Trong khi đó, mùa hè cũng là thời điểm vi khuẩn sinh sôi nhanh. Rửa bình sữa không đúng cách sẽ khiến món đồ này trở thành ổ nuôi vi khuẩn. Em bé uống sữa bằng 1 chiếc bình như thế, hệ tiêu hóa, sức đề kháng còn non nớt, duy trì một thời gian dài có thể bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa hay ốm sốt mà bố mẹ không biết.

Hãy xem bạn có mắc phải 1 trong sai lầm khi rửa bình sữa dưới đây không bởi nếu không vệ sinh bình sữa đúng cách cũng chẳng khác nào cho trẻ uống "sữa độc".

Sai lầm 1: Không rửa bình sữa ngay sau khi con uống

Sai lầm này không ít bố mẹ mắc phải. Vì bận việc hoặc ngại rửa ngay mà nhiều người có thói quen con uống sữa xong thì để bình ngay trên bàn, đợi gom nhiều bình mới rửa cùng lúc. Đặc biệt các bé uống sữa đêm, bố mẹ rất hay đợi đến sáng mới mang bình sữa của con đi rửa.

Nếu không vệ sinh bình sữa ngay sau khi trẻ uống xong, nó có thể sản sinh ra vi khuẩn mà sau đó, bố mẹ rửa cũng không thể làm sạch hết.

5 sai lầm khi rửa bình sữa cho con, nếu bố mẹ mắc phải chẳng khác nào cho con uống "sữa độc" - Ảnh 1.

Sai lầm 2: Không tiệt trùng bình sữa đúng cách

Dùng cọ bình sữa và nước rửa bình sữa chuyên dụng, chà rửa kĩ càng mặt trong và mặt ngoài của bình sữa, sau đó rửa thật sạch bằng nước. Nếu bạn nghĩ rằng đây là cách vệ sinh bình sữa đúng thì bạn đã lầm. Mắt thường có thể thấy cách làm này là đủ để bình sữa sạch sẽ nhưng chưa chắc đã sạch hết vi khuẩn. Tiệt trùng là bước quan trọng khi vệ sinh bình sữa cho trẻ. Bước này nên được thực hiện ngay sau khi đã rửa sạch bình bằng nước rửa bình sữa chuyên dụng và nước.

Sai lầm 3: Chỉ rửa bình sữa bằng nước sạch

Có cha mẹ lại cẩn thận quá, sợ sử dụng xà phòng để rửa bình sữa sẽ có hại cho bé nên chỉ rửa bằng nước sạch. Dầu trong sữa không tan trong nước nên chỉ rửa bằng nước sạch sẽ không đảm bảo bình được vệ sinh sạch nhất. Bố mẹ nên mua nước rửa bình sữa, không sử dụng xà phòng hay nước rửa chén để cọ rửa bình sữa cho con.

5 sai lầm khi rửa bình sữa cho con, nếu bố mẹ mắc phải chẳng khác nào cho con uống "sữa độc" - Ảnh 2.

Không nên để bình sữa và núm ti đọng nước sau khi rửa.

Sai lầm 4: Không tháo rời núm bình sữa khi rửa

Một sai lầm nữa cũng nhiều bố mẹ mắc phải đó là rửa bình sữa vội vàng, không cẩn thận tháo rời phần núm bình bằng cao su hoặc silicon. Trên thực tế, vi khuẩn, những vết cáu bẩn rất dễ ẩn nấp ở gioăng, van và các khớp ở nắp bình sữa. Vì thế, mỗi lần vệ sinh bình sữa, bố mẹ nên tháo rời từng bộ phận và rửa một cách cẩn thận.

Sai lầm 5: Để bình sữa đọng nước sau khi rửa

Có những phụ huynh nghĩ rằng bình sữa đã được rửa sạch, chẳng mấy tiếng nữa lại pha sữa cho con uống nên bỏ qua bước làm khô bình sữa. Bố mẹ nên nhớ rằng nước ẩm ướt trong bình cũng là môi trường dễ sản sinh vi khuẩn.

Sau khi rửa sạch, cần phơi bình sữa ở nơi thoáng mát để khô hết mới sử dụng. Hiện nay trên thị trường cũng bán nhiều loại máy tiệt trùng kiêm sấy khô, sử dụng loại này sẽ giúp bố mẹ nhàn nhã hơn trong việc vệ sinh bình sữa và đảm bảo an toàn cho con.