1. Cháo đậu đen, gạo lứt
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cháo đậu đen và gạo lứt có tác dụng thanh nhiệt ở can thận, cung cấp dinh dưỡng, giảm béo, lợi niệu, làm mịn da.
Đậu đen có vị ngọt, tính bình quy kinh can, thận, tỳ, có công dụng lương huyết lợi thủy, thoái nhiệt qua con đường tiểu tiện, tư bổ can thận âm, kiện tỳ.
Dùng để trị các chứng thủy thũng, cước khí do phong độc, vàng da, các bệnh lý hậu sản, lở loét ngoài da, di niệu, tai ù tai điếc, thị lực kém do thận hư, viêm dây thần kinh...
Gạo lứt có tên gọi là thao mễ hay hạt sắc chi mễ, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng.
Ngoài ra, gạo lứt cung cấp ít năng lượng hơn gạo trắng, ăn có tác dụng no lâu, giảm cung cấp năng lượng, do đó dùng lâu có tác dụng giảm béo.
Cách chế biến: Sử dụng 150g đậu đen, 100g gạo lứt đem nấu nhừ, thêm ít muối ăn cho vừa miệng, ai thích ăn ngọt có thể cho thêm đường làm như món chè cháo đậu đen.
Ăn món ăn này vào những ngày nóng bức không muốn ăn cơm sẽ giúp cung cấp cho cơ thể nguồn dinh dưỡng để hoạt động hiệu quả vào mùa hè, lại giúp giải nhiệt, làm mịn da.
2. Các món từ đậu xanh
Đông y gọi đậu xanh là lục đậu, vỏ đậu xanh là lục đậu y, có vị ngọt, tính hàn, vào kinh vị, tâm, can.
Tác dụng thanh thử nhiệt, lợi niệu, giải độc.
Cách dùng để giải nhiệt: Ngày dùng 100g đun với 2 lít nước cho nhừ, chia đều uống 3-4 lần vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày.
Có thể cho thêm 50ml mật mía có tác dụng điều hòa bồi bổ tỳ vị.
Hoặc có thể nấu cháo hoặc chè ăn giải nhiệt, giải độc cơ thể trong mùa hè.
3. Mướp đắng
Mướp đắng (khổ qua) có vị đắng, tính mát, thanh nhiệt, tiêu độc nhiệt.
Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, dùng liều cao có tác dụng hạ mỡ máu, giảm béo, hạ áp… Chú ý người huyết áp thấp cân nhắc liều lượng khi dùng.
Có thể cắt lát mỏng mướp đắng rồi xao khô, để hãm với nước nóng như uống trà. Nếu khó uống vì đắng, bạn có thể cho thêm đường phèn để dịu bớt vị.
Ngoài uống, có thể chế biến mướp đắng thành những món ăn như mướp đắng xào thịt bò, nhồi thịt hấp hay mướp đắng nấu canh xương.
Miền Bắc hay có món mướp đắng xào trứng. Yên Bái, Lào Cai có món mướp đắng lát mỏng để ngăn đá trộn với ruốc trước khi ăn.
4. Bí đao
Bí đao là thực phẩm giải nhiệt cơ thể mùa hè. Loại quả này có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân, chỉ khát.
Bí đao nấu canh tôm, canh cua giúp giải nhiệt. Những món này ăn thơm ngon, bổ mát, rất thích hợp cho mùa hè.
Dùng nước bí đao uống lâu dài có tác dụng làm trắng da và giảm cân.
5. Đậu phụ
Đậu phụ được coi là thức ăn giải nhiệt cơ thể. Với vị ngọt, tính mát, nhuận táo, bổ trùng, giải độc, thanh nhiệt cơ thể, đậu phụ là loại thức ăn giải nhiệt cơ thể cực tốt vào những ngày hè nắng gắt.
Ngoài ra, đậu phụ còn rất dễ chế biến. Bạn có thể chần ăn sống, kho, rán, nhồi thịt, sốt hoặc nấu những món canh ăn rất thơm ngon, bổ dưỡng, thanh mát, tốt cho sức khỏe trong những ngày nắng nóng.