BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, tại Việt Nam các loại rau gia vị như hành lá, kinh giới, tía tô có giá trị làm thuốc rất cao.

5 loại rau gia vị dễ trồng có tác dụng chữa bệnh - Ảnh 1.

Hành - gia vị diệt khuẩn mạnh

Theo bác sĩ Vũ, trong y học cổ truyền, hành vị cay, bình mà không độc, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, sắc uống lấy nước chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng.

"Bạn dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào nồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng để ăn giúp trị cảm mạo, nhức đầu, ngạt mũi ", bác sĩ Vũ nói.

Hành còn có tác dụng kháng sinh tự nhiên do có chất acid malic, phytin và chất alylsunfit. Nó còn có tinh dầu (chủ yếu có chất kháng sinh allicin, tác dụng diệt khuẩn rất mạnh).

Một số bài thuốc chữa bệnh từ hành:

- Dùng hành chữa cảm mạo, nhức đầu, ngạt mũi: Hành 30g, đậu xị 15g, sinh khương 10g, chè hương 10g, nước 300ml, đun sôi, gạn bỏ bã, uống khi còn nóng, uống xong đắp chăn kín cho ra mồi hôi.

- Chữa cảm mạo ở trẻ em: Hành 60g, sinh khương 10g. Hai thứ giã nát, thêm một cốc nước thật sôi vào, dùng hơi xông vào miệng và mũi, ngày làm vài lần, không cần uống.

5 loại rau gia vị dễ trồng có tác dụng chữa bệnh - Ảnh 2.

Kinh giới - hạ sốt, chống viêm

Bác sĩ Vũ cho biết, kinh giới chứa nhiều tinh dầu, các hoạt chất chống oxy hóa và chống viêm, ức chế một số virus. Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay nồng.

Các nhà khoa học ghi nhận rau kinh giới tác dụng hạ sốt, chống viêm, giảm đau và an thần khi dùng lượng vừa đủ.

Theo y học cổ truyền, kinh giới vị cay, tính ôn. Chúng dùng để chữa ngoại cảm phát sốt (giải cảm hàn), làm ra mồ hôi, ôn ấm dạ dày và hệ tiêu hóa. Liều dùng hàng ngày là 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Một số bài thuốc hay có sử dụng kinh giới:

- Chữa cảm cúm mùa hè, say nắng, nhức đầu, sốt: Dùng 3-10g kinh giới sắc nước uống.

- Thuốc chữa cảm: Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương, các vị bằng nhau, thêm nước sắc nhiều lần, cô đặc thành cao, viên bằng hạt ngô. Khi bị cảm uống khoảng 7-8 viên.

- Chữa cảm cúm: Kinh giới sao vàng tán nhỏ. Khi bị cảm dùng 6-8g.

- Thanh nhiệt, phòng cảm mùa hè: Dùng nước rau kinh giới, gạo tẻ, đậu xanh nấu cháo. Mỗi ngày ăn 2-3 lần.

5 loại rau gia vị dễ trồng có tác dụng chữa bệnh - Ảnh 3.

Tía tô - bảo vệ dạ dày

Theo bác sĩ Vũ, trong cây tía tô chứa tinh dầu, flavonoid, acid hữu cơ có lợi cho sức khoẻ. Tía tô có vị cay, tính ôn, tác dụng phát tán phong hàn, giải uất, hóa đờm, an thai. Chúng được dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai.

Một số bài thuốc từ lá tía tô:

- Chữa ho, cảm mạo, bảo vệ đường tiêu hóa, giảm đau, giải độc, liều dùng: 5-10g tía tô dạng thuốc sắc. Hoặc bạn có thể thêm tía tô vào cháo nóng, ăn giúp giải cảm.

- Giảm rối loạn chức năng dạ dày, giảm đau, phòng sảy thai. Dùng cành tía tô liều 5-10g giúp điều hòa lưu thông khí.

- Quả tía tô: Giảm khó thở và giảm ho, trừ đờm, làm thư giãn ruột. Chủ trị: ho và khó thở do ứ trệ đờm, táo bón. Liều dùng: 3-10g.

- Chữa bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương: Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hồ, mỗi vị 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia ra uống 3 lần trong ngày.

5 loại rau gia vị dễ trồng có tác dụng chữa bệnh - Ảnh 4.

Gừng - trung hòa hàn nhiệt, giải độc, giải cảm

Gừng là chất gia vị đứng đầu các chất dùng làm thức ăn có tính “nhiệt”, có thể dùng để trung hòa hàn nhiệt, giải độc, giải cảm.

Trong y học cổ truyền, gừng tươi vị cay, tính hơi ôn, tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa.

Gừng khô (can khương) vị cay tính ôn, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt. Nó có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ (dùng khi bị lành mà đau bụng, đi tiêu lỏng, mệt lả, nôn mửa).

Một số bài thuốc từ gừng:

- Hỗ trợ tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa đi tiêu, cảm mạo phong hàn làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng. Gừng tươi dùng liều 3-6 gam dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha hay rượu gừng tươi (mỗi ngày 2-5ml). Gừng khô liều dùng cũng như gừng tươi.

- Gừng chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm: Can khương 10g, chích cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu thấy đỡ thì uống bớt đi.

- Gừng chữa nôn mửa: Gừng sống nhấm từng ít một cho đến khi hết nôn.

- Gừng chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: Gừng sống giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượi xào nóng đánh khắp người và xát vào chỗ đau mỏi.

Lưu ý: Những người trong ngoài đều nhiệt, vì nhiệt mà đau bụng, vì nhiệt mà thổ huyết thì không nên dùng. Vì tính cay nên gừng có thể làm tổn hại đến khí huyết cơ thể, không nên dùng trong thời gian dài.

5 loại rau gia vị dễ trồng có tác dụng chữa bệnh - Ảnh 5.

Tỏi - trị cảm cúm, cao huyết áp, xơ cứng động mạch

Tỏi được trồng phổ biến làm gia vị, còn được dùng làm thuốc nam khá phổ biến, dùng để chữa bệnh như cảm cúm, ho gà, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, đau thần kinh tọa, tẩy giun kim.

Nhiều nghiên cứu của nước ngoài cho thấy tỏi có tác dụng ngăn ngừa ung thư, virus cúm.

Trong tỏi có một chút iốt và tinh dầu (100kg tỏi chứa chừng 60 – 200g tinh dầu). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất kháng sinh alixin, một hợp chất sunfua tác dụng diệt khuẩn mạnh.

Bạn có thể thêm tỏi vào thức ăn vừa có thể tăng thêm hương vị, vừa giúp món ăn của bạn có thể chống lại các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm hiệu quả hơn.