Bác sĩ William Nelson, một trong những chuyên gia ung thư hàng đầu thế giới, Giám đốc của Trung tâm ung thư Kimmel Sidney tại Đại học Johns Hopkins đã đưa ra lời khuyên "Cần suy nghĩ để phòng ngừa ung thư trước khi bệnh ập đến".
Bác sĩ W. Nelson đã làm một bài trắc nghiệm trên Quora về các vấn đề liên quan đến ung thư, ví dụ như: Tại sao ung thư khó chữa và làm gì để phòng bệnh.
Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm là "Tôi nên làm gì để không bị ung thư trong 20 năm nữa?". Và câu trả lời của bác sĩ W. Nelson là hãy làm 5 điều sau đây:
1. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là tránh thuốc lá dưới mọi hình thức (cả hút và ngửi khói thuốc lá)
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ung thư tại Mỹ cho cả nam giới và phụ nữ, và những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn 25 lần so với những người không hút thuốc lá. Người thường xuyên hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc 18 bệnh ung thư khác, bao gồm ung thư thanh quản, bàng quang, cổ tử cung, dạ dày, và ruột kết...
Theo WHO, năm 2012, trên thế giới có khoảng 1,83 triệu trường hợp mắc ung thư phổi mới được chẩn đoán và có khoảng 1,59 triệu người qua đời vì bệnh ung thư phổi (trong đó ở Châu Âu là Âu là 354.000 người và ở Anh là 35.400 người). (Nguồn: Chuaungthu.net)
2. Có lối sống lành mạnh cũng làm giảm nguy cơ ung thư
Lối sống lành mạnh bao gồm việc kiểm soát cân nặng của bạn ở mức cho phép. Để có thể kiểm soát cân nặng, bạn cần tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút một ngày), giảm tiêu thụ rượu, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất béo hoặc đường (vì những thực phẩm này dễ gây tăng cân)... Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thực đơn hàng ngày cũng là điều vô cùng quan trọng. Một thực đơn nghèo dinh dưỡng cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.
Cần đa dạng hóa thực đơn hàng ngày để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Việc duy trì một lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư từ 10-15% và tỷ lệ tử vong do ung thư từ 20-25%.
Để kiểm tra cơ thể mình đang ở ngưỡng khỏe mạnh hay thừa cân, thiếu cân, béo phì, bạn có thể tính toán chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) theo công thức: BMI = W/HxH
W: Trọng lượng cơ thể
H: Chiều cao
Theo đó, bạn có thể đánh giá cơ thể theo tiêu chuẩn sau:
- BMI <18.5 là gầy.
- BMI từ 18.5 – 25 là bình thường.
- BMI từ 25 – 30 là thừa cân.
- BMI > 30 là béo phì.
3. Biện pháp phòng ngừa quan trọng khác bao gồm việc tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời
Yếu tố này có thể gây ung thư da, kể cả u ác tính và dẫn đến tử vong. Tắm nắng trong nhà nhờ những thiết bị chiếu sáng cũng không phải là lựa chọn được khuyến khích. Theo Học viện Da liễu Mỹ, những người sử dụng thiết bị tắm nắng trong nhà có khả năng phát triển khối u ác tính cao hơn 59% so với những người chưa bao giờ làm điều đó.
4. Cần kiểm tra sức khỏe hàng năm và thực hiện các sàng lọc phù hợp lứa tuổi
Bạn cũng cần biết về lịch sử bệnh tật trong gia đình và chia sẻ điều này với bác sĩ trong mỗi lần đi khám sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe liên quan đến ung thư vì một số bệnh ung thư có thể di truyền.
Ví dụ, một người phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú thì cô ấy sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú cao hơn những người khác. Trong những trường hợp này, việc tầm soát ung thư là cực kì quan trọng để phòng và trị bệnh sớm.
Cần kiểm tra sức khỏe hàng năm và thực hiện các sàng lọc phù hợp lứa tuối
5. Cả hai giới đều nên tiêm ngừa bệnh u nhú ở người (HPV) và viêm gan B (HBV)
HPV (human papillomavirus) là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư cổ tử cung, còn HBV là nguyên nhân của hầu hết các bệnh ung thư gan.
Có nhiều cách để phòng ngừa ung thư, vì vậy, hãy lựa chọn và áp dụng đúng các biện pháp thích hợp để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.
(Nguồn: Businessinsider/Ruy băng tím)