Bánh trôi tàu
Các món chè truyền thống nhất của Hà Nội chính là các loại chè đậu, đỗ - vốn vùng nào cũng có. Nhưng vì có mùa đông lạnh nên Hà Nội có một món chè đặc sắc hơn, rất đáng thử là bánh trôi tàu.
Bánh trôi tàu được xem là một trong những món ăn vặt tiêu biểu của mùa đông Hà Nội. Mỗi bát gồm 2 đến 3 viên với các loại nhân đậu xanh, nhân mè đen, dừa... nấu cùng nước dùng là mật, gừng. Vì là món ăn mùa lạnh nên bánh trôi tàu luôn được giữ nóng trên bếp, khi múc ra bát còn nóng hổi.
Một bát bánh trôi tàu giá rất mềm, chỉ 15 đến 20 ngàn đồng, nhưng vị ngon có lẽ không thể phủ nhận. Mùa lạnh, chiều đói bụng mà ngồi nhâm nhi bát bánh trôi tàu khi quả thực không còn gì bằng.
Bột lọc heo quay
Huế là đất chè khi số lượng các món chè ở đây có thể lên tới con số hàng chục. Nhưng để nói về món chè đặc sắc, khó lẫn đi đâu được của Huế phải nói đến chè bột lọc thịt heo quay. Món "chè mặn" này được làm từ những viên bột lọc trong suốt bọc lấy miếng thịt quay xay trộn mộc nhĩ, rồi đun với đường phèn.
foodyhue
Với nguyên liệu và cách chế biến như thế nên món chè này sẽ là sự tổng hòa của vị mặn và ngọt. Và cũng vì thế, không phải ai cũng ưa món ăn này. Nhưng những người nghiện món này lại cho rằng chè bột lọc heo quay có vị ngọt mặn xen kẽ, vừa béo vừa dai nên cực kỳ lạ miệng.
Chè sầu riêng
Không phải ngẫu nhiên mà chè sầu riêng Đà Nẵng được ưa thích ở rất nhiều tỉnh thành và có vô số quán chè trực tiếp nhập chè Đà Nẵng ra để phục vụ thực khách. Nếu đối tượng cần mua quà của bạn là phe "chị em", những người hảo ngọt, chẳng có gì có thể thể hợp lý hơn.
Chè sầu Đà Nẵng ghi điểm bởi các loại thạch đa dạng, đác rim ngọt, cốt dừa pha sữa thơm, béo và đặc biệt mỗi phần có rất nhiều sầu riêng. Một phần chè sầu ấy đủ khiến hội mê sầu mê tít. Một phần chè sầu chỉ 20 ngàn, rất hợp lý để cả mua ăn lẫn mua mang về làm quà.
Hiện tại do món này quá được ưa thích nên nhiều quán chè nổi tiếng ở Đà Nẵng đều có dịch vụ đóng hàng để gửi đi rất chuyên nghiệp.
Chè hột gà trà
Các món chè của Sài Gòn rất đa dạng, nhưng để lấy ra một cái tên tiêu biểu, nghe món biết vùng thì phải kể đến chè hột gà trà. Món chè này vốn có gốc từ ẩm thực Trung Quốc và có thể khiến rất nhiều người ngạc nhiên, bởi gần như chẳng ở đâu mang trứng ra nấu chè.
simontran279
Với món chè này, trứng được nấu kĩ với trà đen và đường phèn, đến khi màu trà ngấm vào trứng, tạo thành màu sắc bắt mắt. Khi ăn, trứng không tanh như người ta lo ngại mà thơm dịu mùi trà, còn nước chè ngọt thanh, thoảng vị trà đắng.
Ăn chè hột gà trà nhất định phải ăn từ tốn, mới thấm được phần "trà" trong phần "trứng". Trên thực tế không phải ai cũng ăn được trứng gà trà, nhưng cũng có người ăn một lần là nghiện, cứ thèm nhớ hoài cái vị bùi của lòng đỏ trứng, cái dai giòn của lòng trắng.
shizi.lifestyle
Chè bưởi
Chè bưởi hiện tại là món chè có độ phủ sóng rộng khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng nơi nổi tiếng nhất với món này phải kể đến chính là An Giang. Nguyên liệu nấu chè bưởi không cầu kỳ, thậm chí có thể nói là dễ kiếm với đậu xanh, cùi bưởi, dừa. Có điều ai ăn chè bưởi An Giang đều phải công nhận ngon và đặc sắc.
hangthailanauthentic
Chè bưởi An Giang nấu bằng đường thốt nốt nên màu chè đậm hơn, ăn ngọt nhưng không hề khé cổ mà trái lại có vị thơm nhẹ. Chè bưởi An Giang chuẩn phải có cùi giòn, ngọt, hạt đỗ bở nhưng nguyên hạt. Đặc biệt cốt dừa phải sánh, ngậy, khi ăn thơm, béo có chút mằn mặn.
nagasawa8
Vì sự hấp dẫn của mình mà hiện tại một số shop online các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn còn liên hệ nhập chè từ chính gốc An Giang về để bán.