Vệ sinh, dọn dẹp nhà bếp là việc mà chúng ta làm gần như mỗi ngày. Vậy nhưng nhiều người vẫn mắc phải những sai lầm mà có khi chính họ cũng không nhận ra.
Những lỗi sai ấy, nhẹ thì khiến bếp không được sạch sẽ, nghiêm trọng hơn có thể gây ra rủi ro không đáng có cho gia đình bạn vì lây nhiễm chéo vi khuẩn.
Bạn có đang thực sự vệ sinh nhà bếp đúng cách hay không? Nếu còn mắc những sai lầm dưới đây thì bạn hãy nhanh chóng sửa đổi nhé!
1. Dọn dẹp bắt đầu từ phía dưới
Sàn nhà là một khu vực sẽ trở nên khủng khiếp sau mỗi bữa tối khi bị dính thức ăn, nước… Chắc hẳn bạn muốn giải quyết mớ lộn xộn ấy càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên tâm lý đó lại khiến chúng ta vi phạm một trong những quy tắc cơ bản của việc dọn dẹp, đó là làm sạch từ phía dưới. Nếu lau sàn nhà trước, khi bạn lau quầy và phủi bụi ở phía trên, các mảnh vụn thức ăn, bụi bẩn sẽ rơi xuống sàn nhà vừa được làm sạch.
Do đó dù sàn nhà có bẩn thế nào thì bạn hãy để nó lại, chờ đến bước dọn dẹp cuối cùng.
2. Làm sạch tất cả các bề mặt theo cùng một cách
Bọt biển và chất tẩy rửa dạng xịt có thể sử dụng cho nhiều bề mặt khác nhau. Tuy nhiên với những bề mặt được làm từ vật liệu nhạy cảm hơn như thép không gỉ, gỗ hoặc đá cẩm thạch, chúng có nguy cơ bị hỏng nếu bạn sử dụng cùng một chất tẩy rửa ở khắp mọi nơi trong bếp.
Lời khuyên cho bạn là hãy đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vật liệu đó. Họ sẽ chỉ dẫn rõ ràng về việc sử dụng loại chất tẩy rửa nào mới là phù hợp nhất.
3. Sử dụng khăn giấy cho mọi thứ
Khăn giấy là một tiện ích làm sạch nhà bếp rất hiệu quả và đa năng. Bạn có thể dùng khăn giấy để thấm dầu mỡ, lau nước, làm sạch cửa sổ và nhiều công dụng khác nữa.
Cũng chính vì sử dụng khăn giấy rất thuận tiện nên nhiều lúc bạn sẽ lãng phí nó. Trước khi lấy khăn giấy để lau gì đó, bạn hãy tạm dừng lại vài giây. Rồi tự hỏi mình rằng khăn lau bát đĩa, miếng bọt biển hay khăn vải sợi nhỏ có thể dùng được trong trường hợp này hay không? Nếu có thể, bạn hãy thay thế khăn giấy bằng những món đồ khác có thể tái sử dụng.
4. Không vệ sinh các công cụ làm sạch
Các công cụ làm sạch thường xuyên tiếp xúc với nước trở nên ẩm ướt và dính các mảnh vụn thức ăn, dầu mỡ. Miếng bọt biển rửa bát và bồn rửa chén là 2 trong số những công cụ làm sạch nhưng chính chúng lại bẩn nhất.
Bạn hãy tập thói quen thay miếng bọt biển định kỳ và cọ rửa bồn rửa bát mỗi ngày để giữ chúng luôn sạch sẽ, không lây chéo vi khuẩn sang các thiết bị nhà bếp.
5. Để đến sáng
Việc để bát đĩa bẩn đến sáng hôm sau có thể gây ra một vài ảnh hưởng xấu. Những mảnh vụn thực phẩm thừa sẽ là thức ăn cho ruồi giấm, gián và chuột. Ngoài ra, một số vết bẩn nếu không xử lý ngay mà để đến sáng hôm sau thì sẽ cực kỳ khó giải quyết.
Và cuối cùng, việc thức dậy với một căn bếp sạch sẽ, gọn gàng bao giờ cũng khiến bạn cảm thấy thoải mái, mở đầu một ngày mới hào hứng hơn. Bạn không cần mất nhiều thời gian để dọn dẹp vào buổi tối. Vậy nhưng chỉ cần một chút lười biếng, để đồ bẩn đến sáng hôm sau, bạn chắc chắn sẽ có một khởi đầu ngày mới không sảng khoái chút nào.
Theo: Home