nuôi dưỡng phổi, bồi bổ khí huyết. Nhưng cách dùng sẽ hơi khác biệt so với các mục đích khác.
Đó là chỉ ngâm sơ qua gạo lứt, sau đó rửa sạch và nấu cháo loãng trong trạng thái luôn đun nhỏ lửa. Khi dùng, chỉ uống nước cháo không ăn hạt gạo, có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày. Đặc biệt là khi đang bị ho, mắc bệnh về phổi.
4. Lúa mạch tốt cho trái tim
Hạt lúa mạch và mầm lúa mạch đều được xem là thảo dược trong y học cổ truyền. Ngoài giảm cân, thanh nhiệt, làm đẹp da thì còn rất tốt cho hệ tim mạch.
Y học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng của hạt lúa mì với sức khỏe tim mạch. Trong đó nổi bật nhất là chất chống oxy hóa, betaine và axit béo không bão hòa.
Lúa mạch có thể làm giảm các yếu tố rủi ro nhất định, ngoài việc giảm mức cholesterol xấu LDL, chất xơ hòa tan trong lúa mạch có thể làm giảm huyết áp. Huyết áp cao và tỷ lệ cholesterol LDL cao là hai nguy cơ gây ra bệnh tim được biết đến nhiều nhất. Do đó, việc giảm hai chỉ số này có thể có lợi cho hệ tim mạch.
Đồng thời, hàm lượng betaine cao trong loại ngũ cốc này còn kháng viêm, giảm nguy cơ gây bệnh loãng xương, tim mạch, suy giảm nhận thức và bệnh tiểu đường type 2. Nên lưu ý là lúa mạch đen tốt cho tim mạch hơn lúa mạch thông thường.
Về cách dùng, lấy toàn bộ lúa mạch nguyên vỏ, về nhà bỏ vỏ nấu thành cháo. Hoặc có thể đến hiệu thuốc Đông Y mua lúa mạch sữa nấu nước, uống mỗi ngày sáng và tối. Ngoài ra, uống nước ép mầm lúa mạch cũng là sự lựa chọn không tồi.
5. Cao lương bồi bổ, giải độc gan
Hạt cao lương là loại ngũ cốc ít quen thuộc nhất trong danh sách này, tuy nhiên đây là loại hạt phổ biến ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ trước. Loại hạt này rất giàu chất dinh dưỡng, giá thành rẻ và còn rất tốt cho gan.
Ngoài tác dụng là lương thực, từ xa xưa cao lương đã được Y học cổ truyền sử dụng như một vị thuốc. Nó có tác dụng bổ gan ích khí, làm se và cầm tiêu chảy. Đặc biệt là đối với người bị tiêu chảy mãn tính.
Cháo cao lương hoặc súp bột cao lương không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ giảm cân rất tốt (Ảnh minh họa)
Ăn cao lương thường xuyên còn giúp giảm mỡ gan, hạ men gan, giảm nóng và phù nề gan, tăng cường khí huyết cho gan. Bởi hạt cao lương rất giàu protein thực vật, chất xơ, vitamin B, magie, chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic và tannin.
Để bồi bổ gan, hãy đem cao lương gia công thành bột, đảo lên cho nóng, dùng nước sôi điều chế thành dạng hồ mỏng sau đó ăn trước và sau mỗi bữa ăn.